Hậu Giang: Chưa ghi nhận thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn

(PLO)- Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, nuôi thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, nước mặn xâm nhập theo hướng triều cường biển Tây và biển Đông đã xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, nồng độ mặn cao nhất xâm nhập vào địa bàn tỉnh đo được tại kênh Mang Cá (TP Ngã Bảy) vào ngày 23-4 là 0,3‰; tại cống kênh Lầu (TP Vị Thanh) vào ngày 22-4 là 12,6 ‰ và tại UBND xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) vào ngày 4-5 là 13,0‰.

Hậu Giang: Chưa ghi nhận thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn
Từ đầu năm đến nay, nước mặn xâm nhập theo hướng triều cường biển Tây và biển Đông đã xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: BT

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã rà soát, thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình xâm nhập kịp thời.

Qua đó, đã xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý và triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn.

“Công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động giữa các ngành chức năng các cấp cùng với bà con nông dân, đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, nuôi thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn” - Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho hay.

Tuy nhiên, để chủ động trong bố trí mùa vụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và bảo đảm sản xuất trong vùng sinh thái ngọt cũng như chủ động trong công tác phòng chống hạn, mặn trong những năm tiếp theo, Hậu Giang cần đầu tư, nâng cấp hệ thống đê chưa hoàn chỉnh, các công trình thủy lợi trữ ngọt; hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân.

Do vậy, tỉnh Hậu Giang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương nguồn lực đầu tư các danh mục công trình trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt là các dự án dẫn ngọt, trữ ngọt vùng nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt cao của tỉnh.

Cụ thể, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi thuộc hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh trên địa bàn huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh; với tổng kinh phí ước khoảng 100 tỉ đồng.

Cạnh đó, mở rộng phát triển tuyến ống cấp nước cung cấp nước sạch cho người dân trong những tháng ảnh hưởng hạn, mặn trên địa bàn tỉnh; kinh phí thực hiện ước khoảng 70 tỉ đồng.

Ngoài ra, Hậu Giang đề xuất Trung ương hỗ trợ địa phương xây dựng các dự án hồ chứa nước ngọt tận dụng các sông tự nhiên cấp 1 sẵn có để trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Mặt khác, hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ kênh; Hỗ trợ tỉnh kinh phí thực hiện đề án di dời dân cư cấp bách do thiên tai và đê bao sông Mái Dầm (huyện Châu Thành), với kinh phí khoảng 395 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 15 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 415 m, diện tích đất bị mất hơn 1.935m, ước thiệt hại hơn 2,4 tỉ đồng.

Giông lốc đã làm tốc mái bảy mái che tại khu chợ đêm phường 5, TP Vị Thanh, ước thiệt hại khoảng 14 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm