Hậu Giang sẽ thành tỉnh công nghiệp mức khá của vùng ĐBSCL

(PLO)- Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Hậu Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại.

Hậu Giang
Theo Quy hoạch, Hậu Giang sẽ phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Ảnh: CHÂU ANH

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Quy hoạch, Hậu Giang sẽ phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Theo đó, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành, như: công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, logistics...

Cạnh đó, Hậu Giang cũng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực: cây ăn trái - lúa - thủy sản. Phát triển thủy sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, cá thát lát, lươn, gắn chế biến với mở rộng thị trường; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi.

Hậu Giang khởi công cao tốc
Hậu Giang sẽ phát triển hai hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Ảnh: CHÂU ANH

Mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, có giá trị gia tăng lớn; từng bước trở thành tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá của vùng ĐBSCL.

Theo quy hoạch được duyệt, Hậu Giang sẽ thực hiện năm đột phát chiến lược, đó là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm. Cụ thể:

- Một tâm (Một trung tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

- Hai Tuyến (Hai tuyến hành lang kinh tế động lực): Phát triển hai hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Từ đó, hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Ba thành (Ba trung tâm đô thị): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Trong đó, TP Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

- Bốn trụ (Bốn trụ cột kinh tế ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

- Năm trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm