Hậu Giang sẽ công bố Quy hoạch tỉnh tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo

(PLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ công bố trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sắp diễn ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-12, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị giao ban báo chí 6 tháng cuối năm 2023. Phát biểu tại Hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ công bố trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sắp diễn ra.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết dự kiến sẽ công bố Quy hoạch tỉnh trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo sắp diễn ra. Ảnh: CHÂU ANH

Thông tin về kết quả về kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cao hơn Kế hoạch năm 2023.

Theo đó, tập trung thực hiện ba nhiệm vụ đột phá với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh và đạt được những kết quả quan trọng. Trong 18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, có 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch và bốn chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Kinh tế đạt mức tăng trưởng cả năm 12,27%, trong đó công nghiệp tăng trưởng 31,09%, xây dựng tăng 13,74%, dẫn đến tăng trưởng khu vực II tăng 28,32%. Công tác giải phóng mặt bằng cho hai cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang được tập trung nguồn lực thực hiện và đảm bảo tiến độ đề ra.

Doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trên địa bàn phát triển ổn định; số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế cuối kỳ báo cáo tăng cao so với cùng kỳ, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng so với cùng kỳ. Các sản phẩm du lịch đã được đầu tư mới, số lượt khách đến Hậu Giang tham quan tăng cao, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo
Thông tin về kết quả về kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay trong 18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, có 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch và bốn chỉ tiêu đạt kế hoạch. Ảnh: CHÂU ANH

Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực, từ đầu năm đến nay Hậu Giang ký kết bốn bản thỏa thuận quốc tế với các đối tác thương mại, như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Cạnh đó, mở rộng quan hệ hữu nghị với 11 Tổng Lãnh sự quán các nước và 21 tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Theo ông Đồng Văn Thanh, xác định năm 2024 là năm bứt phá của nhiệm kỳ, do đó, tỉnh đã đề ra 18 chỉ tiêu và hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả bền vững. Tập trung nguồn lực tài chính phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp...

Thường xuyên chủ động làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu hiện thực hóa tối đa hiệu quả các dự án đầu tư đã ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022.

Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh theo từng năm và cả nhiệm kỳ đạt mục tiêu chương trình đề ra. Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ diễn ra từ ngày 11-12 đến ngày 15-12 tại TP Vị Thanh với nhiều hoạt động hấp dẫn như: tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vụ sản xuất lúa...

Trong thời gian diễn ra sự kiện, Hậu Giang tổ chức triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”, được sắp đặt với những mô hình bố trí trải dài từ đường Trần Hưng Đạo đến kênh Xáng Xà No.

Các mô hình thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp: sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0, tái hiện quá trình “trên bến dưới thuyền” của người dân Nam bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm