Nhu cầu tiêu dùng vàng của người dân không ngừng tăng. Ảnh: PM

Giải mã lý do vàng luôn hấp dẫn với người Việt

(PLO)- Trong các thời điểm khủng hoảng tài chính và bất ổn địa chính trị thế giới, vàng luôn được yêu thích hơn so với các loại tài sản khác.

Việc Việt Nam định giá vàng quá cao làm mất cơ hội xuất khẩu trang sức ra thế giới”. Đó là đánh giá của ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Ông Andrew Naylor cũng cho rằng vàng luôn có tiền lệ thể hiện lợi suất tốt trong thời kỳ kinh tế bất ổn, với vai trò nổi bật như một kênh tài sản đầu tư dài hạn và mang tính chiến lược.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Vàng vừa là tài sản đầu tư, vừa là tài sản tiêu dùng

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc giá vàng liên tục biến động trong thời gian qua, nhất là sau sự kiện một số ngân hàng tại Mỹ sụp đổ?

+ Ông Andrew Naylor: Giá vàng đã tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 1 và 2-2023 do các kỳ vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dẫn đến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD giảm giá trị. Sau đó các phát biểu “diều hâu” của Fed về việc cần phải tăng lãi suất nhanh và mạnh để chống lạm phát đã khiến giá vàng có lúc giảm mạnh.

Nhưng các sự kiện ngân hàng Mỹ phá sản tạo ra nỗi lo về khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ đó nhà đầu tư tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn, cũng như kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất mức thấp hoặc dừng tăng lãi suất để không tạo ra sức ép lên thị trường tài chính đã giúp vàng lấy lại sự tăng trưởng.

. Câu chuyện lãi suất của Mỹ, sự bất ổn kinh tế toàn cầu, địa chính trị... liệu có tiếp tục gây sức ép lên giá vàng trong thời gian tới?

+ Một trong những lý do mà nhiều người nắm giữ vàng vì nó được xem là tài sản an toàn. Mặt khác, vàng là tài sản hữu hình, không có nhiều tương quan với lớp tài sản khác và nguồn cung thì lại hạn chế. Vì những lý do này, trong các thời điểm khủng hoảng tài chính và bất ổn địa chính trị, vàng luôn được yêu thích hơn so với các loại tài sản khác. Điều này đem đến sự tăng giá vàng.

Các nghiên cứu của Hội đồng Vàng Thế giới đã chỉ ra rằng vàng luôn là tài sản bảo toàn giá trị hiệu quả trước lạm phát. Nhưng trong năm 2022, trong môi trường lãi suất tăng kết hợp với lạm phát cao chỉ mang lại sự tăng giá khiêm tốn cho vàng. Một khi lãi suất ổn định và giảm, vàng sẽ có xu hướng tăng giá trở lại.

. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá vàng?

+ Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến giá vàng. Nhưng việc đầu tư vào vàng của các tổ chức, vốn đang chiếm 40% nhu cầu vàng có quyết định ảnh hưởng đến giá vàng. Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng cũng giữ giá vàng duy trì ở mức tốt.

Tại Hội đồng Vàng Thế giới, chúng tôi nhìn nhận vàng là một tài sản có bản chất kép, vừa là một tài sản đầu tư vừa là một tài sản tiêu dùng. Khi giá giảm, vàng trở nên dễ tiếp cận hơn với đại chúng, dẫn đến sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng vàng.

Vàng là một tài sản có bản chất kép, vừa là một tài sản đầu tư vừa là một tài sản tiêu dùng. Ảnh: P.M

Vàng là một tài sản có bản chất kép, vừa là một tài sản đầu tư vừa là một tài sản tiêu dùng. Ảnh: P.M

Việt Nam là một trong thị trường vàng lớn nhất trên thế giới

. Ông có nhận xét thế nào về thị trường vàng tại Việt Nam?

+ Thị trường vàng tại Việt Nam khá sôi động và nó giữ vai trò quan trọng trong tài chính của mỗi hộ gia đình Việt Nam. Vàng có sự gắn kết mạnh mẽ với văn hóa tại Việt Nam, như tết là thời điểm mua vàng lớn trong năm hoặc các dịp cưới hỏi người dân cũng mua vàng.

Chúng tôi cũng nhận thấy vàng là khoản đầu tư hàng đầu của đại đa số người Việt Nam và được xem một tài sản an toàn và chống được các rủi ro. Một khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới đã chỉ ra vàng trở thành kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam với hơn 68% nhà đầu tư ưu tiên đầu tư.

Đáng chú ý, hơn 145 tỉ USD vàng được giao dịch hằng ngày trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, việc mua và bán vàng rất dễ dàng, điều này làm cho loại tài sản này trở thành một tài sản hấp dẫn. Riêng năm 2022, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm trước đó. Với số lượng trên, Việt Nam là một trong những thị trường vàng lớn nhất trên thế giới.

Ví dụ, theo khảo sát của chúng tôi tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong quý IV-2022 đã tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, từ 8,5 tấn lên 13,5 tấn. Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi và nhu cầu vàng trang sức. Tính chung năm ngoái, người Việt đã mua 18 tấn vàng trang sức, mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua.

Việt Nam cũng dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vưc Đông Nam Á vào năm 2022, với mức tăng 37% so với năm trước đó.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng địa phương trong quý IV-2022; mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về sự tăng trưởng của GDP.

Nhu cầu tiêu dùng vàng của người dân không ngừng tăng. Ảnh: PM
Nhu cầu tiêu dùng vàng của người dân không ngừng tăng. Ảnh: PM

. Ông đánh giá thế nào sự chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới, mà giá vàng Việt Nam cụ thể ở đây là thương hiệu vàng miếng SJC luôn cao hơn rất nhiều so vớivàng thế giới?

+ Tình trạng cung cầu chênh lệch có sự ảnh hưởng nhất định đến giá cả. Không có nhiều hoạt động khai thác hoặc sản xuất vàng đáng kể được ghi nhận tại Việt Nam, vì vậy vàng hầu hết phải được nhập khẩu. Ngoài ra, hạn chế nhập khẩu vàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng khác. Điều này đã hạn chế nguồn cung, làm cho mức giá nội địa tăng cao. Tất cả điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu trang sức và các sản phẩm vàng khác của Việt Nam, nhất là khi trang sức Việt Nam được đánh giá cao bởi tay nghề thủ công cao và thiết kế tinh tế.

Vì vậy, nới nhập khẩu vàng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới. Đồng thời, nếu giá cả trở nên cạnh tranh hơn, Việt Nam có thể kỳ vọng về một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho vàng.

. Ông có khuyến nghị thế nào với người mua vàng tại Việt Nam về việc đầu tư vàng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất định?

+ Trong thời điểm bất ổn kinh tế toàn cầu, việc đa dạng trong danh mục đầu tư là rất quan trọng vì sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Hơn nữa, vì là tài sản hữu hình, không phải là một tài sản nợ, vàng thường được nhìn nhận là tài sản an toàn, rất hữu ích cũng như có tính thanh khoản cao.

Như đã đề cập, năm nay giá vàng sẽ tiếp tục bị chi phối chủ yếu bởi tình hình lạm phát, lãi suất trên toàn cầu. Theo đó, nếu lạm phát hạ nhiệt, lãi suất giảm thì giá vàng sẽ có cơ hội bứt phá. Ngược lại, nếu lạm phát tiếp tục cao, lãi suất tiếp tục tăng thì giá vàng khó có cơ hội bứt phá.

Nếu lạm phát hạ nhiệt, lãi suất giảm thì giá vàng sẽ có cơ hội bứt phá. Ảnh: THÙY LINH

Nếu lạm phát hạ nhiệt, lãi suất giảm thì giá vàng sẽ có cơ hội bứt phá. Ảnh: THÙY LINH

. Xin cám ơn ông.

Giá vàng bùng nổ

Những ngày gần đây, giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh khủng hoảng của ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, một sự kiện quan trọng vào tuần sau đang góp phần thổi bùng giá vàng. Đó là thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ có khả năng tăng lãi suất thêm 0,25% vào tuần sau để hỗ trợ cho thị trường tài chính đang gặp nhiều khó khăn.

Phiên giao dịch hôm 19-3, giá vàng thế giới chạm mốc 1.990 USD/ounce, tương đương 57,1 triệu đồng/lượng. Như vậy so với cuối tuần trước, kim loại quý đã tăng hơn 120 USD/ounce.

Theo Gold Price, hầu hết người mua vàng lướt sóng lẫn nắm giữ lâu dài đều đang lãi nhờ giá vàng tăng mạnh. Lãi đậm nhất là người mua và nắm giữ vàng trong sáu tháng qua với mức lời 246 USD/ounce, tương đương 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tại thị trường trong nước tiếp tục được một số tiệm vàng, doanh nghiệp đẩy lên mức cao do thị trường vàng thế giới tăng phi mã. Hiện vàng PNJ và SJC hiện lần lượt bán ra thị trường là 56,3 triệu và 67,7 triệu đồng/lượng.

Xu hướng trang sức trung cao cấp vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Ảnh: THÙY LINH

Xu hướng trang sức trung cao cấp vẫn còn dư địa để

tăng trưởng. Ảnh: THÙY LINH

Gặp khó vì không được phép nhập khẩu

Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM dẫn số liệu tổng hợp từ nhiều nguồn cho thấy trong 21 năm (từ năm 1991 đến 2012), cả nước đã nhập khẩu và tiêu thụ ước hơn 1.000 tấn vàng bao gồm vàng nguyên liệu, vàng ký, vàng hạt.

Số lượng vàng kể trên đã đáp ứng nhu cầu phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2012. Nhưng từ tháng 5-2012 đến nay, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức là không được phép, phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng, trang sức... trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2022, với mức tăng 37% so với năm 2021. Ảnh: T.L

Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng, trang sức... trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2022, với mức tăng 37% so với năm 2021. Ảnh: T.L

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.