Gần 100 doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng

(PLO)- Thông qua Cơ quan xúc tiến thương mại – đầu tư Hàn Quốc, gần 100 doanh nghiệp nước này đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-3, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo “Đầu tư vào Đà Nẵng”.

Hội thảo có sự tham dự của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, Văn phòng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại – đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng (KOTRA Đà Nẵng) cùng gần 100 doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong – Chungnam.

Bà Shin Kyeonglyun, Phó giám đốc KOTRA Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Bà Shin Kyeonglyun, Phó giám đốc KOTRA Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Hàn Quốc là đối tác chiến lược hàng đầu

Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc IPA Đà Nẵng, TP xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch.

Năm 2019, có bốn đường bay thường kỳ và hai thuê chuyến từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng với tần suất 251 chuyến/tuần. Năm 2022, Đà Nẵng đã đón hơn 385.000 lượt du khách Hàn Quốc, chiếm hơn 45% tổng số lượt du khách quốc tế đến Đà Nẵng và 50% tổng lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam.

Bà Phương cho hay, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn của Đà Nẵng tại khu vực châu Á. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 50 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo bà Shin Kyeonglyun, Phó giám đốc KOTRA Đà Nẵng, Việt Nam là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Với các chính sách ưu đãi đầu tư mà Đà Nẵng hiện có, nhiều DN Hàn Quốc đang rất quan tâm đến TP này.

“Đà Nẵng đang hướng tới TP thông minh, thu hút nhiều dự án đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi. Các DN Hàn Quốc sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội tại Đà Nẵng. Đây là chính quyền luôn hỗ trợ tốt nhất cho DN”, bà Shin Kyeonglyun cho hay.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư - Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (Danang IT Park) đã giới thiệu về tiềm năng đầu tư lĩnh vực này tại Đà Nẵng.

Theo ông Hải, Danang IT Park là một trong bốn khu công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Danang IT Park được quy hoạch gồm nhiều phân khu chức năng như khu văn phòng, khu nghiên cứu, khu sản xuất, khu dịch vụ, khu nhà ở chuyên gia và khu sinh thái.

“Danang IT Park có vị trí thuận lợi, nhiều dịch vụ hỗ trợ cho DN cùng chính sách ưu đãi thuế phí thông thoáng, cơ sở hạ tầng tiện ích đồng bộ. Danang IT Park cách sân bay, cảng biển chỉ 30 phút di chuyển”, ông Hải chia sẻ.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong – Chungnam cùng Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: TẤN VIỆT

Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong – Chungnam cùng Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: TẤN VIỆT

Yên tâm về nguồn nhân lực

Trao đổi tại hội thảo, nhiều DN Hàn Quốc băn khoăn về khả năng đáp ứng nguồn nhân lực tại Đà Nẵng khi dân số TP hiện tại chỉ 1,2 triệu dân. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo tài sản, sự hỗ trợ của chính quyền TP cũng được đặt ra.

Bà Huỳnh Liên Phương cho hay, đến năm 2025, dân số của Đà Nẵng sẽ đạt 1,5 triệu. Năm 2030, dân số TP này dự kiến tăng lên 1,8 triệu người. Hiện có khoảng 50% dân số Đà Nẵng trong độ tuổi lao động.

“Đà Nẵng có hơn 20 trường đại học, cao đẳng đào tạo nhiều ngành nghề. Chúng tôi thường xuyên kết nối các DN với trường đại học để các trường nắm được nhu cầu của DN, đào tạo những ngành nghề cung cấp đúng nguồn nhân lực theo mục tiêu phát triển của DN. Với vai trò trung tâm kinh tế vùng, Đà Nẵng cũng thu hút đông đảo lao động ngoại tỉnh”, bà Phương cho hay.

Theo bà Phương, môi trường đầu tư tại Đà Nẵng đã rất khác so với trước đây. Thủ tục đầu tư vào Đà Nẵng thật sự nhanh gọn, được cải cách hành chính thường xuyên giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức cho DN.

“Nhà nước Việt Nam không quốc hữu hóa tài sản của DN. DN được bảo toàn về vốn, tài sản, được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Một dự án có thời hạn tối đa 50 năm. Khi hết thời hạn thì được làm thủ tục thanh lý tài sản của dự án hoặc nếu DN muốn tiếp tục thì được gia hạn dự án”, bà Phương nói thêm.

Theo IPA Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc là một trong năm quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào TP. Các DN Hàn Quốc đã đầu tư vào 256 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 358 triệu USD, chiếm 8,9% và xếp thứ năm nếu xét về tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm