Sáng 11-3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023 nhân kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-2-248, Mậu Thìn - 22-2-2023, Quý Mão) diễn ra tại xã Triệu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Ngay từ sáng sớm lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa thành kính thực hiện nghi thức cáo yết trước khi diễn ra Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đọc diễn văn khai mạc Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
"Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 là sự kiện quan trọng thể hiện sự tri ân sâu sắc và lòng tự hào của các thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, những người đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người xứ Thanh cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025" - ông Đầu Thanh Tùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định,
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng đánh trống chính thức mở Lễ khai hội đền Bà Triệu năm 2023 nhân kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản thay mặt lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trao chứng nhận danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu cho đại diện tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Tại buổi lễ, Thanh Hóa đã tái hiện hiện cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô năm 248 để tưởng nhớ Bà Triệu. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Cùng với đó là các tiết mục nghệ thuật tự hào miền đất con người xứ Thanh được đông đảo người dân và du khách theo dõi. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Sau chương trình nghệ thuật là nghi thức rước kiệu thần trong khuôn viên đền Bà Triệu. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Đây là nghi thức đặc sắc, quan trọng và linh thiêng bậc nhất của Lễ hội Đền Bà Triệu. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Lễ rước kiệu thần luôn được đông đảo người dân và du khách tham dự theo dõi với những màn xoay kiệu động đáo. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Sau khi nghi thức rước kiệu thần (rước bóng) quanh đền Bà Triệu, các trai tráng địa phương đưa kiệu thần đến lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng để thực hiện các nghi lễ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham dự. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Theo các bậc cao niên địa phương xã Triệu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), chia sẻ cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 chống lại quân Đông Ngô đã để lại một dấu son sáng ngời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Tinh thần yêu nước, chí khí quật cường cùng sự hy sinh lẫm liệt của Bà Triệu không chỉ làm cho kẻ thù khiếp sợ mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 22 đến 24-2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô năm 248.
Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ, xây lăng mộ bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai và dựng ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền, tôn bà làm Thần hoàng làng và quanh năm hương khói thờ Bà (cả ba địa danh này đều thuộc xã Triệu Lộc, Hậu Lộc).
Hình ảnh đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Dưới các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ.
Đến năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà ở xã Triệu Lộc được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.
Đến năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận Lễ hội đền Bà Triệu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.