Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: 'Tôi tham sống để có thể viết thêm nhiều sách'

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: 'Tôi tham sống để có thể viết thêm nhiều sách'

(PLO)- Bước sang tuổi 105, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tự nhận mình tham sống để có thể viết sách, cống hiến sức mình cho sử học và hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, TP.HCM. 

Những ngày đầu năm mới, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bận rộn với việc tiếp khách cũng như tập trung công việc viết sách.

Trong căn nhà nhỏ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã có dịp lắng nghe ông trải lòng về một năm 2024 đáng nhớ cũng như những dự định trong năm 2025.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Viết sách bằng tình yêu nước, yêu TP.HCM

. Phóng viên: Thưa ông, đi qua 2024 với những sự kiện đáng nhớ ở tuổi 104, điều đọng lại trong nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là gì?.

+ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Sự kiện ý nghĩa nhất là khi tôi nhận giải sách quốc gia với tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020). Không chỉ riêng tôi, với bất kỳ ai được nhận giải đều lấy đó làm vinh dự. Vì đây như một sự khích lệ để bản thân có thể viết tiếp những tác phẩm khác.

nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu8.jpg
nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu1.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ sự kiện ý nghĩa nhất với ông năm 2024 là được nhận giải thưởng sách quốc gia.

. Khi bắt tay thực hiện, ông có kỳ vọng tác phẩm sẽ đạt giải sách quốc gia không và hành trình khi ông thực hiện nó ra sao, thưa ông?

+ Kỳ vọng thì tất nhiên sẽ có. Bởi vì trước khi đi đến giải thưởng sách quốc gia thì tác phẩm này của tôi cũng đạt được giải thưởng Trần Văn Giàu và được độc giả đánh giá là bộ sách có chất lượng.

Còn về hành trình thực hiện bộ sách thì khá dài. Vào năm 1998, TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP.HCM, khi đó tôi đợi một tác phẩm viết đầy đủ về các khía cạnh về TP.HCM để giới thiệu với đồng bào cả nước. Đợi mãi, nhưng tôi vẫn chưa thấy một tác phẩm như vậy.

Một ngày trọng đại như vậy nhưng không có sách về TP.HCM là một thiếu sót lớn, tôi sốt ruột nên quyết định tự đặt bút viết bản thảo về cuốn sách 300 năm TP.HCM.

Hoàn thành xong, tôi gửi cho GS Trần Văn Giàu, được giáo sư đọc và duyệt… Một tuần sau, Viện Khoa học xã hội TP cử người đến gặp và đề nghị tôi ký hợp đồng thực hiện cuốn sách.

cụ nguyễn đình tư.jpg
cụ nguyễn đình tư 2.jpg

Tôi bắt đầu đến các thư viện, trung tâm lưu trữ thu thập tài liệu và bắt tay thực hiện. Khi đó vẫn chưa có máy tính, còn phải đánh bằng máy chữ, tôi phải ra nhờ những người đánh máy thuê để làm cho kịp.

nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu2.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chụp ảnh cùng bạn đọc trong một sự kiện về sách.

Sau khi hoàn thành, tác phẩm cũng được hội đồng nghiệm thu đánh giá có chất lượng và Viện Khoa học xã hội giao cho Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục thực hiện việc ấn hành. Tuy nhiên, vì một lần trở duyên nên cuốn sách không thể ra mắt vào thời điểm đó.

Dẫu vậy, những tư liệu mà tôi sưu tầm được rất hiếm và quý. Tôi không huỷ bỏ nó và hi vọng một ngày nào đó mình có thể dùng lại để thực hiện cuốn sách khác.

Hơn 20 năm sau, tôi nhận thấy đã đến lúc thuận tiện để viết tác phẩm. Tôi đem bản thảo ra để duyệt lại, vấn đề nào còn thiếu sót thì bổ sung, vấn đề nào không còn phù hợp thì bỏ đi.

Đồng thời, tôi có bổ sung thêm những tư liệu rất quý giá từ 1998 – 2020 của TP.HCM. Sau khi hoàn thành bản thảo, tôi gửi đến NXB Tổng hợp để duyệt và cuối cùng tác phẩm đã có thể đến tay bạn đọc.

nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu10.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư say sưa kể chuyện viết sử.

. Nghiên cứu bền bỉ hơn 20 năm với những khó khăn mà chỉ tự mình biết, có bao giờ ông muốn dừng lại?

+ Không! Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó lần nào bởi tôi tha thiết với ngành nghiên cứu lịch sử. Tôi đã dành cả đời mình cho tình yêu nước và lịch sử Việt. Việt Nam chúng ta tuy nhỏ nhưng rất anh hùng. TP.HCM là nơi tôi gắn bó đến cuối đời, do đó bằng niềm kiêu hãnh của một người con nước Việt, tôi say sưa viết để có thể hoàn thành cuốn sách.

Đối với tôi, những công trình nghiên cứu về TP.HCM như vậy đã toàn diện. Nếu bây giờ viết thêm thì chỉ có thể viết những khía cạnh nhỏ chứ không thể có thêm một tác phẩm toàn diện như Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

"Người viết Sử phải luôn khách quan"

. Ông từng viết tiểu thuyết, sau chuyển hướng sang nghiên cứu và viết về lịch sử. Chọn cho mình lối đi hẹp như vậy hẳn ông cũng nhiều trăn trở?

+ Tôi cũng nhận thấy lịch sử và địa lý là 2 môn rất khô khan nên tôi chủ trương văn nghệ hoá 2 ngành đó. Viết sử thì việc điểm tin không bỏ qua được nhưng kèm theo đó là những chi tiết, những sự kiện văn hoá liên quan đến những sự kiện lịch sử đó để người đọc có thể vừa học sử vừa có sự giải trí. Điều đó cũng được tôi thực hiện trong cuốn Non nước Phú Yên.

. Hiện nay tài liệu nghiên cứu cho lịch sử tại Việt Nam bị mai một nhiều, ông tìm cho mình nguồn như thế nào? Ông tham khảo để có những tài liệu cho ông nghiên cứu ra sao?

+ Tài liệu về lịch sử, kinh sử của chúng ta rất ít. Tuy nhiên, may mắn nhiều văn nhân, thi sĩ viết những sách cũng liên quan đến lịch sử nhưng ở một khía cạnh khác.

Tôi thích môn sử cho nên khi có tiền thì thấy quyển sách sử mới phát hành thế là tìm cách mua, tích luỹ lại mà chịu khó đọc, đến nhà nào mà thấy có quyển sách lịch sử thì tôi cũng tò mò mở ra xem nội dung thế nào, không có thì đọc chi tiết thì xem mục lục ấy coi thử trong đó có những mục gì, điều gì do đó tích luỹ được kiến thức của mình về các sự kiện lịch sử.

nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu3.jpg
Ông cóp nhặt tài liệu mỗi ngày...

. Vậy có thể nói với ông, trách nhiệm của một người viết sử hẳn rất lớn?

+ Trước đây tôi không có chức quyền gì trong xã hội cả, chỉ là dân thường như mọi người thôi, vì thích môn sử nên tôi để tâm nghiên cứu về lịch sử nước Việt Nam. Không ai thúc hay đặt hàng hết, tôi viết theo quan điểm của mình, bằng những gì mình có.

Viết sử phải khách quan, bởi lịch sử mà không khách quan, viết sai sự thực sẽ làm cho hậu thế hiểu lầm về quá khứ.

Vì thế, khi viết sử, tôi không che đi cái xấu mà cũng không biến cái xấu thành cái tốt. Có sự kiện như thế nào thì tôi phải diễn ra như vậy, nói đúng như vậy để cho hậu thế người ta biết được cái thực trạng của đất nước trong cái giai đoạn đã qua.

Tôi thấy việc viết sách rất cần thiết, nhất là viết về lịch sử. Nếu một quốc gia mà không có lịch sử thì quốc gia đó dù còn có ranh giới, còn có dân tộc mà không lưu lại thì xem như là đã không còn trên bản đồ thế giới nữa.

Phải có lịch sử để thế giới đọc và thấy nước mình đã có thời gian oanh liệt thế nào, có những chiến đấu để chống ngoại xâm cùng những khó khăn để xây dựng đời sống cho dân ra sao...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

"Tôi sợ chết vì sẽ không còn được viết"

. Sau tác phẩm đạt giải sách quốc gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư còn công trình nghiên cứu gì trong năm 2025 và thời gian tới không?

+ Hiện nay, tôi tự vạch cho mình một chương trình viết 10 quyển sách nữa và cũng liên quan đến lịch sử. Bây giờ, tôi vẫn đang viết nó. Những điều tôi đang viết thì chưa thấy ai thực hiện.

Tôi dành mọi thời gian trong ngày để viết sách. Một ngày, tôi phải dùng 8-10 tiếng đồng hồ để ngồi trước máy vi tính để viết sách, bởi với tôi bây giờ, thời gian là vàng là bạc. Tôi không dám đi đâu xa, ăn xong là buông đũa nghỉ, tối lại ngồi bên máy tiếp tục làm việc.

nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu7.jpg
nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu6.jpg
Lãnh đạo TP.HCM cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chụp ảnh cùng nhau trong một sự kiện sách.
nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu9.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT&TT cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

. Bên cạnh 10 tập bản thảo vẫn đang bắt tay thực hiện, hiện tại nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư còn ước mơ gì khác nữa không, thưa ông?

+ Tôi không có ước mơ gì nữa cả, chỉ mong năm tháng còn sống, còn đủ thời gian để viết mấy quyển sách đấy và sau khi hoàn thành thì xem như nhiệm vụ của tôi đối với tổ quốc đã hoàn thành.

Thật sự tôi rất tham sống, sống để tiếp tục cống hiến, hoàn thành mấy quyển sách đó. Nhiều lúc tôi sợ chết vì sẽ không còn được viết nữa. Tôi bây giờ chỉ cần sức khoẻ nên hàng ngày tôi bảo vệ sức khoẻ mình bằng cách tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, không có gì buồn phiền chi phối tâm trạng nên rất lạc quan yêu đời.

nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu4.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư mong có thêm nhiều thời gian để viết sách.

. Cuối cùng, với những kinh nghiệm sâu sắc trong nghề viết sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có gì muốn nhắn nhủ đến người trẻ hôm nay không ạ?

+ Thế hệ nào cũng vậy, tuổi trẻ là sức mạnh, nhưng phần lớn người trẻ hay phí hoài vào việc vô ích, đến khi lớn tuổi rồi mới thấy mình phung phí thời gian, không làm được có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy tuổi trẻ cũng như tuổi già, dành thời gian của mình để làm lợi ích cho gia đình cho xã hội thì hay hơn là vui chơi để giải trí để thoả thích thì ham muốn cá nhân nhất thời.

. Xin cảm ơn ông!

ĐINH THỊ THANH THỦY, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM:

Một nhà nghiên cứu đã đi qua trăm năm của thành phố

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chụp ảnh cùng bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM (trái) và bạn đọc trong một sự kiện về sách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chụp ảnh cùng bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM (trái) và bạn đọc trong một sự kiện về sách.

Tôi có rất nhiều ấn tượng về cụ Nguyễn Đình Tư - một nhà nghiên cứu đã đi qua trăm năm của TP.HCM.

Khi ở tuổi 80, lần đầu tiên tôi biết nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư khi ông xuất hiện trong bộ áo dài màu đen. Sau này lúc 90 tuổi, ông hay mặc áo dài vàng và trên 95 ông thường xuất hiện với áo dài đỏ. Qua tìm hiểu tôi mới biết rằng ông là người nghiên cứu về phong tục rất kỹ, tuổi nào nên mặc trang phục gì, màu gì cho phù hợp.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là một bậc cao nhân nhưng ông luôn gần gũi. Thông qua tác phẩm Đi qua trăm năm - Nguyễn Đình Tư (Tự truyện), độc giả có thể nhìn lại cuộc đời cần mẫn của một nhà nghiên cứu luôn kiên trì bền bỉ đến các thư viện, trung tâm nghiên cứu “ăn dầm nằm dề” để đọc các tư liệu, chuyển hoá thành bản thảo và đem đến kiến thức lịch sử cho bạn đọc thông qua các tác phẩm của mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư thật sự là tấm gương lao động cần cù mà tôi tâm đắc.

Đọc thêm