Khả năng ấn tượng của ChatGPT đã khiến nhiều người bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng, đặc biệt là các trường học.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, Mira Murati - Giám đốc công nghệ của OpenAI, công ty đứng sau chatbot AI nổi tiếng ChatGPT cho biết các trường học không nên vội vàng cấm công nghệ này trong khuôn viên trường do lo ngại về gian lận. Thay vào đó, ChatGPT “có khả năng thực sự cách mạng hóa cách chúng ta học”, đặc biệt là ở những nơi không phải ai cũng có sở thích hoặc khả năng học tập giống nhau.
ChatGPT hiện đang bị nhiều trường học cấm sử dụng. Ảnh: Rawpixel |
Với các công cụ như ChatGPT, bạn có thể trò chuyện không ngừng với mô hình để hiểu một khái niệm theo cách phù hợp với mức độ hiểu biết của bạn, Murati nói thêm.
Cho đến nay, các hệ thống trường công lập ở Thành phố New York, Los Angeles, Seattle... đã cấm sử dụng bot do lo ngại việc đạo văn và gian lận.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã lặp lại lời của Murati, ông tin rằng ChatGPT có một vị trí trong trường học và coi đó là một cách học hấp dẫn hơn.
“Tôi đã sử dụng nó để tự học mọi thứ và thấy nó hấp dẫn hơn nhiều so với những cách khác mà tôi đã học trong quá khứ. Tôi thà để ChatGPT dạy tôi điều gì đó hơn là đi đọc sách giáo khoa,” Altman nói với SeriousVC.
Tuy nhiên, Altman khẳng định gần như không thể phát hiện 100% trường hợp AI đạo văn, do đó không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều trường học cấm sử dụng ChatGPT.
ChatGPT có thể giúp cải thiện cách học tập nếu biết cách tận dụng. Ảnh: Getty Images |
Mặc dù nhiều trường học đặt ra những hạn chế trong việc sử dụng AI, nhưng vẫn có những nhà giáo dục đồng ý với Murati và Altman, sử dụng AI tổng quát như một phần trong kế hoạch soạn thảo và giảng dạy. Chẳng hạn, một giảng viên truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Leeds nói với Insider rằng cô ấy đã sử dụng AI trong lớp học từ năm 2018.
Giảng viên Leah Henrickson nói: “Chúng tôi đang khiến sinh viên của mình suy nghĩ nghiêm túc về những công cụ này. GPT và AI sẽ là một mối đe dọa, nhưng nó không thể thay thế quá trình giải quyết vấn đề”.