ChatGPT (chatbot AI do OpenAI phát triển) đã nhanh chóng gây bão trên Internet khi có hàng chục triệu người dùng chỉ sau một thời gian ngắn. Công cụ này có thể trả lời các câu hỏi của bạn ở mọi lĩnh vực từ khoa học, tôn giáo, chính trị, thể thao… bằng thứ ngôn ngữ tự nhiên nhất.
Tuy nhiên bạn không nên quá lạm dụng ChatGPT vì kết quả của nó được lấy từ nguồn dữ liệu công khai, dữ liệu này hay được thu thập mà đôi khi không hề có sự chấp nhận của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu do ChatGPT cung cấp, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe, tài chính… khi chưa xác minh kỹ lưỡng.
Công cụ kiểm tra văn bản do AI tạo ra hay do con người tạo ra. Ảnh: StockSnap/TIỂU MINH |
Mới đây, OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) đã ra mắt công cụ giúp người dùng phân biệt văn bản do con người viết và do AI tạo ra, bao gồm cả ChatGPT. Tuy nhiên, công ty cũng lưu ý rằng công cụ này có tỉ lệ thành công chỉ khoảng 26%, và nó chỉ nên được sử dụng song song với các phương pháp khác để ngăn chặn việc lạm dụng trình tạo văn bản AI.
Khi sự quan tâm đến AI ngày càng tăng, cơ quan chức năng đã kêu gọi những nhà phát triển công cụ thực hiện một số bước để giảm thiểu các tác động có hại tiềm tàng. Một số trường học tại Mỹ đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT do lo ngại về việc gian lận trong thi cử và tính chính xác của nội dung mà công cụ này tạo ra.
Tương tự, trang web Stack Overflow cũng cấm người dùng chia sẻ nội dung do ChatGPT tạo ra với lý do AI đang tạo ra các câu trả lời không phù hợp.
Công cụ phân loại của OpenAI rất hấp dẫn về mặt kiến trúc, nó giống như ChatGPT, là một mô hình ngôn ngữ AI được đào tạo trên rất nhiều ví dụ về văn bản có sẵn công khai trên web. Nhưng không giống như ChatGPT, nó được tinh chỉnh để xác định đoạn văn bản đó có phải được tạo bởi AI (không chỉ từ ChatGPT mà còn từ bất kỳ mô hình AI tạo văn bản nào khác).
Cụ thể, OpenAI đã đào tạo công cụ phân loại văn bản từ 34 hệ thống tạo văn bản của 5 tổ chức khác nhau, bao gồm cả chính OpenAI. Tuy nhiên công ty thừa nhận rằng công cụ này có thể vô tình phân loại sai một số văn bản do AI thành văn bản do con người viết “do sự phổ biến của nội dung do AI tạo ra trên Internet”.
Lưu ý, công cụ này cần tối thiểu 1.000 ký tự, hoặc khoảng 150 đến 250 từ mới có thể phân tích, và không thể phát hiện đạo văn, một hạn chế đặc biệt đáng tiếc.
Sau khi phân tích văn bản, công cụ sẽ dán nhãn “very unlikely” (rất khó xảy ra), “unlikely” (không chắc chắn), “unclear if it is” (không rõ liệu nó có phải là), “possibly” (có khả năng) và cuối cùng là “likely” (rất có thể) tùy vào tỉ lệ phát hiện nội dung đó có phải do AI tạo ra hay không.
Công cụ phân loại văn bản của OpenAI. Ảnh: OpenAI |
Ngoài công cụ kiểm tra của OpenAI, bạn có thể sử dụng ChatZero, công cụ được phát triển bởi một sinh viên Đại học Princeton, sử dụng các tiêu chí bao gồm “độ phức tạp” (độ phức tạp của văn bản) và “độ bùng nổ” (các biến thể của câu) để phát hiện xem văn bản đó có được viết bởi AI hay không.
Tương tự, công cụ phát hiện đạo văn Turnitin cũng đang phát triển thêm tính năng phát hiện văn bản do AI tạo ra. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin trên Google cũng có thể giúp ích cho bạn trong việc phân biệt văn bản do AI tạo ra và do con người tạo ra.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng công cụ GPTZero của một sinh viên phát triển để kiểm tra nội dung văn bản là do AI viết hay do con người viết, đồng thời phát hiện đạo văn chỉ với vài thao tác đơn giản.
Việc bạn cần làm là dán đoạn văn bản cần kiểm tra vào khung trống, sau đó nhấn Get Results (nhận kết quả).
Nếu xuất hiện thông báo Your text is likely to be written entirely by a human nghĩa là văn bản của bạn có khả năng được viết hoàn toàn bởi một con người, ngược lại nếu xuất hiện thông báo Your text is likely to be written entirely by AI nghĩa là văn bản của bạn có khả năng được viết hoàn toàn bởi AI.
GPTZero đánh giá đoạn văn trên có khả năng được viết bởi con người. Ảnh: TIỂU MINH |
Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ tham khảo nên không thể đánh giá chính xác tất cả nội dung, chỉ nên sử dụng song song với các công cụ khác.
Nhìn chung, công nghệ có thể mang đến cho bạn nhiều lợi ích, nhưng bạn cũng không nên quá lạm dụng ChatGPT vì việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy.
Mặc dù ChatGPT thực sự là một sản phẩm AI đang thay đổi cuộc chơi trong nhiều ngành nghề nhưng nó vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.