OFT chia sẻ kinh nghiệm triển khai 3G tại Việt Nam

Thành công 3G của Hồng Kông và bài học "cơ chế mở"

Bà Karine Dussert, Giám đốc Marketing di động của hãng Orange tại Pháp, người trực tiếp triển khai 3G tại Pháp năm 2004 đã chia sẻ với báo giới Việt Nam một số kinh nghiệm 3G từ chính qua trình kinh doanh của OFT. Có 4 yếu tố chính được bà Karine Dussert liệt kê, gồm:

- Thành công ngay từ khi ra mắt (First time right) - Cần phải làm hài lòng khách hàng bằng chất lượng dịch vụ tốt nhất, vì có tới 70% khách hàng sau khi dùng thử 3G lần đầu tiên đã không quay trở lại sử dụng tiếp dịch vụ cũ nếu họ cảm thấy không hài lòng.

- Chọn đúng dịch vụ thiết thực - Có rất nhiều dịch vụ nội dung sử dụng nền tảng 3G, nhưng quan trọng nhất là phải biết loại dịch vụ nào phù hợp với thị hiếu người dùng di động bản địa. Ngoài ra, việc lựa chọn phạm vi triển khai dịch vụ 3G cũng rất quan trọng, vì không cần thiết phải phủ 3G ngay lập tức ở mọi nơi, mà nên tập trung vào những khu vực có tiềm năng phát triển nhất, chẳng hạn như các đô thị lớn.

- Định hướng nhu cầu khách hàng - Chẳng hạn như giới thiệu những tiện ích và để khách hàng có những kinh nghiệm sử dụng thú vị mà không cần biết đó là dịch vụ 3G hay không.

- Thiết bị đầu cuối phù hợp - Ngoài những khả năng tận dụng tối đa các lợi ích 3G mang lại như khả năng lướt web, soạn e-mail, văn bản với bàn phím QWERTY, tìm đường.... thiết bị đầu cuối cũng cần cài đặt sẵn các phần mềm để thân thiện với người dùng, vì không phải ai cũng đủ khả năng tự cài đặt các ứng dụng Internet họ thường dùng trên máy tính lên ĐTDĐ.

Những rào cản lớn nhất khiến người tiêu dùng không muốn tiếp cận dịch vụ 3G, theo bà Karine Dussert chính là giá thành của dịch vụ và giá của thiết bị đầu cuối 3G. Nếu giá dịch vụ 3G rẻ thì nhu cầu sử dụng sẽ rất lớn. Thiết bị đầu cuối có giá phổ thông sẽ giúp nhiều người chưa có máy tính riêng kết nối Internet có thêm lựa chọn: Truy cập Internet qua ĐTDĐ.

Về cơ chế giá dịch vụ, bà Karine dẫn chứng về mô hình giá 3G rất linh động mà Orange áp dụng, với các gói dịch vụ cho kết nối không giới hạn trong 1 tháng, hoặc kết nối chỉ trong 1 ngày, thậm chí chỉ trong nửa giờ cũng có thể đáp ứng. Kết hợp với giá thành dịch vụ thấp so với thu nhập, (trung bình một thuê bao 3G tại Pháp chỉ phải trả 0,5-1% thu nhập bình quân hàng tháng cho dịch vụ 3G), các mức cước linh hoạt cũng giúp người dùng bớt e ngại và thích dùng thử để trải nghiệm các tiện ích hơn.

Trả lời câu hỏi của PV về những dịch vụ nội dung 3G thành công nhất mà OFT đã triển khai tại Pháp, bà Karine cho biết: "Dịch vụ thành công nhất của chúng tôi tại Pháp phải kể đến đầu tiên là e-mail. Mọi người đều muốn kiểm tra e-mail ở bất cứ đâu. Thứ nhì là các cổng thông tin chuyên cho di động, các dịch vụ thông tin về thời tiết, tình hình giao thông, tìm đường đi khi bị tắc đường... Thứ ba phải kể đến là các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Và cuối cùng, đó là các kênh truyền hình dành cho ĐTDĐ".

Hiện tại, OFT đang phối hợp với MobiFone trong việc chia sẻ kinh nghiệm về gia tăng giá trị dịch vụ 3G, cũng như mong muốn tham gia vào quá trình triển khai 3G tại Việt Nam. Tuy nhiên khi báo giới đặt câu hỏi về những dịch vụ nào OFT dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam trong trường hợp trở thành đối tác triển khai 3G, bà Karine cũng từ chối tiết lộ vì hiện chưa thể khẳng định về khả năng này.

Dù chưa thể khẳng định những kinh nghiệm 3G tại Pháp sẽ hoàn toàn phù hợp với một quốc gia có các điều kiện về kinh tế, dân số, văn hoá... khá khác biệt như Việt Nam, nhưng những nội dung OFT trình bày tại Vietnam Telecoms Summit lần này cũng đáng để các doanh nghiệp đang triển khai 3G tại Việt Nam tham khảo.

Theo B.M. (VNN)

Đọc thêm