1. Tính năng mới cho phép bạn tìm điện thoại kể cả khi chúng bị tắt nguồn
Google gần đây đã cải tiến lại tính năng Find My Device, cho phép người dùng Android có thể tìm lại điện thoại bị mất dễ dàng hơn, thậm chí kể cả khi thiết bị đã bị tắt nguồn hoặc hết pin.
Google Pixel 8 và Pixel 8 Pro được trang bị phần cứng chuyên dụng có thể cấp nguồn cho chip Bluetooth ngay cả khi thiết bị hết pin hoặc tắt nguồn. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị Android hiện có trên thị trường không thể giao tiếp với nhau qua Bluetooth khi tắt nguồn.
Chia sẻ với Android Authority, đại diện Google xác nhận họ sẽ mang chức năng này lên các mẫu điện thoại Android khác trong tương lai để cạnh tranh với tính năng Find My của Apple.
Để sử dụng tính năng Find My Device của Google và các tính năng liên quan, bạn cần phải sử dụng Android 9 trở lên. Không chỉ điện thoại, Find My Device còn có thể được sử dụng để tìm thẻ theo dõi (tương đương với AirTags của Android ), phụ kiện tương thích và tai nghe từ các thương hiệu như JBL, Sony…
2. Khi ông lớn bán lẻ chuyển sang bán máy lạnh
Mô hình kinh doanh các mặt hàng công nghệ đang gặp khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Do đó, các hệ thống bán lẻ lớn như FPT Shop, Thế Giới Di Động… buộc phải thay đổi, mở rộng kinh doanh thêm đồng hồ, mắt kính, đồ gia dụng nhà bếp và gần đây nhất là máy lạnh.
Chia sẻ về việc chính thức mở rộng kinh doanh nhóm hàng điện máy, đại diện FPT Shop - ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc Ngành hàng Điện máy cho biết: “Tháng 1-2024 vừa qua, FPT Shop thử nghiệm mở bán máy lạnh tại khu vực TP. HCM và thu được những kết quả khả thi nhất định”.
Theo ghi nhận, trong phân khúc 5-6 triệu đồng, bạn có thể chọn mua các model máy lạnh như Casper Inverter 1 HP (9000 BTU) TC-09IS35, Midea Inverter 1 HP (9500 BTU) MSAGII-10CRDN8… đi kèm theo đó là ưu đãi trả góp 0%, tặng kèm ống đồng và lắp đặt tận nhà miễn phí.
Trước đó, một hệ thống bán lẻ khác đã nhận định việc chuyển sang mô hình kinh doanh “bách hóa công nghệ” đang là xu hướng của nhiều đơn vị. Việc này sẽ giúp các hệ thống tận dụng tốt nguồn nhân lực, diện tích cửa hàng để kinh doanh thêm các sản phẩm liên quan, đồng thời cải thiện doanh thu của từng cửa hàng.
3. Lô hàng PC toàn cầu tăng trở lại
Theo công ty phân tích IDC, thị trường PC truyền thống trên toàn thế giới cuối cùng đã tăng trưởng trở lại trong quý đầu tiên của năm 2024 với 59,8 triệu thiết bị. Mức tăng trưởng được ghi nhận là 1,5% so với cùng kỳ năm trước và đây là lần đầu tiên sau nhiều năm mức tăng trưởng này được ghi nhận.
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, lạm phát đã giảm và kết quả là doanh số bán PC đã bắt đầu phục hồi. “Quá trình phục hồi dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024 khi các PC AI mới hơn lên kệ vào cuối năm nay. Cùng với sự tăng trưởng về số lượng xuất xưởng, PC AI cũng được kỳ vọng sẽ có mức giá cao hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà sản xuất PC và linh kiện.”
Dẫn đầu thị trường PC hiện tại là Lenovo với 23% thị phần, tiếp đến là HP với 20,1% thị phần. Dell đứng thứ ba với 15,5% thị phần và theo sau là Apple với 8,1% thị phần. Cuối cùng, Asus đứng ở vị trí thứ 5 với 6,1% thị phần.
4. Samsung được Mỹ trợ cấp 6 tỉ USD để sản xuất chip
Samsung được cho là sẽ nhận được hơn 6 tỉ USD tiền trợ cấp và tài trợ từ chính phủ Mỹ để mở rộng sản xuất chip tại nước này. Đổi lại, công ty sẽ đầu tư hơn 44 tỉ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất, một cơ sở đóng gói tiên tiến và một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Một trong những nhà máy đang được xây dựng dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.
Đạo luật Khoa học và CHIPS của chính phủ Hoa Kỳ đang chứng tỏ được sức ảnh hưởng lớn. Là một phần của đạo luật này, chính quyền Biden đã dành một quỹ trị giá 52,7 tỉ USD để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, bao gồm 39 tỉ USD tài trợ trực tiếp cho các công ty để mở rộng cơ sở sản xuất chip của họ.
TSMC, công ty nhận được khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD đã đồng ý tăng đầu tư thêm 25 tỉ USD lên 65 tỉ USD. Công ty sẽ bổ sung một nhà máy sản xuất chip thứ ba tại Arizona vào năm 2030.
Intel cũng dự định đầu tư hơn 100 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip của Mỹ trong 5 năm tới, mở rộng sản xuất tại các cơ sở hiện có ở Arizona. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trao cho Intel khoản trợ cấp 8,5 tỉ USD và các khoản vay 11 tỉ USD.
Samsung đã có một nhà máy sản xuất chip ở Austin, Texas. Năm 2021, hãng công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Taylor, Texas. Dự án ban đầu được ước tính trị giá 17 tỉ USD. Tuy nhiên, các điều kiện thị trường khác nhau như lạm phát đã làm tăng thêm chi phí. Cuối cùng, công ty có thể sẽ chi hơn 20 tỉ USD cho nhà máy mới mà họ hy vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Mỹ công bố trợ cấp hàng tỉ USD để sản xuất chip tiên tiến
(PLO)- Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), chính quyền của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ trợ cấp hàng tỉ USD cho các công ty sản xuất chip như Intel, TSMC… trong thời gian tới.