Lừa đảo việc làm ở Đông Nam Á: Ai cũng có thể sập bẫy

Lừa đảo việc làm ở Đông Nam Á: Ai cũng có thể sập bẫy

(PLO)- Chuyên gia khuyến nghị mỗi cá nhân cần thật tỉnh táo trước những lời mời chào cơ hội việc làm béo bở để tránh rơi vào bẫy bọn tội phạm buôn người.

Tháng 6, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đưa ra mức cảnh báo màu cam cho 195 quốc gia thành viên về “cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu”. Interpol cảnh báo về tình trạng hàng chục nghìn người đã bị bọn tội phạm buôn người dụ dỗ qua con đường lừa đảo việc làm đến các trung tâm tội phạm ở Đông Nam Á.

Từ cảnh báo của Interpol, báo Pháp luật TP.HCM đã liên hệ phỏng vấn một số chuyên gia về vấn nạn tội phạm buôn người ở Đông Nam Á. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi giới thiệu ý kiến các chuyên gia về các hình thức lừa đảo việc làm ở Đông Nam Á, các cảnh báo để không bị trở thành nạn nhân.

Cảnh sát Quốc gia Philippines lập hồ sơ những nạn nhân được giải cứu khỏi nạn buôn người ở TP Mabalacat (tỉnh Pampanga, Philippines) ngày 4-5. Ảnh: AFP

Cảnh sát Quốc gia Philippines lập hồ sơ những nạn nhân được giải cứu khỏi nạn buôn người ở TP Mabalacat (tỉnh Pampanga, Philippines) ngày 4-5. Ảnh: AFP

Nạn nhân đa phần nghèo, cũng có thể bất cứ ai

.Phóng viên: Interpol gần đây cảnh báo rằng nạn buôn người đang leo thang nhanh chóng, trở thành một vấn nạn toàn cầu mới. Các nạn nhân bị bán đến Đông Nam Á không chỉ là người dân từ các nước trong khu vực mà còn từ những nơi xa xôi hơn như Nam Mỹ, Đông Phi và Tây Âu. Vậy những ai có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người, xin chuyên gia chia sẻ về điều này.

+ Chuyên gia Ryan Goehrung - Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại ĐH Washington (Mỹ) - có nhiều năm nghiên cứu về vai trò phụ nữ trong chính trị, phát triển quốc tế và nạn buôn người ở châu Á - Thái Bình Dương: Buôn người là loại hình tội phạm phức tạp và không có một loại nạn nhân cụ thể nào.

Ông Ryan Goehrung - Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại ĐH Washington (Mỹ). Ảnh: ĐẠI HỌC WASHINGTON

Ông Ryan Goehrung - Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại ĐH Washington (Mỹ). Ảnh: ĐẠI HỌC WASHINGTON

Nạn nhân có thể là bất cứ ai, từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, có thể là đàn ông, phụ nữ, trẻ em hoặc người chuyển giới và thuộc bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào.

Có thể thấy rằng nạn buôn người nhìn chung là kết quả của nghèo đói, bất bình đẳng và tuyệt vọng về kinh tế. Nạn nhân của nạn buôn người thường đến từ các cộng đồng hoặc quốc gia có ít cơ hội kinh tế hoặc nơi có mức thu nhập quá thấp.

+ Ông Jeremy Douglas - Đại diện Văn phòng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về ma túy và tội phạm (UNODC) tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương: Bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Nạn nhân của hoạt động buôn người ngày càng đa dạng, trong đó có những người có trình độ cao. Các nạn nhân bị bán để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ lạm dụng tình dục đến cưỡng ép lao động.

Đối với những nạn nhân có trình độ thấp, bọn buôn người sẽ đưa họ đến làm việc ở những nơi lao động chân tay. Với những nạn nhân có trình độ hay kỹ năng nghề nghiệp cao hơn, chúng sẽ lợi dụng những kỹ năng này để bóc lột họ. Những kẻ buôn người là bậc thầy trong việc xác định và lợi dụng những người dễ bị tổn thương.

. Trong cảnh báo màu cam tới 195 quốc gia thành viên, Interpol cho biết các nhóm tội phạm dụ dỗ nạn nhân trên mạng xã hội và các trang web tuyển dụng bằng những lời hứa về cơ hội việc làm béo bở. Theo cảnh báo, Internet đang đóng một vai trò quan trọng trong đường dây lừa đảo và buôn người của bọn tội phạm, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Chuyên gia Ryan Goehrung: Internet đã giúp những kẻ buôn người dễ dàng giao tiếp ẩn danh với các nạn nhân. Bọn buôn người có thể tạo các trang web giả và giả vờ là doanh nghiệp hoặc nhà tuyển dụng đáng tin cậy. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là bọn tội phạm quảng cáo các cơ hội việc làm giả hoặc đề nghị một công việc, mức lương hậu hĩnh. Thông thường, chỉ khi đến nơi để bắt đầu làm việc, nạn nhân mới biết mình bị lừa.

Hàng trăm người Trung Quốc bị giam giữ tại một cơ sở lừa đảo trực tuyến của bọn buôn người, ở Putrajaya (Malaysia) vào tháng 11-2019. Ảnh: AP

Hàng trăm người Trung Quốc bị giam giữ tại một cơ sở lừa đảo trực tuyến của bọn buôn người, ở Putrajaya (Malaysia) vào tháng 11-2019. Ảnh: AP

Một chiến thuật phổ biến khác của bọn buôn người là tuyển dụng các công việc hợp pháp nhưng yêu cầu nhân viên phải vay nợ hoặc trả một khoản tiền lớn cho thị thực hoặc thủ tục giấy tờ. Chúng dùng khoản nợ tích lũy thông qua quá trình này để bóc lột nạn nhân. Chẳng hạn, kẻ buôn người có thể tiếp tục cộng thêm tiền lãi vào khoản nợ, hoặc tuyên bố không trả lương cho các nạn nhân vì họ vẫn đang làm việc để trả nợ.

Tỉnh táo để không sập bẫy

. Báo cáo gần đây của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm ghi nhận số lượng nạn nhân buôn người đang ở mức cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nạn nhân “sập bẫy” bọn buôn người?

+ Ông Jeremy Douglas: Thủ đoạn của bọn buôn người vô cùng đa dạng. Chúng có thể áp dụng các phương thức truyền thống như bắt cóc, đặt nạn nhân vào những mối đe dọa khủng khiếp, buộc họ phải nghe theo chúng.

Ông Jeremy Douglas - Đại diện Văn phòng của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: UNODC

Ông Jeremy Douglas - Đại diện Văn phòng của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: UNODC

Bên cạnh đó, bọn tội phạm còn dùng nhiều phương thức hiện đại hơn như các quảng cáo việc làm lừa đảo hoặc thông đồng với các công ty môi giới việc làm để lừa nạn nhân.

Hàng nghìn người dân ở các nước Đông Nam Á đã bị lừa bằng các bài đăng tuyển dụng với mức lương hậu hĩnh, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Đau đớn hơn là những nạn nhân này sau đó bị buộc phải đi lừa đảo những người khác.

+ Chuyên gia Ryan Goehrung: Như tôi đã đề cập ở trên, nạn buôn người nhìn chung là kết quả của nghèo đói, bất bình đẳng và tuyệt vọng về kinh tế. Ở những khu vực thu nhập thấp, để có tiền hỗ trợ một gia đình, nhiều người thường buộc phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài hoặc ở các thành phố lớn. Kẻ buôn người tận dụng điều này để dụ dỗ nạn nhân, đưa ra những lời hứa về mức lương cao và công việc ổn định để khiến nạn nhân sập bẫy.

“Những kẻ buôn người là bậc thầy trong việc xác định và lợi dụng những người dễ bị tổn thương” - ông Jeremy Douglas

Mọi người nên cảnh giác với những cơ hội việc làm nghe có vẻ hão huyền, đặc biệt khi tiền lương hoặc điều kiện làm việc nghe có vẻ cao đến mức không hợp lý. Các dấu hiệu nhận biết lừa đảo khác như là nhà tuyển dụng quảng cáo thái quá, yêu cầu nạn nhân vay nợ để đảm bảo thị thực lao động, đóng phí tuyển dụng. Mọi người nên có văn bản làm rõ về các điều kiện về công việc, tiền lương và số giờ làm việc hàng ngày trước khi bắt đầu nhận việc. Với tư cách là nhân viên, mọi người có quyền yêu cầu hai bên ký hợp đồng bằng văn bản trước khi đồng ý làm việc.

Cảnh sát Đài Loan áp giải hai nghi phạm có liên quan đến các vụ buôn người ở Campuchia, vào tháng 8-2022. Ảnh: AP

Cảnh sát Đài Loan áp giải hai nghi phạm có liên quan đến các vụ buôn người ở Campuchia, vào tháng 8-2022. Ảnh: AP

Những kẻ buôn người thường cố gắng giành quyền kiểm soát các giấy tờ đi lại hợp pháp của nạn nhân. Do đó, mọi người tránh đưa hộ chiếu hoặc thị thực của mình cho chủ lao động. Hãy đăng ký với đại sứ quán hoặc văn phòng người lao động ở nước ngoài tại nước sở tại, trước khi ra nước ngoài làm việc để họ có hồ sơ về việc làm và địa điểm làm việc của bạn.

.Xin cám ơn các chuyên gia đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM.

Việt Nam tích cực phòng chống buôn người

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 22-6, trả lời câu hỏi của phóng viên về báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố về tình hình buôn người trên thế giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và buôn bán người”.

Bà Hằng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang tiếp tục triển khai chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, và đạt nhiều kết quả quan trọng như tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành, cải thiện công tác thống kê, đẩy mạnh điều tra xử lý tội phạm mua bán người và truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức về mua bán người.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo kế hoạch do thủ tướng chính phủ ban hành ngày 20-3-2020 nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Đọc thêm