Một công dân Malaysia gặp lại người thân sau khi được giải cứu khỏi một tổ chức buôn người ở Myanmar vào tháng 12-2022. Ảnh: AFP

Lừa đảo việc làm ở Đông Nam Á: Cá nhân, chính phủ cần làm gì?

(PLO)-  Mỗi cá nhân và các chính phủ cần làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn người, lừa đảo việc làm ở Đông Nam Á?

Một vấn nạn rất nghiêm trọng ở Đông Nam Á thời gian qua là nạn buôn người, lừa đảo việc làm. Bất chấp các chiến dịch truy quét, giải cứu từ các nước, loại hình tội phạm này vẫn đang là vấn nạn nguy hiểm ở khu vực.

Trong bài viết này chúng tôi chuyển tải ý kiến các chuyên gia chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM về cách mỗi người dân nên tự bảo vệ mình ra sao, cũng như các chính phủ nên làm gì để ngăn chặn loại hình tội phạm này.

Một casino do người Trung Quốc làm chủ ở tây bắc Lào, gần biên giới với Thái Lan và Myanmar. Bọn tội phạm buôn người thường hứa cho nạn nhân những công việc béo bở tại các casino. Ảnh: AFP
Một casino do người Trung Quốc làm chủ ở tây bắc Lào, gần biên giới với Thái Lan và Myanmar. Bọn tội phạm buôn người thường hứa cho nạn nhân những công việc béo bở tại các casino. Ảnh: AFP

Vô vàn thủ đoạn khống chế nạn nhân

+ Phóng viên: Những năm gần đây, các nước Đông Nam Á là một điểm hoạt động nổi bật của bọn tội phạm buôn người. Nạn nhân bị lừa đến một số nước trong khu vực để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến. Theo ông, có lý do gì bọn tội phạm buôn người lại chọn những quốc gia này làm cơ sở cho các hoạt động phạm pháp?

Ông Jeremy Douglas - Đại diện Văn phòng của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: UNODC
Ông Jeremy Douglas - Đại diện Văn phòng của Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: UNODC

+ Ông Jeremy Douglas - Đại diện Văn phòng của Liên Hợp Quốc (LHQ) về ma túy và tội phạm (UNODC) tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương; là liên lạc viên của UNODC với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mông Cổ, và với các tổ chức khu vực, bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ban thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIFS): Bọn tội phạm tìm kiếm các điều kiện cần thiết để phục vụ cho mục đích phạm tội của chúng. Tại các khu vực biên giới, bọn tội phạm có thể cấu kết với một số quan chức và lợi dụng kẽ hở pháp luật, hạn chế trong hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật để phạm tội.

Tại các khu vực biên giới có nhiều sòng bạc, các dự án đầu tư đáng ngờ và các hoạt động kinh doanh lừa đảo khác. Những kẻ buôn người chọn những nơi đây để cung cấp nguồn lao động.

+ Chuyên gia Ryan Goehrung - Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại ĐH Washington (Mỹ) - có nhiều năm nghiên cứu về vai trò phụ nữ trong chính trị, phát triển quốc tế và nạn buôn người ở châu Á - Thái Bình Dương: Hầu hết nạn nhân buôn người thường bị lừa từ quốc gia kém phát triển sang quốc gia phát triển hơn. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng vì có khi bọn tội phạm không buôn nạn nhân qua biên giới mà dụ dỗ nạn nhân từ nơi này đến nơi khác trong cùng một quốc gia.

Một người Malaysia bên di ảnh của con trai đã qua đời vì tin theo lời bọn buôn người. Ảnh: AP
Một người Malaysia bên di ảnh của con trai đã qua đời vì tin theo lời bọn buôn người. Ảnh: AP

. Theo thông tin từ truyền thông, để có thể thoát ra khỏi hang ổ của bọn tội phạm, các gia đình nạn nhân phải trả hàng nghìn USD “tiền chuộc”. Nếu không làm vậy, các nạn nhân phải mạo hiểm chạy trốn khỏi các khu nhà dày đặc bảo vệ và dây thép gai. Một thực tế là rất nhiều nạn nhận vẫn chấp nhận bị bóc lột, hành hạ thay vì tìm cách bỏ trốn. Theo ông, đâu là lý do?

+ Ông Jeremy Douglas: Bọn buôn người có vô vàn thủ đoạn để khống chế, ép buộc và kiểm soát nạn nhân. Chúng có thể tịch thu giấy tờ tùy thân, hộ chiếu (đối với trường hợp bị bán qua nước ngoài), giam cầm, lạm dụng tinh thần, thể chất, thậm chí lạm dụng tình dục để nạn nhân hoảng sợ và phục tùng. UNODC gần đây ghi nhận nhiều vụ việc nạn nhân bị cưỡng chế theo cách “khủng khiếp và gây sốc”.

Có nhiều nạn nhân cố gắng bỏ trốn, nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và rủi ro. Trường hợp bỏ trốn không thành, nạn nhân có thể phải đối mặt với sự tra tấn dã man hơn từ bọn buôn người. Đây là một lý do chính tại sao nhiều người không dám bỏ trốn.

Khi đưa ra cảnh báo màu cam đầu tháng 6, Interpol kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị tư nhân có liên quan thường xuyên trao đổi thông tin để hỗ trợ giải cứu các nạn nhân buôn người và phá bỏ các hoạt động rửa tiền tạo điều kiện cho nạn buôn người.

+ Chuyên gia Ryan Goehrung: Mặc dù vẫn có các vụ việc buôn người cực đoan, sử dụng bạo lực, tra tấn thể xác nạn nhân nhưng thông thường công cụ chính để bọn buôn người kiểm soát nạn nhân là lừa đảo, ép buộc và thao túng tâm lý.

Trong nhiều trường hợp, những kẻ buôn người tịch thu giấy tờ hợp pháp của nạn nhân (ví dụ: hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân) và đe dọa nạn nhân rằng họ sẽ bị cảnh sát bắt nếu trốn ra ngoài. Nếu nạn nhân bị bán sang nước ngoài, không nói được tiếng địa phương, không có hộ chiếu, tiền bạc và lo sợ bị chính quyền địa phương bắt giữ, họ gần như không thể trốn thoát ngay cả khi có thể được đi lại tự do.

Cá nhân, chính phủ cần làm gì?

. Trong quý I-2023, Bộ Nội vụ Campuchia đã giải cứu 375 người nước ngoài khỏi hang ổ bọn tội phạm buôn người và giúp họ trở về nước.

Nạn buôn người có thể được xem là một dạng tội phạm xuyên quốc gia. Các nạn nhân là công dân nhiều nước khác nhau. Trước thực trạng đáng quan ngại như vậy, mỗi cá nhân và các chính phủ có thể làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi loại hình tội phạm này, thưa ông?

Ông Ryan Goehrung - Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại ĐH Washington (Mỹ). Ảnh: ĐẠI HỌC WASHINGTON
Ông Ryan Goehrung - Thạc sĩ ngành phát triển quốc tế, nghiên cứu sinh Khoa học Chính trị tại ĐH Washington (Mỹ). Ảnh: ĐẠI HỌC WASHINGTON

+ Chuyên gia Ryan Goehrung: Nạn buôn người là kết quả của nghèo đói, bất bình đẳng và thiếu cơ hội phát triển kinh tế. Đầu tư vào các cộng đồng nông thôn là cách tốt nhất để đẩy lùi thực trạng nghèo đói và bất bình đẳng này. Giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Giáo dục cũng giúp người dân nhận thức được những rủi ro và nguy hiểm của nạn buôn người, cũng như quyền của họ với tư cách là người lao động.

Chính phủ cũng có thể cải thiện các nỗ lực giám sát đối với người lao động ở nước ngoài. Bộ đội biên phòng, quan chức hải quan, nhà cung cấp dịch vụ y tế, cảnh sát, các nhân viên vận chuyển hành khách xuyên biên giới như tiếp viên hàng không đều có khả năng tiếp xúc với nạn nhân buôn người. Vì vậy, họ phải được đào tạo để nhận biết các dấu hiệu của nạn nhân thuộc loại tội phạm này để có có thể can thiệp kịp thời.

Các nạn nhân người Đài Loan bị bán sang Campuchia trở về Đài Loan ngày 14-8-2022. Ảnh: CNA

Các nạn nhân người Đài Loan bị bán sang Campuchia trở về Đài Loan ngày 14-8-2022. Ảnh: CNA

+ Ông Jeremy Douglas: Các chính phủ cần thường xuyên cảnh báo người dân về những rủi ro khi nhận việc thông qua các trang tin quảng cáo và các bên môi giới không uy tín.

Các chính phủ cần đẩy nhanh việc xử lý các vụ án buôn người để cảnh báo bọn tội phạm. Để giải quyết nạn buôn người, về cơ bản, các chính phủ cần kiểm soát chặt khu vực biên giới, phá vỡ môi trường và những điều kiện thuận lợi mà bọn buôn người dựa vào để phạm tội. Trên hết, các chính phủ cần đảm bảo tính pháp quyền.

. Xin cám ơn các chuyên gia đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM.

ASEAN nỗ lực hợp tác trấn áp nạn buôn người

Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra tại Indonesia ngày 10-5, lãnh đạo các nước thành viên cam kết giải quyết nạn lừa đảo trực tuyến do những kẻ buôn người điều hành, theo tờ The Jakarta Post.

Trong tuyên bố về nguy cơ lừa đảo qua mạng của những kẻ buôn người, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ sự quan ngại về việc những kẻ buôn người lợi dụng sự phát triển của công nghệ, đặc biệt mạng xã hội để thực hiện các hoạt động lừa đảo. Theo tuyên bố, việc các tổ chức tội phạm sử dụng mạng xã hội và các nền tảng khác để lừa đảo đã “làm phức tạp thêm các nỗ lực chống buôn người, làm tăng số lượng và quy mô của các vụ việc”.

Tuyên bố cho hay ASEAN sẽ tiến hành các biện pháp nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc điều tra, thu thập dữ liệu, trao đổi thông tin và tiến hành các cuộc diễn tập chung nhằm chống lại nạn buôn người.

Đọc thêm