Dẫu khép lại cuộc đời ở tuổi 32 - độ tuổi vẫn còn rực rỡ và đầy hoài bão, nhưng các tạng hiến của chàng trai Hà Nội đã được hồi sinh trong 6 cuộc đời mới, giúp họ neo giữ sự sống vốn như đèn treo trước gió bởi các bệnh suy gan, suy thận, suy tim hành hạ.
Đây là món quà vô giá từ một gia đình vừa mất đi người chồng, người cha, trao lại cơ hội đoàn tụ cho 6 gia đình khác.
Phía sau những kỳ tích về ghép tạng là cả một hành trình dài và thầm lặng không chỉ của nhân viên y tế mà của rất nhiều người.
Khuya 22-8-2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận ca bệnh đặc biệt được chuyển tới từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng nguy kịch sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bất chấp mọi nỗ lực của các y, bác sĩ, tình hình của bệnh nhân vẫn xấu đi.
3 giờ 15 phút sáng 23-8, đội ngũ y, bác sĩ tiến hành đánh giá lâm sàng, nghi ngờ bệnh nhân chết não. Sau 3 lần kiểm tra kỹ lưỡng, chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, kết quả cuối cùng đã khẳng định điều này.
Gói ghém thật chặt những mất mát, đau thương, vượt lên định kiến và cả những quan niệm truyền thống, tại thời khắc chia ly ngắn ngủi, gia đình của chàng trai Hà Nội 32 tuổi đã đưa ra một quyết định dũng cảm: hiến tạng người thân để mang lại sự sống cho những người khác, giúp họ thoát cảnh gắn đời mình với bệnh viện, kim truyền.
Trong khoảnh khắc cuối cùng, giữa những tiếng monitor khắc khoải vang lên tại phòng bệnh, các y, bác sĩ nén chặt nghẹn ngào, cúi đầu mặc niệm, sau đó nhẹ nhàng đón nhận những món quà quý giá từ cơ thể của nam thanh niên.
Khi mọi thủ tục xong xuôi cũng là lúc bắt đầu cuộc đua với thời gian để giành sự sống mới cho 6 người khác. Những người may mắn nhận được tạng hiến từ chàng trai Hà Nội sống ở những nơi khác nhau, điều trị tại các bệnh viện khác nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên cơ sở y tế này thực hiện lấy - ghép tạng từ người cho chết não.
2 quả thận được hiến tặng cho 1 người đàn ông suy thận cách đây đã hơn một thập kỷ và 1 người phụ nữ (42 tuổi) phải lọc máu chu kỳ 3 lần mỗi tuần ngay tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Lá gan của người hiến được ghép cho 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), nơi có nhiều bệnh nhân tổn thương gan nặng, suy gan, đang chờ được ghép gan nhất cả nước. Giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trong khi đó, trái tim của chàng trai Hà Nội lại phù hợp nhất với 1 bệnh nhân tên LAH (sinh năm 1987, quê Gia Lai) mắc bệnh cơ tim giãn, chức năng tim rất kém. Đây là một trong hàng nghìn người nằm trong danh sách chờ ghép tim của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Trong vòng 24 giờ, hàng trăm y, bác sĩ vào cuộc, hàng chục chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) và Công an phối hợp, túc trực để dẫn đường, hộ tống cho hành trình xuyên Việt đặc biệt của trái tim.
Cùng với đó là hàng nghìn người trên cả nước ngóng trông, cầu nguyện cho câu chuyện cổ tích giữa đời thường này sẽ mang lại phép màu...
20 giờ ngày 24-8, dưới cơn mưa tầm tã của bầu trời Thủ đô, trái tim hiến của chàng trai rời phòng mổ số 2 của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tiến thẳng đến Sân bay Nội Bài.
Đúng 21 giờ ngày 24-8, máy bay cất cánh, đưa trái tim rời Hà Nội để đến phương Nam.
Cùng thời điểm đó, ở cách trái tim ấy gần 2.000 km, anh H đã từ Gia Lai có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sau khi hoàn tất các thủ tục, xét nghiệm, sẵn sàng cho cuộc đại phẫu.
Trái tim đến Sân bay Tân Sơn Nhất sau hơn 2 giờ bay. Trong suốt hành trình xuyên Việt ấy, các bác sĩ liên tục truyền dung dịch để bảo vệ tim.
Với sự hỗ trợ từ lực lượng CSGT, Công an TP.HCM, chiếc xe chở trái tim chỉ mất vỏn vẹn 8 phút 39 giây để vượt 8,2 km, 3 vòng xuyến, 14 ngã tư từ sân bay về Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mang theo đó là biết bao kỳ vọng, mong chờ.
Ca ghép tim được PGS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và êkíp thực hiện ngay trong đêm, liên tục, dồn dập, căng thẳng và cực kỳ tập trung. Từng phút, từng giây.... đều được tính toán rất cẩn trọng.
Đây là ca ghép tim đầu tiên của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Sau những cung bậc cảm xúc đã trải qua trong suốt quá trình xử lý ca bệnh này, ông Định nhớ lại:
“Khi nhận được thông tin, toàn bộ hệ thống của bệnh viện đã được kích hoạt ngay lập tức. Có 2 điều khiến chúng tôi rất thận trọng. Thứ nhất, người bệnh có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn.
Tiếp đó, người bệnh có nhóm máu hiếm thể Rh-, rất hiếm gặp, chỉ có ở dưới 1% dân số. Điều này đặt ra thách thức lớn trong xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện và sự tư vấn của hội đồng chuyên môn ghép tim, ca ghép tim đã thành công trong sự vui mừng của nhiều người".
Sau 5 giờ đồng hồ cân não, căng thẳng, trái tim của chàng trai Hà Nội bắt đầu đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực của người được nhận tim.
Theo PGS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dù đã ở ngoài lồng ngực 7 giờ nhưng trái tim vẫn an toàn.
“Hàng trăm trái tim đã cùng nhịp đập hối hả, vội vã để một trái tim lại tiếp tục được đập cho một hành trình sống mới. Đó cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta đều mong muốn sẽ được làm hết sức mình” - ông Bắc xúc động.
Một ca hiến - ghép tạng cần diễn ra rất nhanh. Đặc biệt, trong hoàn cảnh người cho và người nhận tạng ở hai đầu đất nước, cách nhau hàng nghìn cây số thì không chỉ đòi hỏi sự ăn khớp giữa các êkíp y, bác sĩ, mà cần phải có sự phối hợp của các lực lượng Công an, CSGT, hải quan, nhân viên hàng không…
Hành trình hồi phục của anh H còn ở phía trước và chắc hẳn vẫn có những gian nan, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra và ai cũng mong nó tiếp tục nhiệm màu. Trái tim tưởng chừng sẽ hóa cát bụi ấy đã đập trở lại, hồi sinh trong lồng ngực một người vốn cho rằng mình đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Ngày 31-8, năm ngày sau cuộc đại phẫu thuật, sau nhiều nỗ lực của các nhân viên y tế, gia đình và chính bản thân anh mình, anh H đã có thể đứng thẳng, tự ăn cháo, trò chuyện vui vẻ với một tinh thần lạc quan.
Theo Ths.BS Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng Đơn vị Gây mê hồi sức phẫu thuật tim mạch, khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân H đã hồi phục nhanh hơn mong đợi.
“Sau ngày đầu cần sự chăm sóc đặc biệt từ các y, bác sĩ, đến ngày hậu phẫu thứ 2, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và tự đứng lên. Bệnh nhân rất cố gắng và lạc quan, ăn uống ngon miệng và muốn ăn nhiều thứ. Bệnh nhân cho biết so với trước khi được ghép tim, cơ thể hiện đã khỏe hơn rất nhiều, cảm thấy mình có thể chạy bộ được và sẵn sàng trở về nhà” - bác sĩ Thủy thông tin.
Còn tại Hà Nội, sức khỏe của bệnh nhân được ghép gan tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và 2 bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiến triển tốt, các chỉ số theo dõi cơ bản ổn định.
Trái tim, đôi mắt, lá gan, quả thận rời cơ thể người thanh niên ấy, được đưa đi dọc đất nước để kịp thời hiện diện trong những cuộc đời khác.
Những câu chuyện về hồi sinh, về phép màu tưởng như chỉ có trong cổ tích nay đã thành hiện thực, được viết bởi chính những con người dung dị, bình thường nhất. Cũng từ nay, những người được ghép tạng không chỉ sống một cuộc đời mới của mình, mà còn sống cả cho phần đời của ân nhân.
Những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực ghép tạng. Cả nước hiện có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca.
Tuy nhiên, hơn 94% tạng ghép từ nguồn hiến sống, rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỉ lệ này chỉ từ 10-15%.
Theo các chuyên gia, tỉ lệ tạng hiến từ nguồn người hiến đã chết hoặc chết não tại Việt Nam còn thấp do nhiều lý do. Trong đó, việc huy động chính sách từ người chết não cho người cần còn rất hạn chế, trong khi đây là chính sách rất cần được ưu tiên. Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia y tế trong lĩnh vực này chưa nhiều, điều kiện trang thiết bị vật chất chưa đầy đủ; công tác thông tin truyền thông chưa sâu rộng...
Cần tạo ra phong trào để người sống đăng ký hiến tạng. Chúng ta cần phát huy truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng.
Tôi kêu gọi những người Việt Nam trưởng thành đăng ký hiến tạng, gieo mầm sự sống. Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì “cho đi là còn mãi”.
-Thủ tướng Phạm Minh Chính-
Theo PGS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sự cần thiết xây dựng tổ tư vấn hiến mô tạng trong các bệnh viện và có chính sách về chi phí tư vấn, điều phối là đặc biệt quan trọng, giúp tăng tỉ lệ người chết não hiến tạng.
Nhiệm vụ của tổ tư vấn viên tại các bệnh viện là phát hiện người chết não tiềm năng hiến, nghiên cứu hồ sơ bệnh án, trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng, tiếp cận gia đình người chết não và thuyết phục gia đình người chết não hiến mô, tạng.
“Số lượng công việc của các tư vấn viên rất nhiều, do vậy những bệnh viện lớn cần tổ chức chuyên nghiệp với các tư vấn viên toàn thời gian. Trung bình, tổ tư vấn tiếp cận và giải thích với 100 gia đình thì chỉ có 2 gia đình người chết não đồng ý hiến tạng của người thân. Chưa kể, nhiều bệnh viện có tư vấn viên, nhưng không hoạt động. Trong khi đó, số lượng chết não tiềm năng tại các bệnh viện rất lớn nhưng không được tiếp cận” - ông Hệ nói thêm.
Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đang xây dựng chiến lược tăng số người đăng ký hiến tạng, tăng số người chết hiến tại các bệnh viện và hoàn thiện dự thảo Luật việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó đề xuất, bổ sung các nội dung liên quan đến chi phí cách thức hoạt động của tổ tư vấn hiến mô tạng, công tác truyền thông, vận động hiến mô tạng.
Hiện, trong từng bệnh viện, các hoạt động vận động, tư vấn hiến mô tạng, lấy mô tạng, vận chuyển… đều chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể.
Ngày 19-5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động “Đăng ký hiến mô, tạng cứu người - cho đi là còn mãi”. Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã đăng ký hiến mô, tạng.