Cần có chính sách cho người vận động hiến mô, tạng

(PLO)- Các hoạt động về vận động hiến mô tạng là rất quan trọng để phát triển chuyên ngành ghép tạng, nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ những hoạt động này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại hội thảo "Xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động hiến, lấy, điều phối, ghép mô tạng", tổ chức chiều ngày 12-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết lĩnh vực ghép tạng đạt được nhiều thành tựu trong thời gian gần đây, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm, nhưng lượng mô tạng hiến chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

vận động hiến mô tạng 0.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: TT

Người vận động hiến mô tạng chưa được nhận cơ chế phù hợp

Theo báo cáo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, có đến 95% người hiến mô tạng ở Việt Nam là người sống. Trong khi đó, ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hàn Quốc… có đến hơn 50% nguồn hiến đến từ người chết não.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tâm lý của nhiều người Việt Nam cho rằng người chết cần phải toàn thây, sự hiểu biết về ghép tạng trong cộng đồng chưa cao.

Cùng với đó, việc tuyên truyền của các đơn vị đầu mối, trong đó có vai trò của các bệnh viện và hội vận động hiến ghép chưa được thực hiện đủ để đáp ứng tuyên truyền thông tin rộng khắp đến người dân, thông tin còn thiếu sự lan tỏa.

“Gần đây mới có sự chuyển biến rõ ràng, có sự vận động của cả hệ thống chính trị. Hai tuần sau sự kiện Thủ tướng Chính phủ phát động đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức, Thủ tướng và gia đình cũng đăng ký hiến tạng, đã có gần 10.000 người đăng ký hiến. Nói như vậy để thấy được rằng vai trò của người vận động là cực kỳ quan trọng”, ông Thuấn nói.

Bên cạnh đó, công tác vận động chưa được xây dựng và hoàn thiện, hoạt động điều phối của các bệnh viện và cơ quan liên quan chưa sâu sắc. Hiện, chỉ có 23 bệnh viện trung ương có tổ tư vấn hiến mô tạng, nhưng số lượng các tổ tư vấn hoạt động không nhiều, và cũng chưa có cơ chế hỗ trợ đối với tổ tư vấn này.

Các ca vận động hiến từ trước đến nay được thực hiện do tấm lòng, tinh thần của người vận động. Cơ chế hỗ trợ tổ tư vấn được lấy từ các nguồn khác của bệnh viện.

“Mặc dù đã muộn, nhưng việc xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn hiến mô tạng là rất cần thiết”, ông Thuấn nhấn mạnh.

vận động hiến mô tạng 1.jpg
Toàn cảnh hội thảo Xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động hiến, lấy, điều phối, ghép mô tạng. Ảnh: TT

Nhiều bệnh viện có tư vấn viên, nhưng không hoạt động

Tại hội thảo, PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng tổ tư vấn hiến mô tạng trong các bệnh viện và có chính sách về chi phí tư vấn, điều phối.

Từ tháng 11-2022 đến 6-2024, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã tổ chức các lớp đào tạo tư vấn viên tại 68 bệnh viện trên khắp cả nước. Kết quả, hiện cả nước có 292 tư vấn viên, trong đó có 75 bác sĩ, 217 điều dưỡng, kỹ thuật viên và cán bộ công tác xã hội.

Nhiệm vụ của tổ tư vấn viên tại các bệnh viện là phát hiện người chết não tiềm năng hiến, nghiên cứu hồ sơ bệnh án, trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng, tiếp cận gia đình người chết não và thuyết phục gia đình người chết não hiến mô tạng.

“Số lượng công việc của các tư vấn viên rất nhiều. Những bệnh viện lớn cần tổ chức chuyên nghiệp với các tư vấn viên toàn thời gian. Trung bình, tổ tư vấn tiếp cận và giải thích với 100 gia đình thì có 2 gia đình người chết não đồng ý hiến”, ông Hệ nói.

Tuy nhiên, theo ông Hệ, hiện chỉ có 23/68 bệnh viện trên thành lập tổ tư vấn, những bệnh viện khác chưa có quyết định thành lập.

Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều bệnh viện có tư vấn viên, nhưng không hoạt động. Trong khi đó, số lượng chết não tiềm năng tại các bệnh viện rất lớn nhưng không được tiếp cận.

vận động hiến mô tạng 2.jpg
PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Ảnh: TT

Tại hội thảo, TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng đưa ra chi phí cho hồi sức chết não và chi phí ghép tim, từ đó đề xuất cần có chính sách động viên cụ thể để phát triển được kỹ thuật ghép tạng.

“Tại Bệnh viện Việt Đức, nếu coi ghép tạng như một kỹ thuật để cứu người thì gần như phải bù lỗ cho kỹ thuật này. Còn quá nhiều khó khăn, bất cập vẫn tồn tại. Đơn cử, một đêm triển khai ca lấy ghép tạng cần huy động khoảng 100 người, cần có cái bánh mì, gói xôi để bồi bổ cho họ vì cả đêm vất vả, nhưng chi phí này rất khó để quyết toán”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, theo ông Hùng, cũng cần có cơ chế rõ ràng về tài chính để tri ân những gia đình người chết não hiến tạng, cũng như hương hoa cho người hiến.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Việt Nam cần hoàn thiện được quy trình từ hiến đến ghép, mới đề xuất được chi phí. Cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận và có văn bản hướng dẫn các đơn vị cụ thể.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu ban tổ chức hội thảo cần báo cáo Bộ Y tế cụ thể về công tác vận động hiến mô tạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cụ thể như cơ chế tài chính, đầu mối về chính sách, con người, chế độ.

Từ đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức thêm các buổi họp với các vụ, cục, bộ ngành liên quan để sớm có kết luận, tăng cường hoàn thiện cơ chế chính sách và phân công các đơn vị triển khai thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm