“Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y tế thế giới trong thế kỷ XX. Chúng ta tự hào vì đi sau thế giới trong ngành này 50 năm, sau khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay đã ngang bằng với nhiều quốc gia phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Lễ phát động “Đăng ký hiến mô, tạng cứu người - cho đi là còn mãi”, tổ chức sáng 19-5.
“Vì đất nước cần những trái tim”
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực ghép tạng. Hiện, toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, với hơn 1000 ca ghép tạng mỗi năm.
Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1000 ca.
“Với quan điểm ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác y tế, đặc biệt là hiến, ghép tạng. Do vậy, trong suốt bao nhiêu năm qua, liên tục có những chính sách, quy định, Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hơn 94% tạng ghép từ nguồn hiến sống, thể hiện rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỉ lệ này chỉ từ 10-15%.
Tỉ lệ tạng hiến từ nguồn người hiến đã chết hoặc chết não tại Việt Nam còn thấp do nhiều lý do. Theo Thủ tướng, việc huy động chính sách từ người chết não cho người cần còn rất hạn chế, trong khi đây là chính sách rất cần được ưu tiên.
Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia y tế trong lĩnh vực này cũng chưa nhiều, điều kiện trang thiết bị vật chất chưa đầy đủ. Công tác thông tin truyền thông chưa sâu rộng, đầy đủ… dù đã rất cố gắng nhưng chưa thể tạo thành xu thế, phong trào.
“Chúng ta cần tăng nguồn hiến tạng sau chết, chết não. Các đơn vị, bộ ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc truyền thông, lan tỏa ý nghĩa cao đẹp của việc hiến mô, tạng, tiếp tục kết nối trái tim với trái tim, tình yêu với tình yêu, vì đất nước cần những trái tim”, ông Chính nói.
Cần tạo ra phong trào để người sống đăng ký hiến tạng. Chúng ta cần phát huy truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng.
Tôi kêu gọi những người Việt Nam trưởng thành đăng ký hiến tạng, gieo mầm sự sống. Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì "cho đi là còn mãi".
-Thủ tướng Phạm Minh Chính-
Nguồn tạng hiến từ người chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong những năm qua, ngành Y tế đã có những nỗ lực để tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết não.
Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó có một số bệnh viện tỉnh.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện, tỉ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022.
Còn trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.
Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam, đặc biệt từ người hiến đã chết hoặc chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng của bệnh nhân.
Tỉ lệ đăng ký hiến tạng của người người dân và tỉ lệ hiến tạng sau khi qua đời của Việt Nam là thấp nhất thế giới”, bà Lan nhấn mạnh.
Nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Hàng nghìn người bệnh đang phải giành giật sự sống từng ngày với bệnh hiểm nghèo, chờ đến khi được ghép tạng.
-Bộ trưởng Đào Hồng Lan-
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng.
Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến, mô tạng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những tấm gương tiêu biểu.
Các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế về hiến tạng, ghép tạng. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung Luật Hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, khi có nhiều người hiến tạng sau khi qua đời, tăng thêm nguồn tạng cứu người, là góp phần hạn chế tình trạng buôn bán tạng trái phép, làm khổ đau về thể xác và tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh phải bán nội tạng quý giá của mình vì mưu sinh của cuộc sống.
“Đây là lần đầu tiên trong cả nước có một lễ phát động hiến mô tạng với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ban bộ ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo, các nghệ sĩ... Chúng ta tin tưởng rằng công cuộc hiến ghép tạng ở Việt Nam sẽ bước sang một trang mới”, bà Tiến nói.
Đồng thời, bà Tiến đề nghị Bộ Y tế xây dựng và trình Chính phủ đề án “Tăng cường năng lực tư vấn, điều phối hiến, lấy, ghép mô tạng của Việt Nam” để có những bước đột phá, phát triển kỹ thuật ghép tạng.
“Ngày 13-8 được lấy làm ngày Hiến tạng thế giới. Xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày 20-5 là ngày Hiến tạng Việt Nam, đề nghị ban chỉ đạo Quốc gia về hiến máu nhân đạo bổ sung thêm nhiệm vụ chỉ đạo hiến tạng để thành ban chỉ đạo Quốc gia về hiến máu, hiến tạng”, bà Tiến nói.