Sáng 6-10, căn nhà nhỏ tại thôn 3, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng đông người lui tới. Câu chuyện xoay quanh anh Đào Hữu T. - “người chết để tiếng” hiến tạng trước khi chết để cứu sáu người. Ngày 6-10, vừa tròn 49 ngày kể từ khi anh T. ra đi ở độ tuổi 39.
“Bán tạng con được bao nhiêu tiền?”
Lễ cúng 49 ngày của anh đặc biệt khi có đại diện của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) và chính quyền địa phương cùng trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế cho gia đình. Kỷ niệm chương mang tên anh được gia đình đặt lên bàn thờ trang trọng.
Nhìn tấm kỷ niệm chương đặt cạnh di ảnh con, bà Nguyễn Thị Biên (75 tuổi) không khỏi xúc động, nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo. Bà khẽ thầm nói với con: “Mẹ và các anh chị con đã làm theo đúng di nguyện của con trước lúc mất. Gia đình rất vui lòng vì con đã làm được việc tốt, những người được con hiến tạng đều khỏe cả. Mọi người xung quanh cũng đã hiểu hết việc con làm rồi”.
Bà Biên nhớ lại bốn năm trước, anh T. về nhà khoe với mẹ thẻ đăng ký hiến tạng. “Mặc dù chưa hiểu hiến tạng là gì và con đăng ký hiến ở đâu nhưng thấy con vui thì tôi ủng hộ. Nó nói “con chết rồi, chôn xuống đất cũng thúi (thối rữa - PV) chứ không giúp ích gì được cho đời. Mẹ cũng đăng ký hiến tạng luôn đi”. Tôi la nó mẹ già rồi còn ai mà chịu nhận tạng nữa” - bà Biên kể.
Trước khi mất, anh T. chào từ biệt người nhà lên TP làm công nhân cho một công trình và hẹn vào dịp rằm sẽ về. Sau đó, khi đang đi xe máy giữa đường thì anh đột ngột bị té xe, bất tỉnh. Tại BV Chợ Rẫy, anh T. được chẩn đoán đột quỵ não, không thể hồi phục, không phải do tai nạn giao thông. Nhớ di nguyện muốn hiến tạng trước lúc mất của anh T., người nhà đã liên hệ bệnh viện để làm thủ tục hiến tạng.
Bà Nguyễn Thị Biên tự hào vì con trai làm được việc ý nghĩa trước khi qua đời. Ảnh: HL
“Không ngờ ngày nó hứa sẽ về nhà cũng là ngày đưa nó về để làm lễ tang. Gia đình tôi cũng cho bà con, mọi người xung quanh biết con hiến tạng nhưng nhiều người không tin. Họ nói hiến tạng mà sao không thấy tivi đưa gì cả. Dư luận nói gì ngoài đường, tôi không quan tâm nhưng có bữa đang tổ chức đám, khách đang đông, một chị thiệt tình chạy vào hỏi tôi bán tạng con được bao nhiêu tiền, bệnh viện cho được bao nhiêu, nghe nói họ cho tôi 100 triệu hả. Tôi nghe cũng thấy lòng hơi bức xúc nhưng vẫn giải thích là em nó hiến tạng, không có tiền bạc, bán tạng gì hết” - bà Biên kể lại việc bị mọi người xung quanh hiểu lầm bán tạng con.
Là người viết đơn đăng ký hiến tạng cho em trai, anh Đào Hữu Tận (49 tuổi) chia sẻ thời gian đầu khi gia đình bị dị nghị là bán tạng em trai, anh cũng cảm thấy rất khó chịu. “Trong vòng 10 ngày đầu, chúng tôi cảm thấy sốc, bức xúc và khó chịu lắm, em trai tôi có tấm lòng hướng thiện, giúp ích cho xã hội, tại sao mọi người lại không hiểu. Tuy nhiên, giờ đây sau khi thấy được ý nghĩa việc của em làm, em hy sinh cứu được 5-6 người là việc tốt, không phải ai cũng làm được. Mọi người đã dần hiểu ra thì gia đình không nghĩ ngợi và sợ bị dị nghị nữa” - anh Tận kể.
Góp phần minh bạch nghĩa cử cao đẹp Sau khi hiến tạng xong, người hiến tạng được nhận kỷ niệm chương của Bộ Y tế là theo quy định của luật. Có những trường hợp sau khi hiến tạng, người nhà bị người xung quanh hiểu lầm, kỷ niệm chương góp phần minh bạch nghĩa cử cao đẹp này. |
Hiến thật chứ không nói chơi
Thắp nén nhang tiễn anh T. về nơi cực lạc, bà Nguyễn Cao Thị Dung (60 tuổi, hàng xóm) chực khóc. Bình thường anh T. là người ai nhờ việc gì cũng giúp, thường xuyên đi làm công quả ở chùa. Bốn năm trước, bà đã nghe anh T. chia sẻ sẽ hiến tạng chứ không đợi đến lúc ra đi. “Lúc mới nghe nó nói, tôi bất ngờ lắm và hỏi nó thật không, không biết mổ xẻ hiến sao, nó nói tỉnh queo mình chết rồi còn biết gì nữa. Đến khi nó chết đi thì tôi biết việc nó nói và làm là thật, không phải nói chơi. Nó còn quá trẻ nhưng đã suy nghĩ được như vậy khiến tôi rất cảm phục” - bà Dung chia sẻ.
Sau khi thấy việc làm của anh T., bà Dung cho biết đã tìm hiểu thủ tục đăng ký hiến tạng và làm tư tưởng cho các con. “Trước đây nghe tới hiến tạng nhưng tôi nào biết hiến ra sao, nghĩ cũng thấy ghê vì không biết có được về nhà không hay mất luôn xác, giờ thì tôi đã hiểu rồi. Mà đã xác định là hiến thì làm gì có chuyện bán lấy tiền. Nếu hiến tạng mà được mấy trăm triệu thì chắc cả xã hội sẽ hiến hết để lấy tiền về để lại cho con cháu.” - bà Dung bày tỏ.
“Không lên BV Chợ Rẫy vẫn làm thẻ hiến tạng có được không?” - ông Trần Anh Đức, giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu, thầy cũ của anh T., hỏi rồi chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên chúng tôi thấy rất phấn khởi khi có được một học trò có nghĩa cử hiến tạng cứu người. Tôi cũng mong thế hệ trẻ sẽ noi gương hành động này”.
Chia sẻ sự sống cho sáu người Đại diện Bộ Y tế trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (BV Chợ Rẫy), cám ơn gia đình đã hoàn thành di nguyện chia sẻ cơ thể của người đã mất.
BS Thu thông tin hai thận, hai giác mạc của anh T. đã được ghép cho bốn bệnh nhân ở phía Nam, còn một quả tim và một lá gan đã được chuyển ra phía Bắc ghép cho hai bệnh nhân do trong danh sách bệnh nhân chờ ở phía Nam không có người tương thích. Các bệnh nhân sau khi nhận được tạng hiến đều hồi phục tốt và ổn định. |