Nỗi lòng sau khi hiến tạng người thân

Những ngày cuối năm 2018, theo chân đoàn công tác của Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy (TP.HCM), chúng tôi đến thăm những gia đình có người thân từng hiến bộ phận cơ thể giúp hồi sinh những cuộc đời khác.

Chịu tiếng oan bán tạng người thân

Đang dọn cỏ ven đường, bà Nguyễn Hồng Son (62 tuổi, huyện Củ Chi, TP.HCM) vội ngưng tay niềm nở tiếp chúng tôi. Bà là người mẹ đã hiến hai quả thận của con trai tên Trần Quốc Tiến. Trước đó, vì hiểu lầm với một thanh niên trong xóm, anh Tiến đã bị người này đập khúc gỗ vào đầu. Sau hơn nửa tháng điều trị ở BV địa phương, anh tiếp tục được chuyển đến BV Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi, mãi mãi ra đi ở tuổi 37.

Bên tách trà, nước mắt bà Son cứ chực chờ rơi khi nhớ lại thời điểm quyết định hiến tạng con cách đây sáu năm. “Ban đầu tôi không đồng ý. Nhưng sau khi em của Tiến gặp bác sĩ để tìm hiểu việc hiến tạng trở ra nói đó là việc thiện, anh con chết đi mà giúp được người khác thì vong linh ảnh cũng nhẹ nhàng. Giờ đem ảnh đi chôn rồi tất cả cũng thành đất mà thôi. Nghe vậy, tôi đồng ý” - bà Son kể lại.

Thế nhưng việc thiện của mẹ con bà lại gây chấn động vùng quê nghèo Vũng Liêm, Vĩnh Long (nơi bà Son ở trước khi chuyển đến Củ Chi). Người ta xì xào bàn tán bà bán tạng con lấy tiền, chuyện chạy chữa ở BV Chợ Rẫy chỉ là màn kịch. “Họ nghi tôi bán thận con vì tôi khó khăn như vậy, dễ gì chịu hiến. Họ thắc mắc con tôi bị đánh sao phải cả tháng sau mới mất. Thậm chí khi BV đem vòng hoa tới viếng cùng 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình, họ cũng xầm xì là bán được thận nên BV mang hoa đến cám ơn” - bà Son nghẹn ngào.

Lục xấp giấy tờ bọc bìa nylon cẩn thận, chỉ vào bức ảnh trong đó bà đang cầm bằng khen đứng cạnh Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà Son cho hay bức ảnh được chụp tại buổi lễ vinh danh người hiến tạng năm 2015. Đến lúc này bà mới có dịp giải tỏa oan ức bấy lâu nay. “Mới đầu tôi rất muốn biết người nhận thận của con là ai nhưng sau khi được giải thích người cho và nhận tốt nhất không nên biết nhau tôi hiểu ra liền. Lỡ khi biết nhau mình đòi hỏi họ cái gì thì sao. Hoặc những người nhận tạng thấy mình khổ quá họ phải cố gắng giúp vì tâm lý của cho là của nợ” - bà Son thật thà.

Các bác sĩ BV Chợ Rẫy trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế cho gia đình lão nông Phùng Văn Hinh. Bà Nguyễn Hồng Son rơm rớm nước mắt khi nhớ lại tiếng oan bán tạng con. Ảnh: HOÀNG LAN

“Con cảm thấy tự hào về ba!”

Rời TP.HCM, chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Thúy (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế từ các bác sĩ BV Chợ Rẫy, chị trang trọng đặt lên bàn thờ đơn sơ của chồng là anh Nguyễn Văn Hải (45 tuổi), người đã hiến tạng cứu năm người khác vào tháng 4-2018.

Con gái đang đi học ở xa, nhà chỉ còn chị và con trai nên không khỏi trống trải. Chị Thúy tâm sự lúc còn sống, xem tivi anh vẫn thường nói sau này khi mất muốn hiến tạng cứu người, bởi vậy khi anh ra đi, chị đã thực hiện di nguyện này. Tuy nhiên, đến lúc quyết định cũng không dễ dàng khi hai con đều phản đối. Sau khi được chị giải thích và thuyết phục rất nhiều, các con chị mới đồng ý một cách miễn cưỡng.

Nghe mẹ kể chuyện, con trai chị là Nguyễn Duy Long, chia sẻ thời điểm cha mất cũng là lần đầu tiên em được nghe đến hiến tạng. “Sau đó hàng xóm qua nhà hỏi thăm ba em hiến được những gì, cứu được bao nhiêu người… em mới cảm thấy rất hãnh diện và cảm thấy tự hào vì ba mất đi nhưng vẫn cứu giúp cho nhiều cuộc đời khác” - Long tâm sự.

Còn gia đình lão nông Phùng Văn Hinh (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã nghe tâm nguyện muốn hiến xác cho y học của ông cách đây 10 năm. Ngoài việc làm thẻ đăng ký hiến các bộ phận cơ thể tại BV Chợ Rẫy, ông còn tự tay viết giấy dán vách tường để nhắc vợ con thực hiện di nguyện. Sinh thời ông Hinh được biết đến là người có tấm lòng nhân hậu, hay giúp đỡ người nghèo.

Ngày đoàn bác sĩ BV Chợ Rẫy đến thăm gia đình và trao kỷ niệm chương, đông đảo người quen biết ông Hinh cũng có mặt. Cả đời làm việc thiện, cho đến khi mất đi ông còn hiến tạng cứu bốn người khác. Noi gương cha mình, ba trong số năm người con của ông cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Mong có hệ thống điều phối ở địa phương

BV sẽ theo dõi và chăm sóc gia đình người hiến tạng trong vòng hai năm để giải tỏa khúc mắc trong lòng họ sau khi hiến tạng người thân. Có người sau khi hiến tạng người thân, chúng tôi phải rất vất vả mới liên hệ lại được, chứng tỏ họ không đòi hỏi điều gì. Lại có người mẹ đơn thân nghèo, mất đi người con trai là trụ cột trong gia đình nhưng không chút đắn đo ký tên hiến tạng con để cứu sống năm người bệnh khác.

Mong rằng sẽ có hệ thống điều phối tại địa phương để chúng tôi nắm được thông tin của gia đình người hiến tạng, theo dõi và hỗ trợ tinh thần gia đình họ sâu sát hơn.

TS-BS DƯ THỊ NGỌC THUTrưởng Đơn vị điều phối 
ghép bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm