Gần 40 học sinh bị ngộ độc thuốc diệt chuột

(PLO)- Gần 40 học sinh tại Tuyên Quang nhập viện với các triệu chứng bị ngộ độc thuốc diệt chuột.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-1, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đã tiếp nhận 32 bệnh nhi, hầu hết là học sinh trường Tiểu học Phú Bình, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) nhập viện do nghi ngộ độc thuốc diệt chuột.

Theo lời kể từ các bệnh nhi, sáng 21-1, có một trẻ ra khỏi khuôn viên nhà trường, sang đồi chè sát cạnh trường để chơi và tìm thấy một túi có chứa nhiều ống nhựa màu đỏ và xanh bên trong.

Trẻ lấy một ống mang về trường và rủ một trẻ khác uống ngay trong buổi sáng 21-1.

Sau đó, các học sinh khác cũng sang đồi chè và lấy các ống này về trường. Các trẻ chia nhau uống trong buổi chiều 21-1.

Một phụ huynh cho biết con gái lớp 2 của mình có uống khoảng 1-2 giọt từ bạn chia cho. “Con bảo thuốc có mùi thơm như siro kẹo, nhưng khi thử uống thấy đắng nên đã nhổ đi”, phụ huynh này nói.

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ rằng chiều tối khi con về nhà có biểu hiện đau bụng, được cho uống thuốc đau bụng. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo với gia đình về vụ việc, bố mẹ mới vội vàng đưa con đến bệnh viện địa phương. Lúc này con mới nói đã uống khoảng 2 giọt “siro hồng”.

ngộ độc thuốc diệt chuột
Bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Hiện 32 trẻ đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và 5 trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trong số đó, 7 trẻ nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai đã uống mức đáng kể, từ 1/3 đến 1 ống, có triệu chứng đau đầu, nôn, chóng mặt, có nguy cơ cao bị ngộ độc nặng. Các trẻ còn lại uống từ 1-3 giọt.

Các bệnh nhi đồng loạt được khám, đánh giá, xét nghiệm, kiểm tra, bao gồm các chỉ số đánh giá về tổn thương do ngộ độc, chụp cộng hưởng từ với các cháu có chỉ định, siêu âm tim…

1 cháu có biểu hiện co giật tại bệnh viện, 2 cháu có tổn thương não trên phim cộng hưởng từ, 1 số cháu có dấu hiệu ảnh hưởng chức năng tim.

Các trẻ đều có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với thuốc diệt chuột fluoroacetate từ Viện Pháp Y quốc gia.

Hiện các bệnh nhi đều tỉnh táo và đang được theo dõi, điều trị theo phác đồ. Về tiên lượng, cần phụ thuộc vào các diễn biến tiếp theo, ít nhất sau vài ngày đầu mới rõ.

“Ngay khi tiếp nhận các bệnh nhi, Trung tâm Nhi khoa đã khẩn trương huy động nhân lực và phối hợp cùng Trung tâm Chống độc đánh giá, phân loại bệnh nhi, đồng thời xin chỉ đạo thành lập hội đồng khoa học hội chẩn toàn bệnh viện”, TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Trường Tiểu học Phú Bình cũng cho biết đã rà soát, tìm các học sinh uống cùng và hướng dẫn nhập viện. Được biết, vụ việc này còn xảy ra tại một trường mẫu giáo và một trường cấp 2.

Các bác sĩ đã hướng dẫn các trường phối hợp tìm kiếm, thu gom toàn bộ các ống thuốc diệt chuột hoặc bất cứ đồ vật, chất liệu nghi ngờ; rà soát lại các hóa chất đã và đang sử dụng hoặc đang lưu tại trường; tìm kiếm học sinh ở các trường khác có nguy cơ uống cùng và đề nghị trước mắt nhập viện tại địa phương.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, với các đặc điểm ống chất lỏng màu đỏ như vậy, đặc điểm triệu chứng của các bệnh nhi và kết quả xét nghiệm độc chất, có thể xác định đây là vụ ngộ độc thuốc diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide.

Cạnh đó, các bác sĩ đang theo dõi, đánh giá xem có các chất khác gây ngộ độc đồng thời hay không.

Fluoroacetate/fluoroacetamide là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường ở dạng ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, màu nâu hoặc không màu.

Đây là loại thuốc diệt chuột có độc tính cực cao với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương tim, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ canxi.

Trường hợp ngộ độc nặng có thể gây tổn thương và suy đa tạng.

Hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột vào những năm 1990 - đầu những năm 2000, tỉ lệ tử vong rất cao.

Hóa chất này đã bị cấm ở Việt Nam nhiều năm và quay trở lại vài năm nay dưới dạng bán rong, bán trên mạng, thậm chí có thể một số có thể bán chui một số nơi.

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên

Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm