Bệnh viện Trung ương Huế ghi dấu mốc trên bản đồ ghép tạng

(PLO)- Hơn 20 năm từ ngày ghi dấu mốc trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện hơn 2.000 ca ghép mô, tạng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Cùng với xu thế phát triển ngành ghép tạng của thế giới, ở Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng được triển khai từ năm 1992. Bệnh viện Trung ương Huế đã đánh dấu mốc trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam với ca ghép thận đầu tiên vào năm 2001.

Ca ghép thận đầu tiên đã mở đầu cho hành trình hơn 20 năm với trên 2.000 ca ghép mô, tạng của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế.

Đến nay, bệnh viện đã tiến hành trên 200 ca ghép thận mỗi năm.

ekip-ghep-tim.jpg
Ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim xuyên Việt cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.ANH

Bên cạnh duy trì các kỹ thuật ghép đảm bảo yêu cầu cao và an toàn cho bệnh nhân, các chuyên gia ghép thận của bệnh viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sống thận ghép và các trường hợp khó, nhiều bệnh lý phức tạp kèm theo.

Năm 2022, bệnh viện bắt đầu ghép thận từ người cho chết não. Việc ghép thận từ người cho chết não đã mở ra một chương mới về ghép tạng, không chỉ trong kỹ thuật chuyên môn mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Để làm được điều này, ngoài việc các thầy thuốc ngày đêm miệt mài học hỏi về các phương pháp chuyên môn làm sao tối ưu hoá nhất cho bệnh nhân, còn cần có sự mở lòng của cộng đồng, những tấm lòng vàng của gia đình những bệnh nhân không may chết não hiến tạng.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế nhiều năm qua đã thực hiện thành công 14 ca ghép tim nhiều ca ghép tim, trong đó có nhiều ca ghép tim xuyên Việt, "hồi sinh" cho nhiều bệnh nhân.

Đặc biệt, ca ghép tim xuyên Việt ngày 6-5-2022 đạt được 3 kỷ lục mới: thời gian từ khi lấy tim đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian phẫu thuật ngắn nhất, thời gian nằm viện ngắn nhất.

Bệnh viện đã lập ba kỷ lục về ghép tạng trong vòng 48 giờ đồng hồ. Kỷ lục thứ nhất: "Ngày ghép tạng" bắt đầu từ ngày 2-4-2024 với 4 ca ghép thận cùng huyết thống, 1 ca ghép thận tự thân, 3 ca ghép tạng xuyên Việt.

Kỷ lục thứ hai: Lần đầu tiên thực hiện ghép bộ ba tạng tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại Bệnh viện tuyến tỉnh.

Kỷ lục thứ ba: Thời gian vận chuyển 3 tạng xuyên Việt cho cùng một đơn vị dài nhất.

ghep-tuy_GVCR.jpg
Lễ ra viện cho bệnh nhân thứ 8 ghép tế bào gốc do u nguyên bào thần kinh tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Đ.ANH

Cùng với sự phát triển trong công tác ghép tạng của bệnh viện, đặc biệt với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các ngân hàng mắt trong và ngoài nước, nguồn giác mạc trở nên phong phú hơn. Đến nay, 46 mắt bệnh nhân đã được thực hiện ghép giác mạc tại bệnh viện.

Ngoài triển khai những kỹ thuật, phẫu thuật thường quy chuyên ngành, bệnh viện đã tiếp cận và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để điều trị các bệnh của mắt như bệnh lý về giác mạc, bệnh tạo hình, u hốc mắt, bệnh bán phần sau của mắt, đặc biệt về phẫu thuật cấy ghép giác mạc.

Thời gian qua, việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị hỗ trợ ung thư vú và buồng trứng đã được triển khai thường quy tại bệnh viện.

Năm 2019, bệnh viện tiến hành kỹ thuật ghép tế bào gốc ở trẻ em với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.HCM nhằm hỗ trợ điều trị bệnh lý u nguyên bào thần kinh. Bệnh viện cũng là cơ sở đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thứ hai trong cả nước thực hiện kỹ thuật này.

Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện thành công gần 50 ca ghép, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý u đặc trẻ em. Ghép tế bào gốc trên bệnh nhi u nguyên bào võng mạc di căn và Burkitt Lymphoma tái phát cũng là những ca đầu tiên của Việt nam được thực hiện tại Huế.

Ngoài ra, bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị cho bệnh nhân u lympho không Hodgkin đầu tiên tại miền Trung.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Bệnh viện Trung ương Huế cũng hoàn thiện cơ sở phục vụ công tác ghép tạng với sự ra đời của Trung tâm Ghép tạng trực thuộc bệnh viện vào tháng 8-2019. Đây là trung tâm ghép tạng đầu tiên ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bệnh viện trung ương Huế
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Đ.ANH

GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định: "Trung tâm ghép tạng được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng như khu vực. Hy vọng trong tương lai không xa, đây cũng là nòng cốt của Văn phòng Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên".

Khẳng định thương hiệu trung tâm y học cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực ghép tạng là các yếu tố quan trọng, góp phần phát triển Bệnh viện Trung ương Huế đạt chuẩn bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm