Quy định 144 và sự 'tự kiểm soát, tự giữ mình'

Quy định 144 và sự 'tự kiểm soát, tự giữ mình'

(PLO)- Theo Quy định 144, cán bộ, đảng viên khi được giao chức, giao quyền phải nghiêm khắc với bản thân, phải biết “giữ mình”, phải tự kiểm soát quyền lực và phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện.

Quy định 144 “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” được Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ban hành ngày 9-5 thể hiện đầy đủ nhiệm vụ, chuẩn mực, tư cách và chí hướng phấn đấu của người cách mạng.

Trước khi ban hành Quy định 144, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 08 về nêu gương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung ương ban hành quy định cụ thể về chuẩn mực của cán bộ, đảng viên.

Quy định 144 và sự 'tự kiểm soát tự giữ mình'
Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Cơ sở để đánh giá bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ

Trong năm điều quy định về chuẩn mực đạo đức có 19 nội dung, trong đó nêu rõ những phẩm chất cao quý mà người cách mạng cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Có thể khẳng định nội dung trong Quy định 144 đã thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực về mục tiêu, lý tưởng, về bản lĩnh, tinh thần đổi mới, sáng tạo; về tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương, tình thương, trách nhiệm… và phương pháp, nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên.

Tôi cho rằng những nội dung này là căn cứ, là cơ sở để đánh giá bản lĩnh, sự trung thành, gương mẫu, hăng hái, vì nước, vì dân của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Đáng chú ý, Điều 3 Quy định 144 đã cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh được cụ thể hóa sát hợp với yêu cầu và thực tiễn mà cán bộ, đảng viên cần có. Trong đó, đặt ra yêu cầu với mỗi cán bộ, đảng viên là phải tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; nêu cao lòng tự trọng, danh dự.

quy-dinh-144-va-su-tu-kiem-soat-tu-giu-minh-3.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Trung ương 9, khóa XIII. Ảnh: TTXVN

“Quy định “5 không” chính là mệnh lệnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, “đề kháng” trước cám dỗ của vật chất và quyền lực.”

Những quy định trên chính là thước đo sự mẫu mực của mỗi cán bộ, đảng viên, bởi nếu như họ không còn giữ được tư cách, phẩm giá, không còn trong sáng, liêm chính nữa mà sa vào chủ nghĩa cá nhân thì tất yếu họ sẽ suy thoái.

Chính sự suy thoái mà trước hết là suy thoái về đạo đức làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của Đảng và cán bộ, đảng viên; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Rất tiếc là thời gian vừa qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ diện Trung ương quản lý đã không chiến thắng được cám dỗ, tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ. Đảng yêu cầu “không” nhưng họ “vẫn làm” dẫn đến sai phạm và bị xử lý. Chính vì vậy, đối với cán bộ, đảng viên, việc tu dưỡng theo những chuẩn mực về “cần, kiệm, liêm, chính” trong Quy định 144 là yêu cầu đặt ra thường xuyên, liên tục và cấp thiết.

quy-dinh-144-va-su-tu-kiem-soat-tu-giu-minh-4.jpg
TS Trần Thị Hà Vân nói về Quy định 144. Ảnh: LÊ THOA

Văn hóa từ chức là sự tiến bộ

Trong Điều 3 của quy định này, Trung ương yêu cầu cán bộ phải thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Căn cứ từ chức lần đầu tiên được thể hiện trong Quy định 41 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Trong đó, một trong những căn cứ để xem xét từ chức là “do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”. Từ chức ở đây được hiểu là người đang đảm nhận chức vụ tự nguyện rời bỏ vị trí lãnh đạo nhằm đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Thực tế thời gian qua cho thấy cán bộ, đảng viên không còn đủ uy tín đã làm đơn và được Trung ương cho thôi giữ chức theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt “… Nếu đã vi phạm và thấy tay nhúng chàm rồi thì những cán bộ này tốt nhất là xin thôi. Như thế là nhẹ nhàng, nhân văn, tiến bộ. Từ đó có sức răn đe, cảm hóa lớn”.

Đối với Đảng và cách mạng, để cán bộ không còn đủ uy tín xin từ chức thật đau xót nhưng không thể không làm. Đây cũng chính là bài học “đắt giá” cho Đảng ta khi lựa chọn cán bộ, đồng thời cũng là sự cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở đối với cán bộ, đảng viên khi được giao chức, giao quyền phải nghiêm khắc với bản thân, phải biết “giữ mình”, phải tự kiểm soát quyền lực và phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện.

quy-dinh-144-va-su-tu-kiem-soat-tu-giu-minh-2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Quy định 144 chính là “cẩm nang” của người cách mạng. Những điều, điểm được ghi trong quy định chính là những tiêu chí mang tính “định lượng” để tổ chức Đảng nói chung và từng cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu rèn giũa, tu chỉnh mình, để luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý của cán bộ, đảng viên, đáp ứng được lòng mong mỏi và sự tin tưởng của nhân dân.

“5 không” để “đề kháng” trước cám dỗ của vật chất và quyền lực

Trong Điều 3 Quy định 144, Trung ương yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện đúng “5 không”: Không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực khác của tập thể và cá nhân; không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.

Quy định về “5 không” trong Quy định 144 là mệnh lệnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, “đề kháng” trước cám dỗ của vật chất và quyền lực, bởi đó là những thứ có sức “hấp dẫn” rất lớn, nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng “nó khéo dỗ dành con người ta đi xuống”.

* TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM.

Đọc thêm