Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XIII, Tổng Bí thư đã có những lưu ý, chỉ đạo quan trọng cho công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ông cũng yêu cầu rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những cán bộ thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng… Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng mới ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Về quy định này, ông Nguyễn Văn Đáng, tiến sĩ quản trị công và chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng một điểm mới đáng chú ý là những quan niệm toàn diện hơn về bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, đặc biệt là “sáu dám” cũng được coi là phẩm chất đạo đức, bao gồm: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung”.
Cán bộ lãnh đạo phải có bản lĩnh
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới?
+ TS Nguyễn Văn Đáng: Được ký ban hành trước ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 9, khóa XIII nhưng có lẽ các hoạt động trọng tâm của hội nghị này đều liên quan đến công tác nhân sự cho nên Quy định 144 được nhiều người chú ý hơn.
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các bài phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy quan điểm chỉ đạo là bên cạnh chuẩn bị các văn kiện thì công tác chuẩn bị về nhân sự luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong các hoạt động chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Thứ hai, Hội nghị Trung ương 9 cũng cho nghỉ công tác với một thành viên Bộ Chính trị, bầu bổ sung thêm bốn thành viên Bộ Chính trị và giới thiệu nhân sự để kiện toàn các vị trí Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Có thể nói đây là những diễn biến hết sức quan trọng, có tác động đến hoạt động của hệ thống chính trị nước ta không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai gần.
Trong bối cảnh đó, việc ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã chuyển đến chúng ta một thông điệp rõ ràng: “Đảng rất nghiêm túc, quyết liệt trong việc đề ra những tiêu chuẩn đạo đức ở mức rất cao, rất cụ thể với cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay”.
. Vậy đâu là những điểm mới, điểm nhấn đáng chú ý của Quy định 144 so với các quy định trước đây về đạo đức của cán bộ, đảng viên?
+ Về cơ bản, Quy định 144 vẫn tiếp tục những quan điểm, chủ trương và yêu cầu của Đảng về phẩm chất đạo đức với cán bộ, đảng viên nhưng được trình bày khái quát và rõ ràng hơn. Đồng thời, bổ sung những quy định cụ thể hơn đối với một số phẩm chất đang được coi trọng trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta có thể thấy các yêu cầu quen thuộc, coi trọng sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, ý thức phụng sự lợi ích chung như trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và phụng sự đất nước. Một cán bộ có đạo đức là người trước hết luôn suy nghĩ và hành động trên cơ sở phục vụ và bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng và Nhà nước và của nhân dân.
Cùng với đó là các yêu cầu về phẩm chất cá nhân điển hình như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, tình thương và trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng, học tập và rèn luyện suốt đời.
Điểm mới đáng chú ý trong quy định về đạo đức của cán bộ, đảng viên nằm ở Điều 2. Trong đó, Đảng đã nêu ra bốn nhóm tiêu chí về bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Có thể nói Quy định 144 đã giúp chúng ta hình dung cụ thể hơn và như thế nào là một cán bộ, đảng viên có bản lĩnh trong bối cảnh hiện nay.
Khuyến khích tư duy đột phá, dám hành động
. Ông có thể phân tích chi tiết hơn những điểm mới trong quy định của Đảng về bản lĩnh của cán bộ, đảng viên?
+ Trước đây, khi nói đến bản lĩnh của cán bộ, đảng viên thì nhiều người thường hiểu theo nghĩa hẹp, đó là bản lĩnh chính trị. Một cán bộ, đảng viên có bản lĩnh tức là người sẽ luôn kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp hành và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như các nguyên tắc, quy định của tổ chức.
Điểm nổi bật của Quy định 144 là chính thức coi “sáu dám” là những chiều cạnh để nhận diện bản lĩnh và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cụ thể, dám nghĩ tức là mỗi cán bộ, đảng viên phải có khả năng tư duy và suy nghĩ độc lập chứ không phải thụ động, tuân theo những nếp nghĩ, thói quen phổ biến. Sau khi dám nghĩ thì mỗi người phải dám nói, tức là phải tự tin để nêu ra ý kiến, chính kiến của bản thân mình trước vấn đề cụ thể.
Còn dám làm tức là dám hành động và dám chịu trách nhiệm về hành động của mình. Những quy định này không hẳn mới nhưng khi được coi là một chiều cạnh đạo đức thì nó sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên ý thức rõ hơn về trách nhiệm và bổn phận của mình mỗi khi phát ngôn hay hành động. Đi cùng đó là sẵn sàng thực hiện trách nhiệm giải trình, khắc phục hậu quả hoặc tự giác chấp hành các hình thức, mức độ kỷ luật khác trước những hậu quả từ vi phạm của mình.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, Đảng coi dám đổi mới, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân là rất đúng đắn. Bản chất của “hai dám” này là khuyến khích tinh thần dấn thân, sẵn sàng tư duy và hành động đột phá trước những vấn đề nan giải để phụng sự lợi ích chung của nhân dân, của đất nước.
Bản lĩnh lãnh đạo thời kỳ mới là “sáu dám”
. Ông nhận định thế nào về ý nghĩa và tác động của Quy định 144?
+ Trong bối cảnh hiện nay, Quy định 144 sẽ có nhiều ý nghĩa và tác động quan trọng, đặc biệt là với nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cụ thể hóa quan điểm về phát triển con người VN
Quy định 144 đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về phát triển con người Việt Nam (VN). Đó là từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người VN; xây dựng con người VN thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Thực hiện nghiêm túc Quy định 144 sẽ từng bước vun đắp nền tảng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần then chốt vào quá trình phát triển con người VN theo hướng toàn diện và hiện đại.
TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG
Thứ nhất, nội dung của quy định khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là luôn coi trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên, “đức là gốc” trong công tác cán bộ. Xét đến đặc trưng cấu trúc quyền lực tập trung và thống nhất ở nước ta thì việc coi trọng đạo đức là cách tiếp cận hợp lý, tức là đề cao khả năng tự kiểm soát bản thân của mỗi đảng viên, tự kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, Quy định 144 cũng thể hiện nhận thức và thái độ của Đảng trước tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao trong thời gian gần đây. Quy định 144 không chỉ chứa đựng những giá trị, chuẩn mực về đạo đức được Đảng đề cao, mà đó cũng chính là lời nhắc nhở với mỗi cán bộ, đảng viên về ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức.
Thứ ba, quy định này giúp chúng ta có thêm những nhận thức mới về các chiều cạnh đa dạng liên quan đến đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những phẩm chất truyền thống thì Đảng còn yêu cầu thêm về tinh thần dấn thân và phụng sự, ý thức và hành động chịu trách nhiệm, không thụ động hay núp bóng tập thể, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới để có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Việc coi “sáu dám” là một chiều cạnh để đánh giá phẩm chất đạo đức, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên không chỉ cho thấy nhận thức của Đảng về tình hình đất nước hiện nay, mà còn thể hiện quan điểm rất tiến bộ cũng như kỳ vọng vào những cán bộ, đảng viên có đạo đức, bản lĩnh trong việc tạo ra những thay đổi có tính đột phá trong tiến trình phát triển đất nước.
. Xin cảm ơn ông.