Sáng 6-12, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Quan hệ Hàn Quốc - ASEAN từ góc nhìn KASI (Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN)”.
Tọa đàm có sự tham gia của Ngài Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM, GS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cùng nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu.
ASEAN là cốt lõi trong chính sách của Hàn Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Phát biểu tại sự kiện, Ngài Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM nói rằng vai trò của mối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN được thể hiện rõ qua vị thế của hai bên trên bản đồ thế giới.
“Hàn Quốc và 10 quốc gia ASEAN đều nằm ở khu vực trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với nhiều thách thức về địa chính trị và địa kinh tế. Do đó, tôi cho rằng Hàn Quốc và ASEAN cần nắm tay nhau để cùng tiến về phía trước” - ngài Shin Choong Il nhận định.
Đồng quan điểm, GS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nhắc lại những thành tựu hợp tác của Hàn Quốc và ASEAN, cũng như giữa Việt Nam và ASEAN. Từ đó, GS.TS. Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường các mối quan hệ này.
Về KASI, bà Chon Eui-jin - Vụ trưởng Vụ hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc - thừa nhận những thành tựu to lớn trong quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN.
Tuy nhiên bà Chon Eui-jin lưu ý rằng thế giới hiện tại đang đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị, rủi ro từ sự suy yếu của trật tự thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng,... và để vượt qua thách thức này, các nước phải tăng cường hợp tác.
“Do đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố sáng kiến KASI” - bà Chon nêu lý do về sự ra đời của KASI.
Vai trò của KASI đối với quan hệ Hàn Quốc - ASEAN
KASI được công bố vào tháng 11-2022 khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23 tại Campuchia.
Sáng kiến KASI được xây dựng như một thiết kế toàn diện cho mối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN với nền tảng là ba tầm nhìn chính trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc: tự do, hòa bình và thịnh vượng.
KASI được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác vững chắc với ASEAN trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và văn hóa-xã hội, hướng tới thúc đẩy hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện gồm hợp tác về an ninh (cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống) cũng như các lĩnh vực tương lai và mới nổi.
Trình bày tham luận với chủ đề “Tầm quan trọng chiến lược của kết nối Hàn Quốc – ASEAN”, PGS.TS Lưu Văn Quyết - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM - cho rằng KASI có bốn vai trò chính: (1) thúc đẩy hợp tác song phương và khu vực, đem lại lợi ích cho cả hai (2) đảm bảo ổn định an ninh khu vực (3) mở rộng mạng lưới thương mại-kinh tế (4) xây dựng văn hóa ngoại giao nhân dân ASEAN-Hàn Quốc.
Cũng thảo luận về vai trò của KASI, TS. Phan Thị Anh Thư - Phó trưởng Khoa Hàn Quốc học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) nhận định KASI cho thấy Hàn Quốc lựa chọn ASEAN làm đối tác cốt lõi trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“ASEAN vừa là tiền đề trong sáng kiến của Hàn Quốc ở khu vực, vừa là nơi để Hàn Quốc đạt được mục tiêu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - TS. Phan Thị Anh Thư nêu quan điểm.
Theo TS. Phan Thị Anh Thư, sự song trùng về mặt quan điểm chiến lược đối ngoại đã tạo cơ hội để Hàn Quốc và ASEAN xích lại gần nhau.
Tại buổi toạ đàm, GS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Học viện Ngoại giao Việt Nam, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hàn Quốc - chia sẻ các yếu tố thúc đẩy Hàn Quốc xây dựng KASI.
GS.TS Nguyễn Vũ Tùng cho rằng các yếu tố này bao gồm: Nhu cầu phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong giai đoạn mới và vai trò của khu vực Đông nam Á; quy trình hoạch định chính sách đối ngoại của Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon lên nắm quyền và vai trò của Bộ Ngoại giao trong tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại nói chung và KASI nói riêng; các yếu tố xã hội như tình cảm, hiểu biết, quan tâm của dân chúng Hàn Quốc đối với khu vực Đông Nam Á thông qua các hình thức giao lưu nhân dân (du lịch, lao động, du học, và kết hôn).
Ở chiều ngược lại, GS.TS Nguyễn Vũ Tùng cũng nhận định rằng bản thân các thành viên ASEAN cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Hàn Quốc để thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại,...
ThS. Trần Xuân Thủy - Phó Giám đốc Sở Ngoại Vụ TP.HCM - cho rằng sự kiện thiết quân luật vừa qua ở Hàn Quốc không ảnh hưởng đầu tư của Hàn Quốc vào TP.HCM, thậm chí, sự kiện còn thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn.
KASI: Thách thức và giải pháp để thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc - ASEAN
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Tăng Nghị - Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM - nhấn mạnh những thách thức lớn trong việc triển khai KASI, trong đó, thách thức nổi cộm nhất chính là sự cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.
TS. Nguyễn Tăng Nghị giải thích rằng cạnh tranh Mỹ - Trung khiến Hàn Quốc phải đối mặt với sức ép phải lựa chọn giữa việc gắn bó chặt chẽ với chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc tìm kiếm vai trò độc lập hơn trong khu vực.
Ngoài ra, tình hình chính trị nội bộ, sự phân cực và áp lực kinh tế cũng là những thách thức lớn mà Hàn Quốc phải vượt qua để hiện thực hóa KASI. Theo TS. Nguyễn Tăng Nghị, Hàn Quốc cần một cách tiếp cận khéo léo, cân bằng lợi ích khu vực và tránh bị cuốn vào các xung đột quyền lực lớn.
PGS.TS Lưu Văn Quyết cũng nêu bật các thách thức mà KASI đang đối mặt, bao gồm những khác biệt về lợi ích chiến lược giữa các nước ASEAN, tác động từ địa chính trị khu vực (bao gồm cạnh tranh Mỹ-Trung,..), hạn chế của Hàn Quốc về nguồn lực và khả năng tài trợ cho ASEAN; những vấn đề nội tại của ASEAN; và sự cạnh tranh giữa KASI với các sáng kiến khác như “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc,...
PGS.TS Lưu Văn Quyết đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa sáng kiến KASI. Đầu tiên, ASEAN và Hàn Quốc cần tăng cường hơn nữa những dự án kết nối khu vực. Tiếp theo là phát huy hơn vai trò trung tâm của ASEAN. Ngoài ra, Hàn Quốc và ASEAN cần xử lý được các thách thức địa chính trị và tăng cường giao lưu hơn nữa về văn hóa và con người.
Còn theo GS.TS Nguyễn Vũ Tùng, hiện tại, Hàn Quốc và ASEAN đã có KASI nên nhiệm vụ trọng tâm là bắt tay vào các dự án cụ thể. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác trên tất cả các mặt không chỉ kinh tế mà còn giao lưu nhân dân để tạo sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Hàn Quốc.
Sự trở lại của ông Donald Trump ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Việt-Hàn?
Theo PGS.TS Bùi Hải Đăng - Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc thông qua sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
PGS.TS Bùi Hải Đăng giải thích rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng khiến cả Việt Nam và Hàn Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ cân bằng trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh.