Hơn 40 chuyên gia hàng đầu đến từ 12 quốc gia tham gia buổi hội thảo quốc tế năm 2023 với chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường” do Trường Đại học Luật TP. HCM phối hợp với Đại học Tours (Pháp) tổ chức trong hai ngày 19-10 và 20-10-2023.
Hội thảo nhằm góp phần giải quyết những câu hỏi phức tạp mang tính thời sự, có ảnh hưởng vi mô và vĩ mô, được cộng đồng chính trị gia, luật gia, doanh nhân, dân cư trong nước và quốc tế quan tâm.
Châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm
Nhiều yếu tố đã làm cho Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt các quốc gia ASEAN, trở thành địa chỉ thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng và tâm điểm của các hoạt động thương mại quốc tế. Các cường quốc kinh tế như Mỹ và EU đều đã xoay trục hoạt động thương mại của họ và tập trung vào khu vực này để khai thác tối đa các lợi ích từ quá trình hợp tác kinh tế.
Các nước ASEAN cũng tích cực đa dạng hóa các quan hệ thương mại với những đối tác thương mại khác nhau bên cạnh EU và Mỹ, như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, thông qua các hiệp định thương mại.
Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý liên quan đến ký kết và thực thi các hiệp định thương mại - đầu tư quốc tế giữa các nước trong khu vực với các nền kinh tế khác trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nắm giữ vị trí địa - chính trị chiến lược. Vì vậy, từ vài thập kỷ nay, châu Á – Thái Bình Dương trở thành điểm đích của chiến lược xoay trục của nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Các chiến lược này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà còn được thiết kế dựa trên những tính toán ở nhiều phương diện khác, trong đó có ngoại giao, chính trị.
Chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, với nhiều khía cạnh, phương diện như vậy, đã, đang và sẽ chi phối, ảnh hưởng đến chính sách và luật của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, để thực thi chiến lược đó, một mạng lưới dày đặc và rộng lớn các hiệp định tự do hóa thương mại, bảo hộ đầu tư được ký kết giữa các đối tác trong khu vực với nhau, giữa các đối tác trong khu vực với các đối tác bên ngoài khu vực. Trong mạng lưới đó, có những hiệp định quan trọng mang tính chất toàn cầu nhưng cũng có nhiều hiệp định song phương với quy mô tương đối nhỏ.
Theo TS Lê Trường Sơn, quan trọng là làm thế nào để các hiệp định ấy không chỉ là những tờ giấy dày đặc những câu chữ phức tạp mà ít người biết đến. Để việc thực thi hiệp định đi sâu vào đời sống, hiệp định được áp dụng hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, bảo vệ quyền của những con người yếu thế?
Thách thức tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam
Tại hội thảo các chuyên gia quốc cũng đề cập nhiều đến hiệp định thế hệ mới như CPTPP, RCEP. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tăng cường hợp tác với RCEP - Hiệp định Đối tác Khu vực Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tạo nên sự hòa quyện giữa các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng (RCEP) và các nền kinh tế công nghiệp phát triển (CPTPP).
Điều này đặt ra một loạt câu hỏi về việc làm thế nào các nước có thể hòa hợp các hiệp định này và tận dụng lợi ích từ chúng, đồng thời đảm bảo rằng quyền và lợi ích của họ được bảo vệ một cách tốt nhất. Điều này đòi hỏi sự đảm bảo pháp lý và quản lý chính sách hiệu quả.
Như tiêu chuẩn môi trường, Phó Giáo sư Kanami Ishibashi, Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản), cho biết hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, so với các FTA truyền thống và kể cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) các cam kết về môi trường trong CPTPP cao hơn cả về tính phức tạp và mức độ cam kết, ràng buộc về môi trường. Các cam kết môi trường trong CPTPP mang tính chất bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua sử dụng công cụ về kinh tế.
Thách thức đặt ra cho Việt Nam cũng như các nước thành viên CPTPP phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường nhưng theo các chuyên gia cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Là một nền kinh tế mở với quy mô xuất, nhập khẩu cao, việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả sản phẩm. CPTPP tạo ra một “sân chơi” công bằng, minh bạch, là cơ sở, nền tảng để các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng CPTPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại. Bên cạnh việc tận dụng cơ hội CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, CPTPP còn tạo áp lực thúc đẩy cải cách thể chế để mở rộng thị trường, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.