Chủ trương, chính sách

Thủ tướng nêu nhiều điểm mới, quan trọng trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIV

(PLO)- Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV, bổ sung vào dự thảo báo cáo chính trị các thành tố tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

Sáng 16-4, Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối hơn 21.000 điểm cầu trong cả nước, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, đơn vị, quân binh chủng. Hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự tại các điểm cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.

thu-tuong-neu-nhieu-diem-moi-quan-trong-trong-du-thao-bao-cao-chinh-tri-trinh-dai-hoi-xiv-1.jpg
thu-tuong-neu-nhieu-diem-moi-quan-trong-trong-du-thao-bao-cao-chinh-tri-trinh-dai-hoi-xiv-2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: TUẤN MINH

Ban hành nhiều quyết sách mới, quan trọng, mang tính lịch sử

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo năm năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.

Liên quan đến việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng cho biết nội dung này đã được Bộ Chính trị, Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện từ năm 2023 và được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 9-2024).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh; ở trong nước, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách mới, quan trọng, mang tính lịch sử. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã giao các Tiểu ban của Đại hội XIV bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo các văn kiện với các quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết dự thảo báo cáo chính trị đã bổ sung các thành tố tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và chỉnh sửa, bảo đảm ngắn, gọn, rõ, mang tính hiệu triệu, hành động mạnh mẽ, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV. Đó là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hoà bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Sau khi khái quát những kết quả đạt được trong năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Trung ương đã đồng ý điều chỉnh, hoàn thiện ba bài học kinh nghiệm thể hiện tinh thần mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Gồm giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, thống nhất nhận thức, bám sát thực tiễn, tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, ứng phó với mọi tình huống để ổn định và phát triển.

Cùng đó là bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên quyết thực hiện thắng lợi cho bằng được các mục tiêu phát triển.

Tổ chức thực hiện quyết liệt các chủ trương, quyết sách của Đảng với tư duy mới, cách làm mới. Đó là đổi mới trong Đảng trước, Trung ương trước, địa phương sau, bảo đảm vai trò quyết định của cấp uỷ đảng và người đứng đầu; gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng xây dựng, tổ chức thực hiện quyết liệt chủ trương, đường lối, chính sách.

Thủ tướng nêu nhiều điểm mới, quan trọng trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIV
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: TUẤN MINH

Xác lập mô hình tăng trưởng mới

Nhấn mạnh bối cảnh thế giới và trong nước đang có những thay đổi lớn, tạo ra bước ngoặt mới, vận hội mới cho sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó một số nội dung mới quan trọng được bổ sung.

Về hoàn thiện thể chế phát triển, Thủ tướng cho biết báo cáo chính trị đã bổ sung, nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững đất nước, trong đó thể chế chính trị giữ vai trò then chốt, định hướng; thể chế kinh tế là trọng tâm; thể chế trên các lĩnh vực khác là quan trọng.

“Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển; thực hiện mô hình hệ thống chính trị 3 cấp, chính quyền địa phương 2 cấp” – Thủ tướng nói và cho biết cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội, để thị trường thực sự có vai trò quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực.

Về cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo Thủ tướng, báo cáo Chính trị bổ sung, nhấn mạnh cần xác lập mô hình tăng trưởng mới với trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính; tạo ra sức sản xuất mới, phương thức, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới.

Đẩy mạnh liên kết vùng, mở rộng và cơ cấu lại không gian phát triển phù hợp với hệ thống hành chính mới. Phát huy đầy đủ chức năng, vai trò của các khu vực kinh tế; trong đó phát triển kinh tế nhà nước thật sự giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm các cân đối lớn, định hướng chiến lược, dẫn dắt nền kinh tế.

“Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và các loại hình kinh tế khác giữ vai trò quan trọng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Thủ tướng cho hay cần khẩn trương, quyết liệt đổi mới và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Tháo gỡ dứt điểm các nút thắt, rào cản, trọng tâm là cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ chuyên gia, nhất là những chuyên gia giỏi, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Với các nhiệm vụ trọng tâm, báo cáo chính trị nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; xác lập mô hình tăng trưởng mới lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng xã hội số.

Còn về đột phá chiến lược, cần đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, quản trị phát triển giữa Trung ương và địa phương, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị thực sự tiêu biểu, nhất là những người đứng đầu.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Bình luận