Mặc cho Trung Quốc nỗ lực “vẽ” ra “ma trận” đường lưỡi bò, các nước đều không công nhận yêu sách phi pháp này.

Xóa 'ma trận' đường lưỡi bò phi pháp - Bài cuối - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Phải kiên quyết xử lý vi phạm

(PLO)- Việt Nam đã có nhiều quy định về xử lý các văn hóa phẩm vi phạm chủ quyền quốc gia, điển hình là đường lưỡi bò phi pháp nhưng cần áp dụng quyết liệt và khôn khéo.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu các đơn vị phát hành, các công ty điện ảnh không tuân thủ, tái phạm nhiều lần thì phải áp dụng nghiêm các biện pháp chế tài.

Mặc cho Trung Quốc nỗ lực “vẽ” ra “ma trận” đường lưỡi bò, các nước đều không công nhận yêu sách phi pháp này. Ảnh: SCMP

Mặc cho Trung Quốc nỗ lực “vẽ” ra “ma trận” đường lưỡi bò, các nước đều không công nhận yêu sách phi pháp này. Ảnh: SCMP

Phải nhận thức đúng mưu đồ của Trung Quốc

. Phóng viên: Ông có nhận xét gì về “ma trận” đường lưỡi bò trên các văn hóa phẩm như phim ảnh, sách, truyện… mà báo chí phản ánh thời gian qua?

+ Ông Trương Trọng Nghĩa: Ở giai đoạn chục năm trước, thi thoảng tôi mới nghe báo chí phản ánh phát hiện đâu đó bản đồ đường lưỡi bò. Chủ yếu là trên một số sách học tiếng Trung Quốc (TQ), hay truyện tranh, bản đồ mà ai đó vô tình xách tay từ TQ về hoặc đặt mua, được biếu tặng từ TQ. Thế nhưng càng về sau này, đặc biệt vài năm gần đây, tôi theo dõi báo chí và thông tin trên Internet thì thấy câu chuyện đường lưỡi bò phi pháp len lỏi vào các văn hóa phẩm, sách báo, tạp chí khoa học, du lịch, nghệ thuật… như “nấm mọc sau mưa”.

Điều đáng chú ý là TQ tận dụng sự phát triển như vũ bão của các nền tảng số để “cài cắm” đường lưỡi bò phi pháp. Việc tận dụng công nghệ mới phục vụ cho ý đồ chính trị ở Biển Đông có lẽ là xu hướng mà TQ đang thúc đẩy.

Ở Việt Nam (VN), phim truyền hình hay ở rạp chiếu thì ít khi bị lọt đường lưỡi bò phi pháp (dù vẫn có) nhưng phim chiếu trực tuyến trên Internet, thông qua các nền tảng xuyên biên giới thì ngày càng phổ biến.

Trong năm năm qua, có hàng chục bộ phim chiếu trên các nền tảng được cấp phép tại VN bị phát hiện có đường lưỡi bò phi pháp, bị cư dân mạng, báo chí và cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và chế tài nhưng các sản phẩm độc hại này vẫn trôi nổi trên không gian mạng do nhiều người xem đã tải về, phát tán. Có lẽ hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần quyết tâm xử lý việc này.

Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa

Điều cần làm trước hết là nhận thức cho đúng: Việc lan truyền đường lưỡi bò phi pháp theo những cách như vừa qua không hề là “ngẫu nhiên, vô ý, cá biệt, phi chính trị”. Trái lại, đó là một “chiến pháp” của TQ, nhằm phối hợp với các “chiến pháp” khác bằng pháp lý và trên thực địa để độc chiếm Biển Đông.

Phải làm sao cho mỗi công dân VN, nhất là thanh thiếu niên, nhận thức rõ điều này, để phản ứng kiên quyết. Mỗi doanh nghiệp VN phải biết tự trọng, không được vì lợi nhuận mà chấp nhận đường lưỡi bò dưới bất cứ hình thức nào.

“Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần đánh giá lại vai trò, trách nhiệm của các đơn vị “xuất khẩu” và (hoặc) “nhập khẩu” các văn hóa phẩm như phim ảnh, sách, tạp chí, hoạt động du lịch…”

Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa

Tăng ý thức, tăng trách nhiệm

. Nhiều người cho rằng cơ chế xử phạt của chúng ta đối với các hành vi vi phạm về bản đồ đường lưỡi bò phi pháp chưa đủ sức răn đe, ông nghĩ thế nào về việc này?

+ Pháp luật VN có một số quy định liên quan đến bản đồ nói riêng và chủ quyền nói chung. Đơn cử là Luật Điện ảnh 2022 có quy định tại Điều 9 việc cấm hoạt động điện ảnh có nội dung “thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia”.

Cần cộng đồng chung tay phản ứng

Phản ứng thích đáng, phù hợp, khôn khéo và kiên quyết của các doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân, kể cả tầng lớp thanh thiếu niên, cũng rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc đấu tranh chống chiến thuật đường lưỡi bò. Mọi người cần nhận thức rằng đường lưỡi bò dưới bất kỳ hình thức nào đều là một loại bất hợp pháp được TQ cố ý sử dụng nhằm xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta. Người VN yêu nước phải chống đường lưỡi bò phi pháp.

vũ khí Đại biểu Quốc hội - luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định, như Nghị định 38 (vào tháng 3-2021), Nghị định 129 sửa đổi (vào tháng 12-2021) và mới nhất là Nghị định 128 sửa đổi (vào tháng 12-2022) về xử lý hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, thể thao, du lịch… Chính phủ cũng ban hành Nghị định 119 (vào tháng 10-2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Nghị định 71 sửa đổi (vào tháng 10-2022) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; hay Nghị định 18 (vào tháng 2-2020) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Nhìn một cách tổng thể, đối tượng áp dụng đa dạng (từ cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài; từ phim ảnh đến báo chí, xuất bản, văn hóa, thể thao, du lịch, đo đạc…); các hình thức xử lý cũng khá phong phú, trong đó việc phạt tiền dao động từ vài triệu đến 200 triệu đồng và có thể đi kèm các hành vi phạt bổ sung, buộc khắc phục hậu quả… tùy vào tính chất, mức độ vi phạm. Ví dụ, CGV VN năm 2019 bị phạt 170 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm sau khi họ nhập khẩu bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh đường lưỡi bò. Hay như đầu tháng 7 vừa qua, nền tảng Netflix đã gỡ phim Flight to you (Hướng gió mà đi) cũng cùng lý do tương tự.

Vấn đề còn lại là chúng ta siết chặt việc xử lý vi phạm. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần đánh giá lại vai trò, trách nhiệm của các đơn vị “xuất khẩu” và (hoặc) “nhập khẩu” các văn hóa phẩm như phim ảnh, sách, tạp chí, hoạt động du lịch… Để làm sao họ phải ý thức hơn, tăng trách nhiệm hơn trong tuân thủ luật pháp VN.

Xử lý vi phạm, phải mạnh tay hơn nữa

. Rõ ràng các nền tảng xuyên biên giới, nền tảng số như Netflix, ngày càng trở nên phổ biến. Theo Luật Điện ảnh 2022 thì các cơ quan chức năng chỉ có thể hậu kiểm. Liệu có cần xem lại vai trò kiểm duyệt đầu vào đối với các nhà phát hành?

+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải cam kết bằng văn bản về nội dung phim không vi phạm Điều 9 của Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn vì sao một số đơn vị, điển hình như nền tảng Netflix, vẫn cứ vi phạm nhiều lần. Những lần vi phạm của họ, tôi chỉ thấy báo chí đưa tin họ gỡ phim, chứ chưa thấy thông tin họ bị phạt hay chế tài nghiêm. Có lẽ điều này chúng ta cũng cần suy nghĩ, tương tự với các nền tảng khác.

Ở một số quốc gia phương Tây, các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số nói chung phải chịu trách nhiệm lớn đối với việc kiểm duyệt của họ. Nếu họ thiếu trách nhiệm, để lọt các nội dung vi phạm luật pháp của nhà nước sở tại (ví dụ tin giả, kích động, phân biệt chủng tộc, khủng bố, bạo lực, xâm phạm an ninh quốc gia) thì có thể bị chế tài rất nghiêm.

Phát tán đường lưỡi bò là một hành vi có dấu hiệu xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia được quy định tại BLHS 2015. Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT, Cục Điện ảnh VN vừa qua đã có những biện pháp phản ứng đối với Netflix, Công ty CP Truyền thông FPT về một số sai phạm liên quan đến các văn hóa phẩm có đường lưỡi bò. Tuy nhiên, nếu vi phạm nhiều lần thì cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, ví dụ cấm kinh doanh một thời gian. Bên cạnh đó, cần rà soát các biện pháp chế tài hành chính của VN, nếu cần thì bổ sung, sửa đổi để ứng phó có hiệu quả.

. Làm sao để các biện pháp chế tài đạt hiệu quả tốt nhất?

+ Có chế tài rồi nhưng cần áp dụng một cách khôn khéo và thích hợp, đồng thời kiên quyết thì mới có tác dụng, hiệu quả. Như hồi năm 2018, có đoàn khách 40 người TQ nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cam Ranh ngang nhiên mặc áo thun có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Các nhà chức trách cũng bày tỏ sự lúng túng trong xử lý.

Theo tôi, khi 40 người đồng loạt mặc áo có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp thì đó là hành vi cố ý biểu thị một thông điệp chính trị, vi phạm lợi ích quốc gia của VN. Giải pháp là phải buộc những người đó thay áo, nếu không thì không cho họ nhập cảnh. Trong giai đoạn hội nhập, dòng người, dòng văn hóa phẩm “chảy” một cách mạnh mẽ thì chúng ta cũng phải tính toán, chuẩn bị các cách thức để phản ứng thích hợp, khôn khéo nhưng kiên quyết. Càng lúng túng thì hệ lụy sẽ càng lớn.

. Xin cảm ơn ông.•

Sẽ thưởng cho người phát hiện sự trà trộn của đường lưỡi bò phi pháp

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết theo Luật Điện ảnh 2022, việc phát hành phim trên các nền tảng mạng xã hội, không gian mạng nói chung được thực hiện theo hình thức hậu kiểm, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Cục Điện ảnh cũng đang xây dựng quy chế khen thưởng, khích lệ người dân phát hiện, thông tin nhanh, chính xác cho các cơ quan quản lý về vi phạm đường lưỡi bò phi pháp hay các thông tin sai lệch khác xâm phạm chủ quyền của VN trên các bộ phim được chiếu ở các nền tảng số, không gian mạng. Phần thưởng gồm tiền và giấy chứng nhận.

Đọc thêm