Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 3: 'Bài toán' cơ chế và phẩm chất

Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 3: 'Bài toán' cơ chế và phẩm chất

(PLO)- Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt trong hơn 10 năm qua nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, đều xác định rằng: Việc kiểm soát đạo đức, sự tham lam của con người là không hề dễ dàng, trong khi đó việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng còn nhiều hạn chế đòi hỏi nhiều giải pháp quan trọng để giải quyết.

Công cụ trị tham nhũng phải đủ mạnh

. Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Hữu Nguyên, ông nhận xét như thế nào về diễn biến của nạn tham nhũng trong hơn 10 năm qua?

+ TS Nguyễn Hữu Nguyên: Hơn 10 năm trước, tôi có tham gia vào đề tài nghiên cứu về phòng, chống các mối quan hệ không bình thường giữa một số đảng viên, cán bộ có chức, có quyền với doanh nghiệp (DN), trong đó có thảo luận rất nhiều về việc nhận diện các mối quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm.

Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 3: 'Bài toán' cơ chế và phẩm chất

Nhìn lại hơn một thập niên qua, đặc biệt là với các đại án gần đây, nếu chỉ xét ở góc độ hiện tượng, tôi thấy số lượng, mức độ, quy mô của vấn đề tham nhũng dường như tăng lên so với trước, thậm chí có những vụ án tham nhũng lớn mà thế giới cũng biết. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn vào bản chất thì không khó lý giải vì quy mô nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây nên lợi ích cũng lớn và tham nhũng cũng vì vậy mở rộng quy mô hơn.

Tôi nghĩ việc các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vụ đại án là tín hiệu mừng hơn là lo, tức là chúng ta đã có đủ công cụ, nguồn lực để có thể nhận biết nhanh hơn, chính xác hơn các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hơn nữa, nếu trước đây chúng ta chống tham nhũng chủ yếu ở khu vực công thì giờ được mở rộng ra tư nhân; chống tham nhũng trước đây phần nhiều ở cán bộ địa phương thì giờ không có vùng cấm, xử lý cả cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý và đặc biệt là không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” nữa, mà đã làm sai thì có nghỉ hưu rồi cũng có thể bị xử lý theo pháp luật.

Bắt nhiều cán bộ tham nhũng, đừng hoang mang!

Thời gian qua, trong dư luận có một số ý kiến cho rằng “ngã ngựa” nhiều quá, bắt bớ nhiều quá khiến nhiều cán bộ, công chức hoang mang, không dám làm, sợ trách nhiệm. Tôi đặt lại vấn đề: Ai hoang mang? Nếu anh chân chính, không tư túi thì tại sao lại hoang mang? Tôi cho rằng khi các cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ tham nhũng, trong đó có những người giữ chức vụ cao thì đó sẽ tạo ra cơ hội cho những người chân chính có cơ hội làm việc tốt hơn.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN,
Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM

. Thưa TS Vũ Trung Kiên, có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra khi nhắc đến tham nhũng trong quan hệ giữa quan chức và DN, theo ông, đâu là vấn đề mang tính chi phối lớn nhất?

+ TS Vũ Trung Kiên: Đúng là Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đã nhận thức, xác định ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực nên đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, cơ chế, chính sách đồng bộ với những giải pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong số các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì vấn đề được quan tâm lớn là chống nạn “thân hữu” và “lợi ích nhóm”.

Vì sao như vậy? Theo dõi các vụ án lớn vừa qua, không khó để nhận ra rằng đa phần trong số đó có sự câu kết “trong ngoài”, tức là giữa cán bộ trong bộ máy công quyền, trong hệ thống chính trị với các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài để trục lợi gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Có thể nói nguyên nhân đầu tiên là “lòng tham”.

Hai là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền đã thiếu tu dưỡng và rèn luyện, thậm chí là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng ta đều biết rằng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước dù nghiêm minh đến đâu cũng chỉ để răn đe, trừng phạt cái sai. Đã là đảng viên, cán bộ thì mỗi người còn phải có ý thức, có năng lực phân biệt đúng sai, tốt xấu, thiện ác để từ đó kiểm soát lòng tham.

Ảnh 2_Bài chính.jpg
Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (trái) và cựu chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh bị xử tội nhân hối lộ trong vụ án kit test Việt Á. Ảnh: TTXVN

Thứ ba, theo tôi, là do pháp luật trước đây vẫn chưa đủ nghiêm minh. Gần đây, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đồng bộ, hoàn thiện, nghiêm minh hơn với tinh thần “không còn vùng cấm, không có ngoại lệ dù đó là ai”, cũng không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nên đã góp phần lôi ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là khâu thực thi phải nghiêm minh hơn nữa. Phải hướng tới việc là không cán bộ nào dám nghĩ rằng khi họ làm sai, họ xin nghỉ việc là xong.

Thách thức trong công tác cán bộ

. Việc phòng, chống các mối quan hệ bất chính giữa quan chức và doanh nghiệp gặp những khó khăn, thách thức nào, thưa hai chuyên gia?

+ TS Nguyễn Hữu Nguyên: Đảng viên, cán bộ có chức, có quyền thì cũng là con người, vì vậy trong mỗi cá nhân đều có “hệ số đạo đức” nhưng mức độ cao thấp khác nhau. Khó khăn lớn nhất trong phòng, chống tham nhũng hiện nay là làm sao tạo được một bộ lọc hiệu quả trong công tác cán bộ, không để những cá nhân có hệ số đạo đức thấp, lòng tham cao có thể vào hệ thống, nắm quyền, chi phối. Hiện nay chúng ta lọc cán bộ bằng trí tuệ con người, dù có nhiều quy định chi tiết nhưng hệ số lòng tham không dễ nhìn thấy hết được và diễn biến của lòng tham cũng phức tạp, có thể tăng lên khi được trao quyền cao hơn, lợi ích nhiều hơn.

Thế nên mới có chuyện dở khóc dở cười là khi phát hiện cán bộ không đủ năng lực, đạo đức, trách nhiệm được giới thiệu, bổ nhiệm vào hệ thống chính quyền thì người giới thiệu, bổ nhiệm biện minh “tôi làm hoàn toàn đúng quy trình”. Nếu tôi nấu cơm đúng quy trình nhưng lại chọn gạo kém chất lượng, gạo mốc thì không thể cho cơm ngon được. Khó khăn trong việc chọn lọc cán bộ không chỉ ở Việt Nam gặp, mà các nước trên thế giới đều gặp phải và cần có nhiều biện pháp, kết hợp nhiều góc nhìn khoa học, nhiều công cụ khác nhau để xử lý.

Cái khó thứ hai đó là năng lực thực thi pháp luật của chúng ta. Luật pháp về phòng, chống tham nhũng thì có rất nhiều rồi, tôi nghĩ cũng không thiếu nhưng việc áp dụng luật để giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý những người làm sai, nhũng nhiễu thì vẫn còn nhiều hạn chế. Thậm chí, có người trong quá trình chống tham nhũng cũng tham nhũng hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà nhẹ tay, thiếu sự quyết liệt, không đấu tranh tới cùng.

+ TS Vũ Trung Kiên: Tôi cũng cho rằng việc kiểm soát ý thức, đạo đức của con người không phải là điều dễ dàng, rất khó cân đong, đo đếm chính xác tư tưởng của người ta, bởi trong đầu họ nghĩ gì làm sao người khác biết. Dù sao thì các cơ quan chủ quản về công tác cán bộ vẫn phải dựa chủ yếu vào lý lịch, hồ sơ của cán bộ.

Tôi còn nhớ có tài liệu viết rằng xưa cha ông mình đi làm quan phải nằm lòng câu nói “Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan”, có nghĩa là “Đi qua ruộng dưa thì không được cúi xuống sửa giày, đi dưới cây mận thì không được giơ tay lên chỉnh sửa mũ”. Vì sao vậy, vì dưa bò dưới đất, nếu anh cúi xuống sửa giày người ở đằng xa không biết tưởng anh cúi xuống hái trộm dưa. Cũng vậy, anh giơ tay sửa nón, người ở đằng xa sẽ nghĩ anh hái trộm mận. Người xưa muốn cảnh tỉnh tất cả những người làm quan cần luôn ngay thẳng, ở nơi mà pháp luật không soi chiếu tới thì vẫn còn có đạo đức để điều chỉnh hành vi.

Tôi lấy ví dụ vụ án kit test Việt Á đã khiến rất nhiều cán bộ từ địa phương đến Trung ương lãnh án vì móc ngoặc trong ngoài để đưa nhận hối lộ, tham nhũng. Trước lợi ích mà phía Việt Á đưa ra, rất nhiều người không vượt qua được lòng tham. Tuy nhiên, việc cựu giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự vì có sai nhưng sai vì quy trình đấu thầu để có vật tư y tế cứu chữa bệnh nhân chứ không có động cơ tư túi đã cho chúng ta thấy cũng có những cán bộ họ làm vì lợi ích chung và tuyệt nhiên không để lòng tham lấn át đạo đức, trách nhiệm.

Tôi cũng đồng tình với TS Nguyễn Hữu Nguyên rằng vấn đề thực thi pháp luật trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế. Thực ra, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận ra vấn đề này. Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII và XIII của Đảng đều tập trung vào vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Kể từ năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng được chuyển từ Chính phủ sang trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư trực tiếp làm trưởng ban. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn rằng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ cần phải được thực thi quyết liệt, nghiêm minh hơn nữa.

. Xin cảm ơn các chuyên gia.

Hệ thống pháp luật rõ ràng sẽ hạn chế được nạn “thân hữu”

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2019 đến nay, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức có xu hướng tăng. Trong khi năm 2019-2020, có 54,1% số DN được hỏi thừa nhận vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục cho DN; con số này tăng lên mức 57,43% vào năm 2021 và tăng mạnh lên mức 71,7% vào năm 2022. Năm 2023, chỉ số này chỉ giảm nhẹ, vẫn ở mức gần 70%.

Những chỉ số trên cho thấy tình trạng nhũng nhiễu DN vẫn còn khá phổ biến. Một trong những lý do khiến tình trạng này còn tồn tại đó là công chức, lãnh đạo nắm quyền hành trong tay có thể lợi dụng những kẽ hở hoặc sự chồng chéo về pháp luật để tìm cách trục lợi. Không ít quan điểm thừa nhận rằng khoảng cách từ chính sách, luật pháp đến thực tiễn - trong một số trường hợp - vẫn còn xa. Nhiều chính sách vẫn còn chưa rõ ràng, chồng chéo nhau, thiếu nhất quán, khả thi, hợp lý nên DN xảy ra lúng túng, thậm chí người thực thi pháp luật cũng băn khoăn.

Hay như nhiều trường hợp khi luật được ban hành thì công chức, DN vẫn phải chờ ra nghị định, thông tư để biết cách thực hiện. Cơ quan này muốn ra hướng dẫn nhiều khi cũng phải chờ bộ, ngành khác trao đổi, thống nhất, có khi phải hỏi ý kiến, xin chỉ đạo lòng vòng nhiều nơi. Cùng một vấn đề nhưng nhiều cơ quan cùng lúc chịu trách nhiệm và nắm quyền, trong khi phân vai, phân trách nhiệm, chế tài vẫn còn chưa thật sự rõ ràng.

Dù Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tìm cách gỡ rối cho nhiều quy định pháp luật nhưng thực tế nói trên vẫn còn nhiều, vô tình tạo ra những “cơ hội” cho các công chức lẫn DN có thể “bắt tay” tìm kiếm lợi ích.

Đọc thêm