Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 2: Vỏ bọc của những khoản tiền bất chính

Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 2: Vỏ bọc của những khoản tiền bất chính

(PLO)- Không ít hình thức câu kết, đưa - nhận hối lộ giữa quan chức và doanh nghiệp khiến dư luận ngỡ ngàng, bởi ngay cả các chuyên gia gạo cội nghiên cứu về tham nhũng cũng phải thốt lên: “Tinh vi đến thế là cùng!”.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng SCB) bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB). Nhiều người khá bất ngờ khi bà Nhàn thản nhiên cho rằng: “Khi mối quan hệ tốt lên, việc Văn hay tặng quà cho bị cáo là lẽ bình thường của cuộc đời. Chẳng hạn như việc Văn tặng bị cáo hồ lô thì bị cáo tặng lại Văn phật thủ”.

Tương tự, trong vụ án chuyến bay giải cứu, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cũng nhận hối lộ của các doanh nghiệp (DN) nhưng trước tòa, bị cáo cho biết lúc nhận tiền chỉ nghĩ là “tiền cảm ơn của DN sau khi giúp đỡ họ làm xong công việc”.

Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 2: Vỏ bọc của những khoản tiền bất chính

“Thân hữu” với quy mô chưa từng có

“Quà tặng”, “tiền cảm ơn”, “hoa hồng” là những mỹ từ mà các bị cáo đưa - nhận hối lộ thường dùng để “nói giảm, nói tránh”, vòng vo, chối tội của mình, mà thực chất đằng sau đó là những mối quan hệ phức tạp, lợi ích chồng chéo cùng với vô số cách đưa - nhận tiền, tài sản hối lộ rất kín đáo, tinh vi.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 mà Việt Nam (VN) là thành viên xác định rõ một số hình thức hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi… có thể xảy ra giữa cán bộ, công chức với người khác. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của VN đã xác định rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Nhìn lại các vụ án tham nhũng, hối lộ sẽ thấy đã tồn tại nhiều hình thức quan hệ bất chính, “thân hữu” giữa một số quan chức và doanh nghiệp từ phạm vi địa phương đến trung ương. Ví dụ, quan hệ “bảo kê” cho các hoạt động phi pháp của DN như bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD để che giấu sai phạm tại Ngân hàng SCB.

Việc điều tra, phát hiện, xử lý các mối quan hệ bất chính giữa một số quan chức và doanh nghiệp là không hề dễ dàng bởi hoạt động đưa - nhận tiền, tài sản hối lộ thường kín đáo, lòng vòng dưới nhiều vỏ bọc.

Hoặc khi nói đến mối quan hệ “nhóm thân hữu” thì có thể nhớ đến ngay vụ án Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ hơn 43 tỉ đồng cho một số quan chức tỉnh Đồng Nai để được tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu; bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 25 tỉ đồng để tạo điều kiện cho các DN trong việc xin cấp phép chuyến bay.

Việc hối lộ dưới hình thức gửi “hoa hồng” cũng khá phổ biến. Điển hình trong vụ kit test Việt Á, bị cáo Phan Quốc Việt không ngại chi tiền “hoa hồng” rất cao, cùng với các khoản tiền khác để được tạo điều kiện bán kit test, thu về lãi khủng.

Hay trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, theo kết luận điều tra, sau khi DN được cấp phép, bà Mai Thị Hồng Hạnh (chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) đã mời ăn tối tại nhà và “tặng” đồng hồ Patek Philippe cho ông Nguyễn Lộc An (cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), sau đó ông An khai đã bán đồng hồ này với giá 23.000 USD. Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ (cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) được bà Hạnh “tặng” đồng hồ Patek Philippe trị giá 421.000 USD; ô tô Mercedes S450 Luxury trị giá 6,7 tỉ đồng; bộ gậy golf Honma trị giá 1,1 tỉ đồng và hơn 1 triệu USD tiền mặt. Đó là chưa kể các dịp khác, bà Hạnh “tặng” ông Thọ ba đồng hồ Patek Philippe với tổng giá trị hơn 355.000 USD.

Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Thời gian tới, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ... Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Về đối tượng và định hướng, sẽ tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là từ những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi tham nhũng vặt bằng nhiều giải pháp cụ thể; mở rộng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước, góp phần làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào đầu tháng 8-2024)

Tìm đủ cách xóa dấu vết, tạo vỏ bọc giấu tội

Việc điều tra, phát hiện, xử lý các mối quan hệ bất chính giữa một số quan chức và doanh nghiệp là không hề dễ dàng bởi hoạt động đưa - nhận tiền, tài sản hối lộ thường kín đáo, lòng vòng dưới nhiều vỏ bọc. Thế nhưng bằng nhiều biện pháp, trong hơn 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tiến hành tố tụng đối với nhiều vụ án liên quan đến các quan chức từ địa phương đến diện trung ương quản lý.

Nổi cộm nhất từ năm 2023 đến nay là các đại án Vạn Thịnh Phát, Công ty kit test Việt Á, Công ty AIC, vụ án chuyến bay giải cứu, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, vụ án Cục Đăng kiểm VN… Trước đó, có thể nhắc đến các vụ án khác như vụ án Công ty Nhật Cường; vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”); vụ án bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tại cảnh sát biển và biên phòng; vụ án tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Chính vì hoạt động đưa - nhận hối lộ rất tinh vi, khó chứng minh nên các cơ quan chức năng phải dùng nhiều biện pháp điều tra, tố tụng khác nhau, từ trích xuất camera, ghi âm, điều tra nguồn tiền và dòng tiền… mới có thể làm rõ quan hệ giữa các bị cáo, đưa những giao dịch “đi đêm” ra ánh sáng.

Như vụ án chuyến bay giải cứu, tòa phải tổ chức đối chất ba bên để làm rõ trong valy bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận chứa tiền “chạy án” hay rượu, thậm chí bị cáo Hưng ban đầu còn thách cơ quan chức năng chứng minh mình nhận tiền. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, đối tượng hối lộ đã chất hàng triệu USD vào thùng xốp để chuyển đến nhà bà Đỗ Thị Nhàn, trong khi bị cáo này trước tòa nói “không biết bên trong có tiền”.

Đáng chú ý là vụ Công ty kit test Việt Á, bị cáo Phan Quốc Việt chỉ đạo chuyển tiền một cách lòng vòng, qua nhiều tài khoản để xóa dấu vết, tránh bị phát hiện. Cụ thể, tiền từ tài khoản chính Công ty Việt Á được chuyển sang tài khoản phụ, rồi sang người nhà của Việt, tiếp tục chuyển cho nhân viên công ty trước khi được rút ra thành tiền mặt để đưa hối lộ.

Tinh vi không kém, trong vụ án bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tại cảnh sát biển và biên phòng, người đưa hối lộ còn làm thẻ ATM, giao cả thẻ ATM lẫn mật khẩu cho người nhận; đồng thời, người hối lộ nhờ người thân của mình chuyển tiền cho người thân của phía nhận hối lộ để tạo ra “quan hệ riêng biệt”.

Một số chuyên gia lưu ý thêm ở một số nước có tình trạng DN “kết thân” với cán bộ, lãnh đạo bằng cách tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, thậm chí là thiện nguyện như đóng góp quỹ, ủng hộ, giúp đỡ công trình công cộng hoặc tham gia nhiều vào một số hoạt động, phong trào kinh tế - xã hội do quan chức địa phương phát động. Phía ngược lại, có những quan chức mong nhờ vào sự giúp đỡ của DN để “ghi điểm” tại địa phương, vận động hành lang hoặc có nguồn lực để tìm cách cạnh tranh quyền lực, khi thăng tiến rồi quay lại giúp đỡ DN. Quan hệ “thân hữu” kiểu này rất tinh vi và phức tạp, khó phát hiện.•

Ảnh-2_Infographic.jpg

Bị phát hiện thì “cãi ghê lắm” nhưng…

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã thụ lý điều tra 14 vụ án/69 bị can, trong đó có tám vụ án/33 bị can được chuyển sang từ kỳ trước và khởi tố mới sáu vụ án/36 bị can. Hiện Bộ Công an điều tra 13 vụ án/67 bị can.

Một lần tiếp xúc cử tri tại Hà Nội vào năm 2019, đề cập đến một số quan chức cấp cao bị Trung ương kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Lúc đầu cũng cãi ghê lắm, có nhận lỗi đâu. Nhưng đây mới là xử lý kỷ luật trong Đảng, còn hành chính, hình sự vẫn tiếp tục làm”.

Thực tế khi mổ xẻ mối quan hệ bất chính giữa quan chức và doanh nghiệp, nhất là các vụ vừa qua, có thể thấy dù tính chất câu kết phức tạp, hình thức đưa - nhận hối lộ tinh vi đến mấy thì “cây kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra”. Thứ nhất, phía DN dù có “chiêu trò” đến mấy đối với số tiền “đút lót”, “bôi trơn”, “lại quả” thì sự bất thường trong những dự án, công việc, lợi ích của họ cũng dễ bộc lộ ra ngoài. Đó là chưa kể các chiêu trò “cân đối” kế toán để qua mắt các cơ quan thanh tra, kiểm tra càng về sau càng không hiệu quả khi nghiệp vụ của các cơ quan chức năng ngày càng cao, nên sự bất thường dù được che giấu tinh vi vẫn bị phát hiện.

Trong khi đó, các quan chức nhận hối lộ cũng không thể “cất giấu” tiền mãi mà không dùng. Nhiều vụ quan chức bị điều tra khi bản thân họ hoặc (và) gia đình, người thân sở hữu tài sản to lớn bất thường với bất động sản, biệt phủ, xe sang, đồng hồ xịn… Đó là chưa kể trong quá trình cán bộ, công chức có quyền lực làm sai, không phải lúc nào mọi người xung quanh (đồng nghiệp, cấp dưới, cấp trên…) cũng đồng tình mà “nhắm mắt làm ngơ” hay đồng ý bắt tay với họ để cùng phạm tội.

Đọc thêm