“Quà” có thể là những gói tiền, thậm chí là thùng tiền hoặc các xa xỉ phẩm như đồng hồ, xe hơi, bất động sản đôi khi được đi lòng vòng qua nhiều đường, nhiều đối tượng để che giấu hành vi đưa, nhận hối lộ.
Từ việc bị cáo quanh co, chối tội, khăng khăng rằng mình chỉ nhận bốn chai rượu vang chứ không phải 450.000 USD trong chiếc cặp số ở vụ án chuyến bay giải cứu; tới việc bị cáo nói không biết trong những chiếc thùng xốp có chứa hàng triệu USD ở vụ án Vạn Thịnh Phát. Đó là chưa kể đến những chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe trị giá hàng chục ngàn USD trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, hay đường đi không thể ngoằn ngoèo hơn của dòng tiền hối lộ trong vụ án kit test Việt Á… Tất cả đều rất tinh vi nhưng đều đã được các cơ quan điều tra “giải mã”, tìm ra chân tướng dù không hề dễ dàng.
Một vấn đề mà một số chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội từng đặt ra là: Làm sao giám sát và xử lý hiệu quả hành vi đưa, nhận hối lộ bằng các hình thức “quà tặng”, “lót tay” tinh vi, phức tạp? Câu hỏi này thực chất đã được nhiều lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đặt ra tại nhiều diễn đàn, điển hình là các hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các đại án xảy ra trong vài năm qua càng khiến việc đi tìm lời giải cho câu hỏi trên trở nên cấp thiết.
BLHS hiện hành có quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323) và tội rửa tiền (Điều 324). Tuy nhiên, muốn chứng minh các tội danh này đều phải chứng minh hành vi phạm tội nguồn. Trong khi đó, nếu quan chức nào đó nhận các xa xỉ phẩm hay các gói tiền mặt triệu USD thì việc giám sát, phát hiện, truy vết thực tế không dễ dàng.
Bên cạnh đó, các đại án đưa, nhận hối lộ (Điều 364, Điều 354 BLHS) hay tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355)… xảy ra thời gian qua cũng cho thấy những khó khăn, thách thức với các cơ quan chức năng trong việc chứng minh nguồn gốc, đường đi của tài sản phạm tội mà có, đặc biệt là khi một số bị cáo là những người am tường pháp luật, tìm nhiều chiêu trò che giấu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử.
Như vậy, nếu các quan chức nhận quà biếu xén là những gói tiền, xa xỉ phẩm, bất động sản… rồi tìm cách tẩu tán, như âm thầm giao dịch, mua bán, chuyển nhượng cho người thân, tiêu xài cá nhân mà không kê khai trung thực (tất nhiên là họ sẽ không làm vậy) thì việc chứng minh họ có tội là con đường gian nan. Nói cách khác, nếu thấy tài sản của công chức có giá trị lớn bất thường nhưng không chứng minh được tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có thì không thể xử lý. Dẫu rằng các cơ quan điều tra, xét xử đã nắm bắt được thách thức này và dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để đưa sự thật của nhiều vụ án đưa, nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra ánh sáng nhưng nỗ lực đáng ghi nhận ấy vẫn chưa trả lời triệt để câu hỏi: Làm sao để quản lý, xử lý được các hành vi nhận quà giá trị lớn đằng sau các mối quan hệ “thân hữu”?
Câu trả lời đã được một số chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý gợi ý: Cần phải có các quy định pháp luật chế tài hành vi làm giàu bất hợp pháp. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng ở Điều 20 quy định về tội làm giàu bất hợp pháp, cụ thể: “Trên cơ sở tuân thủ hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy”.
Việt Nam ký tham gia công ước trên vào năm 2003 và phê chuẩn công ước vào năm 2009, đã tạo được nền tảng quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cho việc chống lại tội làm giàu bất hợp pháp. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ… đã xây dựng các quy định chế tài tội làm giàu bất chính, thậm chí một số nước còn quy định tội danh này đối với người thân của công chức và ở cả khu vực ngoài nhà nước.
Khi các công chức đeo đồng hồ xịn, đi xe sang, ở biệt thự rộng lớn với các dấu hiệu bất thường giữa kê khai tài sản và thực tiễn, có độ “chênh” cao; khi công chức kê khai sở hữu tài sản lớn, cao bất thường so với thu nhập của họ; thậm chí vợ/chồng, các con của quan chức cũng “giàu bất thường” thì họ buộc phải chứng minh nguồn gốc tài sản.
Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp sẽ góp phần thu hẹp những hạn chế của pháp luật hiện hành, giảm cơ hội để các quan chức, doanh nghiệp hợp thức hóa chuyện “thân hữu” dưới danh nghĩa quà tặng, tài trợ, cám ơn, hoa hồng… Với diễn biến tích cực của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua và sắp tới, việc luật hóa quy định xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp sẽ rất quan trọng và cần thiết.