Xem clip người mẹ đánh đập tàn nhẫn con mình ở Vĩnh Long, trái tim của bất kỳ bậc làm cha mẹ nào cũng đều quặn thắt. Càng đau hơn khi thấy khoảnh khắc cháu bé tìm kiếm sự chở che của những người xung quanh nhưng tất cả lại thờ ơ, bỏ mặc. Một sự vô cảm đến rợn người!
Thỉnh thoảng, mạng xã hội lại chia sẻ lại bức ảnh, là đứa trẻ ham chơi trễ giờ cơm, mình mẩy còn lấm lem bùn đất cong chân chạy. Phía sau là người mẹ cầm cây roi dí sát nhíp. Bức ảnh không có âm thanh nhưng những người thuộc thế hệ 6x, 7x có thể nghe được cả tiếng rầy la của người mẹ, sự quýnh quáng chạy về vì quên giờ của người con. Nó hàm chứa cả một bầu trời hạnh phúc và ấm áp chứ không hề mang lại cảm giác nặng nề về bạo lực. Vì đó là sự răn dạy - kiểu giáo dục quen thuộc của các cha, mẹ ngày trước.
Ngày nay, quan điểm về giáo dục cũng dần thay đổi và có những tranh luận được đưa ra về việc cha mẹ có quyền được đánh trẻ hay không, răn đe đến mức độ nào, những tổn thương nào trẻ gánh chịu khi đối diện với bạo lực gia đình. Và việc đánh đập (hay cả dùng lời lẽ) gây tổn thương cho trẻ đã được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Thế nhưng vẫn còn những bậc cha mẹ dùng bạo lực và đòn roi với con mình. Như vụ người mẹ đánh con đến tàn nhẫn do con chậm giờ mang vé số thừa về để bà trả lại, vừa xảy ra ở Vĩnh Long mấy hôm trước. Ở đây không có roi mây mà là dây ràng. Ở đây không có dạy bảo mà là trừng trị đến tàn nhẫn. Ở đây không có ấm áp của tình mẫu tử mà là đánh đập đến phẫn nộ.
Cách đây vài năm, cũng là một đứa bé chậm giờ bán vé số và bị mẹ châm lửa đốt. Trong cái cùng quẫn, bí bách vì mất tiền vé số, trong cái cách nghĩ “con tao, tao có quyền đánh” thì sau khi đánh chưa đã, người mẹ đã đốt con, trước mặt rất nhiều người. Và trong cơn đau đớn, đứa bé vẫn lết về phía mẹ van xin.
Đứa bé ở Vĩnh Long không phải là trường hợp đầu tiên. Và chắc chắn hành vi của người mẹ này đối với con gái ruột sẽ bị pháp luật trừng trị tương xứng. Bởi theo quy định thì đây là hành vi “bạo lực gia đình” và có thể đối diện với mức phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021. Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình được quy định cụ thể như sau:
“Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”. Mức phạt này có thể tăng từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu có “sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình”.
Thế nhưng ngoài sự phẫn nộ, yêu cầu xử lý nghiêm khắc người mẹ đầy hung hăng này thì hình ảnh khiến nhiều người đau lòng và lên tiếng là bé gái ấy không phải bị đánh trong phòng riêng hay sân nhà. Bé bị đánh giữa đường và trước sự chứng kiến của nhiều người lớn, cả những người qua đường và những người đang mưu sinh, đứng gần ngay đấy. Bé đã thấy mình nguy hiểm, đã thấy mình không đủ sức để bảo vệ mình khỏi “cơn cuồng nộ” của mẹ nên đã cố chạy đến cầu cứu người khác trong lúc mẹ bé dừng cơn đánh, đạp và đi tìm thêm dây ràng để quất bé. Nhưng người lớn đã bỏ mặc. Người lớn sợ người mẹ hung hăng? Hay người lớn có suy nghĩ rằng “con ai người nấy dạy”, họ không nên can thiệp vào chuyện dạy bảo con của người khác?
Thông thường, chuyện đánh đập con cái là điều mà người ngoài thấy đó, xót đó nhưng ít khi can ngăn, ý kiến. Và chính vì vậy nên mới có những đứa bé bị hành hạ đến chết đi sống lại, hay đứa bé bị mẹ đốt vì không bán hết vé số và hàng loạt vụ việc đau lòng khác.
Có lẽ hành vi thờ ơ của những người xung quanh khi không can ngăn người mẹ đánh con ở Vĩnh Long chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, theo Điều 132 BLHS. Thậm chí hành vi của họ cũng khó có thể xem xét xử phạt hành chính. Song liệu khi xem lại clip, nhìn thấy thái độ thờ ơ, bỏ mặc của chính mình, có ai trong số họ cảm thấy hối hận, xấu hổ, dằn vặt vì cái sự vô cảm, lạnh lùng của mình trước em bé tội nghiệp đang hứng chịu cơn trút giận ngút ngàn của người mẹ kia!?
Đã đến lúc người lớn chúng ta cần thay đổi triệt để cách dạy con và bảo vệ con trẻ, dù đứa trẻ đó là con của ai đi chăng nữa. Chúng ta cần phân định đâu là việc răn dạy thông thường và đâu là hành vi bạo lực, đánh đập trẻ. Chúng ta cần và có trách nhiệm bảo vệ tất cả trẻ em, lên tiếng, can ngăn mọi hành động trái pháp luật xảy ra với trẻ em.
Đừng để những câu chuyện đau lòng hơn nữa xảy ra rồi chúng ta cùng đứng đơn đòi xử lý thích đáng. Lựa chọn tốt hơn và đúng đắn hơn là can ngăn kịp thời và mạnh mẽ. Vì trẻ em không thể tự bảo vệ lấy mình!