Dân hỏi – chính quyền trả lời: Giải đáp nhiều vấn đề về thi hành án dân sự

(PLO)- Hàng loạt các giải pháp liên quan đến tổ chức thi hành án dân sự được các cơ quan triển khai trong thời gian tới nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-11, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP và Sở Thông tin & Truyền thông TP phát sóng chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” định kỳ tháng 11 với chủ đề “Thi hành án dân sự - quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”.

Tại chương trình, cử tri TP trực tiếp đặt câu hỏi cho lãnh đạo TP về các vấn đề quan tâm. Người dân cũng gửi câu hỏi bằng cách bình luận trên livestream của chương trình tại các trang facebook của HĐND TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP, Trung tâm Báo chí TP.

Thi hành án dân sự.jpeg
Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” định kỳ với chủ đề “Thi hành án dân sự - quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”. Ảnh chụp màn hình.

Giải pháp tăng tỉ lệ thi hành án dân sự

Bà Phạm Quỳnh Anh, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, chủ trì chương trình cho biết từ thực tiễn của ngành thi hành án TP, Thường trực HĐND TP đã lựa chọn chủ đề trên để các cử tri TP cùng trao đổi, với mong muốn qua chương trình TP sẽ có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc triển khai công tác thi hành án dân sự trên địa bàn TP.

IMG_9168.jpeg
Bà Phạm Quỳnh Anh, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM. Ảnh chụp màn hình.

Trong chương trình, ông Nguyễn Thanh Bình, cử tri quận Tân Bình đã đặt ra hai nội dung tập trung vào vấn đề giải pháp tăng tỉ lệ thi hành án dân sự cũng như vai trò phối hợp của các cơ quan trong hỗ trợ đối với cơ quan thi hành án dân sự, trong đó có vai trò của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TP.

Trả lời một trong hai nội dung trên, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP cho biết Cục Thi hành án dân sự TP đang trong bối cảnh khó khăn nhưng bằng sự nổ lực, phấn đấu, quyết tâm, trách nhiệm toàn thể công chức, người lao động của ngành thi hành án dân sự TP trong những năm qua, ngành thi hành án dân sự TP luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chỉ tiêu được giao.

Trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự TP đã đề ra một số giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất, chủ động thường xuyên quán triệt triển khai đầy đủ các chỉ đạo Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Thành uỷ, UBND TP liên quan đến công tác thi hành án dân sự; Thứ hai, chủ động tăng cường công tác phối hợp các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự, nhất là công tác xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, xác minh tính chất pháp lý của tài sản thi hành án;

Thứ ba, tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính nâng cao trách nhiệm công vụ, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, thực hiện nghiêm chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về phòng chống tham nhũng tiêu cực trong thi hành án dân sự giai đoạn 2023-2026; Thứ tư, tăng cường nâng cao vai trò của người đứng đầu; Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho đội ngũ việc làm công tác thi hành án;

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong hoạt động thi hành án dân sự: Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự một cách sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng…

IMG_9169.jpeg
Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành dân sự TP. Ảnh chụp màn hình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP cũng cho biết với chức năng là cơ quan tham mưu UBND TP, trong công tác phối hợp xác minh về tài sản thi hành án, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan, tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản để phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, nhất là trong phối hợp về xác minh tài sản của bên thi hành án; Chú trọng tăng cường công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế cũng như công tác chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn TP.

IMG_9170.jpeg
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Ảnh chụp màn hình.

“Tại Sở Tư pháp cũng có đơn vị sự nghiệp là Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng có chức năng cung cấp thông tin về ngăn chặn, giải toả ngăn chặn, lịch sử giao dịch của tài sản trong dữ liệu công chứng điện tử theo yêu cầu của các cơ quan tổ chức, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự các cấp. Cho nên chúng tôi đã cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan thi hành án trong việc xác minh, xác định thi hành án” - bà Hạnh nói.

Bản án tuyên không rõ, làm sao để không bị kéo dài

Bà Phạm Thị Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cũng đặt câu hỏi đối với bản án tuyên không rõ, đơn vị thi hành án có giải pháp nào phối hợp với toà án để tổ chức thi hành án không bị kéo dài.

IMG_9173.jpeg
Bà Phạm Thị Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM. Ảnh chụp màn hình.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP cho biết, trong quá trình thi hành án, qua công tác xác minh phát hiện nhiều bản án tuyên không rõ, ví dụ diện tích phải giao của bản án tuyên so với diện tích thực tế có sự chênh lệch, trong trường hợp này bắt buộc phải có yêu cầu Toà giải thích. Văn bản giải thích của Toà là căn cứ để tổ chức thi hành án tiếp theo. Tuy nhiên, văn bản trả lời của Toà tương đối chậm, ảnh hưởng quá trình thi hành án.

Giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Thi hành dân sự TP thường xuyên chỉ đạo yêu cầu chấp hành viên chủ động liên hệ trao đổi trực tiếp với thẩm phán giải quyết vụ việc sớm có văn bản giải thích những bản án tuyên không rõ để làm căn cứ cho việc thi hành án; Định kỳ hằng tháng, đột xuất khi cần thiết liên ngành thi hành án Toà án, VKS TP họp để tháo gỡ những vụ án khó khăn vướng mắc.

Đề nghị lãnh đạo Toà án TP thường xuyên kiểm tra, rà soát, chỉ đạo thẩm phán xem xét sớm có văn bản giải thích trong thời hạn luật định, trường hợp chậm trả lời không có lý do chính đáng có thể xem xét đánh giá thi đua xếp loại công chức hằng tháng, quý, năm; Tổng hợp các bản tuyên không rõ để rút kinh nghiệm chung.

Bổ sung nội dung trên, ông Ngô Thanh Nhàn, Phó Chánh toà Kinh tế TAND TP cũng cho biết theo quy định tại Điều 179 Luật Thi hành án dân sự, Toà án sẽ có văn bản giải thích những nội dung mà bản án quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự, trường hợp vụ việc phức tạp không quá 30 ngày.

IMG_9174.jpeg
Ông Ngô Thanh Nhàn, Phó Chánh toà Kinh tế TAND TP. Ảnh chụp màn hình.

“Về giải pháp, đề nghị của Cục Thi hành dân sự TP, tôi xin được tiếp thu và đề nghị Cục Thi hành dân sự TP có văn bản gửi cho Toà án chính thức để có cơ sở phối hợp thực hiện” - ông Nhàn nói.

Nổ lực giải quyết các vụ việc cho cử tri

Trong chương trình, cử tri của các quận huyện cũng đã gửi những vụ việc cụ thể xảy ra trong thời gian dài nhưng vướng phải một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Điển hình như vụ mua đất của thi hành án ở Củ Chi nhưng suốt nhiều năm không có sổ, tài sản thi hành án được giao nhưng không thể sử dụng; Vụ cử tri đại diện đấu giá mua tài sản ở quận 3, đã ký hợp đồng mua bán tài sản với Chi Cục thi hành án quận 3 và thực hiện các thủ tục sang tên nhưng đến nay vẫn chưa được cấp… Những vụ việc này đã được các đơn vị thi hành án giải thích rõ trong chương trình.

Bà Phạm Quỳnh Anh, Uỷ viên thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, chủ trì chương trình cũng cho biết sau khảo sát của HĐND TP, ghi nhận các vụ việc, chuyển đến các cơ quan, trong đó có những vụ việc kéo dài khá lâu nhưng đã được các cơ quan đơn vị khẩn trương chủ động phối hợp giải quyết cho cử tri. HĐND TP cũng ghi nhận sự nổ lực của các đơn vị và hy vọng trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa trong trách nhiệm phối hợp của mình, giải quyết các vấn đề, nội dung kiến nghị cử tri được chuyển đến cơ quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm