Ngày 22-10, UBND TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn "Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành" trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Hội nghị nhằm thông tin đến cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn TP Thủ Đức những quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án dân sự (THADS); hệ thống tổ chức THADS và chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động THADS.
Gần 900 người đã tham dự hội nghị, trong đó có đại diện lãnh đạo UBND TP Thủ Đức và TAND, VKSND, Chi Cục THADS TP Thủ Đức cùng Công an 34 phường, trưởng các khu phố thuộc TP Thủ Đức và các cơ quan, ban ngành liên quan.
Tại hội nghị, Ths Hồ Quân Chính- Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh THADS tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp (báo cáo viên) đã giới thiệu, phổ biến những quy định của Luật THADS, các văn bản pháp luật có liên quan. Phổ biến vai trò, trách nhiệm của cơ sở như UBND phường, công an phường, trưởng khu phố trong hoạt động THADS trên địa bàn TP Thủ Đức.
Cũng tại hội nghị, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Thủ Đức Nguyễn Thị Thu (báo cáo viên) cho biết, Chi cục là đơn vị có lượng án thụ lý việc nhiều nhất cả nước với tổng số vụ việc thi hành án hàng năm khoảng 12.000 việc (500-600 việc/Chấp hành viên).
Từ những ngày đầu thành lập, Chi cục THADS TP Thủ Đức luôn nhận được sự quan tâm từ Bộ tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS TP.HCM và Thành ủy, UBND TP Thủ Đức, cơ quan công an, cán bộ tư pháp, địa chính… Vì vậy, trong 4 năm qua, Chi cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn vượt 2 chỉ tiêu thi hành án về việc và tiền.
Theo bà Thu, việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các ban ngành, đơn vị tại TP Thủ Đức trong việc THADS trên địa bàn là rất quan trọng và giúp Chi cục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, chính quyền cấp cơ sở là đơn vị gần dân, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, tạo ra sự gần gũi, thấu hiểu để đương sự có sự hợp tác thuận lợi, hiệu quả trong công tác THADS. Có những vụ việc khiếu kiện kéo dài, phải cưỡng chế huy động lực lượng nhưng nhờ sự vận động, thuyết phục của chính quyền cấp cơ sở, đương sự đã tìm được tiếng nói chung và tự nguyện thi hành án.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Thủ Đức, đơn vị luôn áp dụng Khoản 1 điều 6 Luật THADS về việc thỏa thuận thi hành án dân sự; quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự tại Khoản 2 Điều 5 BLTTDS và Khoản 1 điều 9 luật THADS nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.
"Việc tự nguyện thi hành án sẽ dẫn đến nhiều kết quả tích cực như rút ngắn thời gian thi hành án; tạo hòa khí, thân ái, gần gũi giữa người có nghĩa vụ và người có quyền; giảm các chi phí thi hành án phát sinh, đạt kết quả thi hành án cao" - bà Thu nói.
Chi cục THADS TP Thủ Đức luôn lắng nghe mong muốn tự nguyện thi hành án và chấp nhận sự thỏa thuận của các bên theo đúng quy định; thi hành dứt điểm và hạn chế việc cưỡng chế thi hành án, giảm chi phí. Từ đó, thực hiện thông điệp tự nguyện thi hành án là bài ca thi hành án đẹp nhất, giúp Chi cục hoàn thành tốt công việc được giao.