Thi hành án dân sự chủ động tìm hiểu tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát

(PLO)- Chủ động tìm hiểu tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát là một nhiệm vụ của thi hành án dân sự năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ ngành thi hành án dân sự (THADS) năm 2024 diễn ra hôm nay, 1-12 tại Hà Nội, những thành tựu và vấn đề còn tồn tại của của mảng công tác khó khăn này đã được thẳng thắn nhìn nhận.

Vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp, trong năm 2023, toàn ngành THADS phải thi hành trên 922.300 việc, trong đó số có điều kiện thi hành án trên 690.000 việc. Đến nay, toàn hệ thống đã thi hành xong gần 575.000 việc, đạt tỉ lệ trên 83%.

Về tiền, tổng số phải thi hành trên 388.500 tỷ đồng và đã thi hành xong trên 89.400 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 46,78% - tăng 1,24% so với năm 2022.

Đối với thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, toàn ngành đã thi hành xong 2.264 việc, tương ứng số tiền trên 20.405 tỷ đồng…

Các kết quả trên đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thi hành án dân sự chủ động tìm hiểu tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát
Chủ động nắm bắt, tìm hiểu tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan thi hành án dân sự thời gian tới.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao kết quả công tác THADS 2023, song cũng đề nghị ngành nhìn thẳng vào những mặt còn tồn tại, hạn chế.

Đó là, số việc chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng còn thấp. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số cơ quan thi hành án địa phương còn chưa hiệu quả, nhiều vụ kéo dài.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị bước sang năm 2024, ngay từ ngày đầu năm, toàn hệ thống THADS cần vào cuộc quyết liệt, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội.

Cơ quan THADS các cấp cần mạnh dạn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, công tác thi hành án phải đặc biệt quan tâm cao độ nhiệm vụ thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc mà Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Khắc phục sai phạm trong đấu giá tài sản

Bộ trưởng Tư pháp cũng yêu cầu hệ thống THADS thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán. Nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong hoạt động THADS, đặc biệt là các sai phạm trong hoạt động định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các cơ quan THADS cần đặc biệt quán triệt, thấm nhuần quy định này cũng như các quan điểm chỉ đạo của Đảng để qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng lưu ý ngành THADS phải đặc biệt lưu tâm, chủ động với những vụ án lớn, như vụ Vạn Thịnh Phát – Ngân hàng SCB. Khi đã vào quy trình tố tụng, tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ là đối tượng cần xử lý. Vì vậy, cơ quan THADS các địa phương cần phải chủ động, mường tượng trước các yêu cầu công việc, đặc biệt là nắm bắt xem các khối tài sản liên quan đang nằm ở đâu, hồ sơ, tính pháp lý thế nào. Cần chủ động chuẩn bị để khi có chủ trương xử lý tài sản, vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan THADS liên quan vào cuộc được ngay.

Lượng rất lớn tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát đã bị phong tỏa, kê biên

Cho đến nay, một lượng rất lớn tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát đã được cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên, trong đó phần liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can cơ quan tố tụng đã thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỉ đồng và 15 triệu USD.

Cơ quan tố tụng đã phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ, với tổng số tiền 1.896 tỷ đồng và 8,4 triệu USD.

Đối với tài sản là bất động sản và cổ phần, CQĐT kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan; kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ, 137 triệu cổ phần của năm công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan.

Cơ quan tố tụng còn tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng.

Đối với tài sản là phương tiện, cơ quan điều tra đã kê biên 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên.

Trong giai đoạn điều tra, các bị can và người thân đã nộp tổng cộng 25 tỉ đồng và hơn 5,3 triệu USD để khắc phục hậu quả.

Chính quyền, cấp ủy TP.HCM quan tâm công tác THADS

Hà Nội và TP.HCM là hai địa bàn trọng điểm, có số lượng án kinh tế tham nhũng phức tạp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, các cơ quan THADS đã nỗ lực hành các nhiệm vụ được giao.

Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hoà cho biết, có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; tranh thủ sự phối hợp, sự quan tâm của Thành uỷ, UBND thành phố đã chỉ đạo sở ban ngành; chú trọng công tác kiểm tra, tự kiểm tra…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm