Từng là nhân viên ngân hàng và giờ đang làm cho một công ty luật tại TP.HCM, thỉnh thoảng bạn tôi vẫn hí hửng với những thay đổi ngoạn mục trong chuyện đi công chứng giấy tờ. Trong số các cú hích, nổi bật là việc xã hội hóa hoạt động công chứng.
Đầu tiên là việc xóa địa hạt công chứng. Một thời gian dài anh ấy đã phải hì hục đến nhiều phòng công chứng (PCC) được chỉ định để chứng nhận các hợp đồng thế chấp của khách hàng thuộc nhiều quận, huyện khác nhau. Chẳng hạn, nhà đất ở quận 1, quận 3… thì bắt buộc đến PCC số 1. Nhà đất ở quận 6, quận 8… thì phải đến PCC số 2. Nhà đất ở quận 10, Tân Bình… thì phải đến PCC số 4.
Cho đến cuối tháng 7-2007 thì mới có sự xả cảng. Được cho phép chứng nhận ở bất kỳ PCC nào, anh ấy vô tư đến PCC gần nhất hoặc cũng có thể gom chung hồ sơ để mang đến một PCC ưng ý.
Tiếp nữa là sự ra đời của nhiều văn phòng công chứng (VPCC) được thành lập theo dạng công ty hợp danh (vẫn được nhiều người gọi là công chứng tư để phân biệt với các PCC Nhà nước). Từ tháng 8-2008 đến nay, sự tồn tại tích cực của các VPCC giúp anh ấy có thêm sự lựa chọn. Được các tổ chức hành nghề công chứng cạnh tranh phục vụ tốt nhất có thể mà từ chỗ bám dính các PCC nay điểm đến thường xuyên của anh ấy là nhiều VPCC.
Câu chuyện của bạn tôi cho thấy vì sao quy định xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp tục quan tâm khi góp ý dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.
Luật hiện hành có phần trừu tượng khi quy định “trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC” thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi thành VPCC trình UBND tỉnh xem xét, quyết định (hoặc giải thể nếu không có khả năng chuyển đổi).
Với dự thảo luật sửa đổi lần này, việc chuyển đổi PCC thành VPCC được thực hiện trong trường hợp địa phương đã phát triển được VPCC đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Theo đó, đã có đại biểu đề nghị xem xét việc bỏ PCC do VPCC đã nhiều, đã mạnh nhằm tinh giản bộ máy nhân sự (hiện cả nước có ba PCC do Nhà nước bảo đảm chi hoàn toàn…).
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp từng không đồng ý với ý kiến này. Trong báo cáo tháng 2-2024, bộ này cho rằng khảo sát của Ủy ban Pháp luật và quá trình tổng kết dự án luật cho thấy “thời gian qua PCC phát huy vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác quản lý nhà nước”. Vẫn theo Bộ Tư pháp, dự thảo luật sửa đổi chỉ cho phép thành lập mới PCC tại địa bàn chưa có điều kiện phát triển VPCC.
Tại phiên họp gần đây, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho là việc đẩy mạnh xã hội hóa không có nghĩa là giải thể ngay các PCC. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng để phù hợp với năng lực cung ứng dịch vụ công chứng của từng vùng miền, địa phương.
Cần nói thêm dự thảo Luật Công chứng sửa đổi còn đề ra nhiều quy định mới để người dân ít mất thời gian, công sức khi tham gia giao dịch. Đơn cử là có việc công chứng điện tử, là bỏ phiếu yêu cầu công chứng trong hồ sơ yêu cầu công chứng vì không cần thiết. Việc xuất trình bản chính giấy tờ có thể được thực hiện ngay ở giai đoạn nộp hồ sơ yêu cầu công chứng (chứ không quy định cứng là chỉ được xuất trình trước khi công chứng viên ghi lời chứng như luật hiện hành). Bên cạnh đó, lời chứng của công chứng viên được quy định chi tiết hơn nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng…
Xem ra việc đẩy mạnh xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động công chứng theo hướng cái gì tư nhân làm được thì để họ làm, nói chữ nghĩa chút thì là Chính phủ kiến tạo đường lối, chính sách còn nhân dân là người thực hiện luôn là một quyết định đúng, phù hợp xu thế thời đại. Vậy nên đừng để quá trễ.