Phát triển kinh tế xanh (KTX) không phải là thuật ngữ mới. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã thực hiện chủ trương phát triển KTX từ lâu. Nhưng đối với Việt Nam, KTX mới được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây.
Trong phát triển KTX, nguồn lực tài chính có vai trò quan trọng vì định hướng tài chính có thể giúp gia tăng các dự án hướng tới KTX, giảm bớt các dự án có tác động xấu tới môi trường, tức tác động quan trọng đến đời sống của người dân.
Ở khía cạnh pháp lý, tài chính xanh (TCX) hay còn được gọi là tài chính bền vững còn nhiều điểm cần bàn luận ở Việt Nam.
Hiện nay rất ít doanh nghiệp (DN) biết về những hoạt động được đánh giá là “xanh” nên số lượng DN đầu tư vào KTX chưa nhiều. Thực tế, Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn phân loại xanh. Vì vậy, để giúp phát triển KTX, trong đó thúc đẩy DN đầu tư vào KTX, chúng ta cần sớm có những tiêu chí/tiêu chuẩn về hoạt động được coi là tham gia vào phát triển KTX; càng minh bạch về các chuẩn mực xanh càng thu hút được sự quan tâm về KTX.
Để xây dựng tiêu chuẩn xanh hay phân loại xanh, chúng ta nên học hỏi ở những nền kinh tế phát triển, nhất là kinh nghiệm của châu Âu. Thực tế, châu Âu đã xây dựng được bộ Phân loại xanh để hướng dẫn và thúc đẩy đầu tư vào các dự án xanh. Trong bộ Phân loại xanh này chúng ta có thể biết một hoạt động được coi là xanh (nếu đáp ứng được một trong sáu tiêu chí xanh) như hoạt động có tác động làm giảm biến đổi khí hậu, hoạt động hướng tới phòng và kiểm soát ô nhiễm.
Việc xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn xanh trên cơ sở kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển như thế sẽ giúp DN của chúng ta dễ nhận diện và đầu tư vào hoạt động phục vụ cho phát triển KTX. Việc này cũng giúp cho sản phẩm của chúng ta đạt được chuẩn xanh thích hợp để dễ được tiếp nhận ở nước ngoài.
Cùng với đó, phát triển KTX cần có vốn (để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, con người, công nghệ…). Ở đây, chúng ta cần sớm có chính sách pháp lý về TCX như về tiết kiệm xanh (nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài đề xuất ngày càng nhiều về đầu tư bền vững, nhiều người sẵn sàng dùng tiết kiệm ưu tiên cho KTX để trở thành một trong những nhân tố cho phát triển KTX), về trái phiếu xanh (đã manh nha tồn tại) hay cổ phiếu xanh để thực hiện các dự án xanh, bảo vệ môi trường. Chúng ta cần xây dựng được những tiêu chí cụ thể để đảm bảo rằng nguồn vốn được sử dụng phù hợp và nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế về chủ đề này như Bộ nguyên tắc về trái phiếu xanh.
Đối với những dự án hướng tới KTX, cần có cơ chế ưu đãi như ưu đãi về điều kiện cấp vốn (điều kiện tiếp cận vốn có thể đơn giản hơn, dễ tiếp cận hơn tài trợ của Nhà nước hay tổ chức nước ngoài), ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về thuế... Sự ưu đãi như vậy là cần thiết để thúc đẩy các dự án xanh và để các nhà đầu tư vào đây an tâm hơn. Thực tế, những dự án xanh như dự án về năng lượng tái tạo hay dự án có tác động tích cực tới môi trường có thể không có nhiều lợi nhuận nhưng tốt cho phát triển bền vững nên cần có sự hỗ trợ/ưu đãi.
Trong tài chính truyền thống, các dự án hướng tới lợi nhuận, ít quan tâm tới môi trường. Tuy nhiên, đối với TCX, chúng ta ưu tiên cho đầu tư có trách nhiệm. Để phát triển KTX, chính sách theo triết lý “củ cà rốt” như nêu trên chưa đủ. Ở đây, chính sách “cây gậy” cũng cần được song hành. Vì vậy, đối với những dự án hay hoạt động không hướng tới KTX và đặc biệt có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cũng cần có biện pháp mạnh ở khía cạnh tài chính như không cấp vốn hay cần có mức phí/thuế cao.
Tất nhiên, ưu đãi về TCX là cần thiết và giám sát việc vận hành của TCX cũng cần thiết không kém. Ở đây, cần có giám sát thực thi các ưu đãi về TCX, sử dụng vốn vào hoạt động phát triển KTX. Ở châu Âu hiện đã hình thành được “nhãn hiệu xanh” cho các hoạt động hay sản phẩm hướng tới KTX. Đây là kinh nghiệm tốt cho chúng ta để hoạt động phát triển KTX có định hướng, được bảo đảm, minh bạch. Ở một số nước như Pháp, các nhà lập pháp đã xây dựng những quy định áp dụng cho các tổ chức tín dụng/ngân hàng để thúc đẩy phát triển KTX và đây cũng là bài học hữu ích cho nước ta.
Ngoài yếu tố thuần túy mang tính tài chính, chúng ta cũng cần xây dựng nguồn nhân lực chuyên sâu về TCX. Muốn TCX trở thành một lĩnh vực tiềm năng thì cần những con người chuyên sâu về TCX và nên có những thiết chế chuyên về TCX như hệ thống tổ chức tín dụng chuyên tâm về TCX (hay ngân hàng xanh), các quỹ đầu tư xanh.
Sự phát triển TCX sẽ kéo theo những tranh chấp về TCX. Do đó, chúng ta cũng cần sẵn sàng cho việc xử lý những tranh chấp xoay quanh TCX, cần có những luật gia chuyên về TCX và có thể xây dựng những thiết chế chuyên xử lý những tranh chấp về TCX như trung tâm hòa giải về TCX.
TCX vận hành trơn tru sẽ phục vụ KTX phát triển. Đó là xu hướng tất yếu để kinh tế đất nước phát triển bền vững, góp phần đắc lực để bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống xanh cho chúng ta hôm nay và mai sau.