Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, tài chính xanh đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn gặp phải nhiều thách thức lớn. Những rào cản chính bao gồm thiếu khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh, sự hạn chế trong đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, nhận thức và năng lực triển khai còn yếu, cũng như sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các bên liên quan.
Trong khuôn khổ Diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chiều nay, đã diễn ra phiên Tài chính xanh - Nguồn lực cho doanh nghiệp bền vững.
Sức hấp dẫn
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, tài chính xanh là cấu phần quan trọng, giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Ngoài ra, tài chính xanh không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi môi trường, mà còn được thực hiện bởi nhiều ngành nghề khác nhau như năng lượng tái tạo, bất động sản, nông nghiệp bền vững, tiêu dùng. Do đó cơ hội tài chính và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
Hiện phát triển tài chính xanh đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon/net-zero và tăng trưởng xanh. Điều này có thể thấy qua việc Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật tạo khung pháp lý định hướng phát triển tài chính xanh, như Nghị định 06/2022, Quyết định 01/2022, Thông tư 17/2022, Quyết định 1009/2023,…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Đến 31-3-2024 đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 ngàn tỉ đồng. Chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Việt Nam cũng đã phát hành 1,157 tỉ USD trái phiếu xanh giai đoạn 2019 -2023
Trong các năm gần đây từ giai đoạn 2022-2024, nhiều công ty Việt Nam cũng đã thành công phát hành trái phiếu xanh. Chẳng hạn, năm 2022, Công ty tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh.
Năm 2023, BIDV phát hành thành công 2.500 tỉ đồng trái phiếu xanh theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA). Và vào cuối tháng 11-2024, Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Một thống kê của IFC ước tính các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỉ USD vào năm 2030, tập trung vào lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán ngày càng chú ý đến việc báo cáo phát triển bền vững, nhằm thể hiện cam kết với sự phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt công chúng, khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.
Theo đó, số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng đã tăng từ 12 báo cáo vào năm 2022 lên 33 báo cáo vào năm 2024. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng lập báo cáo phát thải khí nhà kính. Cụ thể, có 66 doanh nghiệp kiểm kê và báo cáo về tổng phát thải khí nhà kính, và 98 doanh nghiệp có nêu thông tin về biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GRI, có công ty áp dụng tiêu chuẩn CDP (phát thải cacbon), tiêu chuẩn kế toán Sustainability Accounting Standards Board (SASB) và hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững Sustainable Development Goals (SDG).
Các báo cáo đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn rõ rệt hơn, chuyển đổi chuỗi cung ứng xanh bằng việc lựa chọn nhà cung cấp, đầu tư đổi mới công nghệ để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, tài chính xanh là một khái niệm ngày càng nhận được sự quan tâm trong bối cảnh toàn cầu, được hiểu là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn lực tài chính nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tài chính xanh bao gồm các công cụ như ngân hàng xanh, trái phiếu xanh, và các sáng kiến bảo hiểm xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các hoạt động thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, tài chính xanh không chỉ là một công cụ giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững, góp phần quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Sự phát triển của tài chính không chỉ giới hạn ở các quốc gia phát triển mà đã lan rộng đến các quốc gia đang phát triển, nơi nhu cầu về các giải pháp tài chính bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.
“Tại Việt Nam, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 đã khẳng định quyết tâm của quốc gia trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững.
Điều này yêu cầu một sự gia tăng đáng kể trong đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, và nông nghiệp bền vững.
Tài chính xanh không chỉ là một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố cốt lõi trong việc đạt được các SDGs bằng cách định hướng dòng vốn tới các dự án thân thiện với môi trường và xã hội” - tiến sĩ Tùng nói.
Những thách thức
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, dù nguồn vốn tài chính xanh được định hình cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản. Đầu tiên, về cơ chế chính sách thì danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, tiêu chí phân loại xanh chưa thống nhất. Cơ chế ưu đãi về thuế phí với các sản phẩm tài chính xanh vẫn chưa hoàn thiện.
Xét về yếu tố vận hành, còn thiếu hụt nhân sự chuyên trách ESG hay chuyên gia ngành đánh giá và thẩm định dự án xanh. Nhận thức của doanh nghiệp hạn chế, chưa chú trọng phát triển bền vững, chưa chú trọng kiểm kê khí nhà kính và công bố thông tin phát thải minh bạch, chính xác.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng nhận định, tài chính xanh đã và đang khẳng định vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu, đồng thời mở ra những cơ hội và thách thức to lớn cho Việt Nam.
Trước cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đối diện với một nhiệm vụ không nhỏ: chuyển đổi dòng vốn từ các lĩnh vực truyền thống sang các dự án bền vững như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, quá trình này đang bị cản trở bởi nhiều rào cản quan trọng. Một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển tài chính xanh tại Việt Nam là sự thiếu hụt khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ.
Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn phân loại xanh (green taxonomy) thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc xác định, đánh giá, và triển khai các dự án xanh. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hơn 50% các tổ chức tài chính gặp trở ngại trong việc phân định rủi ro và tiềm năng của các dự án xanh, chủ yếu do thiếu hướng dẫn chi tiết.
Theo vị chuyên gia Đại học RMIT, tác động của việc thiếu khung pháp lý và tiêu chuẩn phân loại xanh là rất lớn. Đầu tiên, các doanh nghiệp và ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao hơn do không thể xác định chính xác dự án nào thực sự xanh. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả trong phân bổ vốn mà còn tăng nguy cơ xuất hiện các trường hợp "greenwashing" (tẩy xanh), gây mất niềm tin trong hệ sinh thái tài chính xanh.
Ngoài ra vẫn còn thiếu sự đa dạng trong các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm trái phiếu xanh, tín dụng xanh, và các công cụ tài chính bền vững khác. Dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế giai đoạn 2017-2022. Điều này cho thấy thị trường tài chính xanh của Việt Nam vẫn còn non trẻ và chưa đáp ứng được nhu cầu vốn khổng lồ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một số sáng kiến đã được triển khai, như việc TP.HCM phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án, nhưng quy mô này vẫn nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý chất thải
“Hiện nhiều tổ chức tài chính ngần ngại tham gia vào thị trường tài chính xanh do thiếu nhân lực và kỹ năng, trong khi các doanh nghiệp lại thiếu động lực để cải thiện năng lực quản lý và tích hợp ESG. Điều này làm chậm tiến độ phát triển tài chính xanh tại Việt Nam và gây ra sự phụ thuộc vào vốn truyền thống, với chi phí cao hơn và ít tính bền vững.
Văn hóa lợi nhuận ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng là một rào cản quan trọng, khi nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên các dự án mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn thay vì đầu tư dài hạn vào các dự án xanh. Điều này xuất phát từ việc các khoản đầu tư xanh thường có thời gian hoàn vốn dài và tỉ lệ sinh lời thấp hơn, làm giảm sự hấp dẫn của chúng đối với các ngân hàng” - tiến sĩ Tùng nhìn nhận.
Tháo gỡ các nút thắt khơi thông tài chính xanh
Bà Nguyễn Thị Việt Hà khuyến nghị, để vượt qua các rào cản và khơi thông nguồn tài chính xanh thì Nhà nước sớm hoàn thiện khung chính sách và có chính sách thúc đẩy tài chính bền vững. Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin và thực hành ESG, chuyển đổi xanh, công bố thông tin bằng tiếng Anh. Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nhận thức/đánh giá rủi ro ESG.
“Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đánh giá báo cáo ESG của bên thứ 3 độc lập, tăng tính tin cậy cho báo cáo, tránh tình trạng rửa xanh. Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư như phát triển nhà đầu tư tổ chức, đầu tư có trách nhiệm hướng đến bảo vệ môi trường, xã hội” - bà Nguyễn Thị Việt Hà nói.
Theo bà Hà, HOSE sẽ cải tiến quy tắc lựa chọn cổ phiếu vào rổ chỉ số PTBV để các tiêu chí đánh giá xanh, bền vững bám sát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành chỉ số được các quỹ đầu tư lựa chọn khi muốn đầu tư vào các doanh nghiệp xanh. Tăng cường đạo tào, nâng cao nhận thức cho DNNY, khuyến khích DN công bố thông tin và thực hành ESG, chuyển đổi xanh, công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Tăng cường quảng bá cho các doanh nghiệp đạt giải cao tại cuộc bình chọn DNNY hàng năm tại Sở, tăng thêm giá trị cho các doanh nghiệp thực hành tốt về quản trị công ty, phát triển bền vững, từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hành, đầu tư vào phát triển bền vững.
Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nhận thức/đánh giá rủi ro ESG. Kiến nghị cơ quan quản lý giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư tổ chức vì đây là nhóm nhà đầu tư có những mục tiêu đầu tư rõ ràng và định hướng về đầu tư có trách nhiệm hướng đến bảo vệ môi trường, xã hội, từ đó, tạo động cho các doanh nghiệp hoạt động xanh, sạch, đầu tư vào PTBV.
Kiến nghị các cơ quan quản lý có chế tài mạnh đối với các DNNY không tuân thủ các quy định về quản trị công ty, phát triển bền vững để tăng cường tính tuân thủ
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng cũng cho rằng, để giải quyết các thách thức của tài chính xanh tại Việt Nam, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần khẩn trương thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn phân loại xanh lấy kinh nghiệm từ các thông lệ quốc tế, như EU Taxonomy, nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả năng ứng dụng thực tế.
Bộ tiêu chuẩn này phải bao quát không chỉ năng lượng tái tạo mà còn cả nông nghiệp bền vững, giao thông xanh và quản lý tài nguyên nước, những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và môi trường Việt Nam.
Việc thành lập một Hội đồng Tài chính xanh Quốc gia với vai trò điều phối và giám sát các chương trình tài chính xanh là rất cần thiết. Hội đồng này có thể tạo ra nền tảng đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính để giải quyết các vướng mắc trong thực thi chính sách.
Việt Nam cần tăng cường khả năng huy động vốn quốc tế để tài trợ cho các dự án xanh quy mô lớn. Việc tiếp cận các quỹ toàn cầu như Quỹ Khí hậu xanh hiện vẫn còn hạn chế do thiếu minh bạch và chưa có danh mục dự án đạt chuẩn quốc tế. Chính phủ cần tập trung xây dựng các dự án mẫu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời sử dụng công nghệ như blockchain để theo dõi và minh bạch hóa dòng vốn.
Tài chính xanh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh
Tài chính xanh không chỉ là một giải pháp ngắn hạn để thực hiện các cam kết quốc tế mà còn là động lực chiến lược để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, cần đi đầu trong việc thực hiện các chính sách tài chính xanh để trở thành hình mẫu quốc gia.
Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, nhằm đảm bảo rằng các chính sách và giải pháp đưa ra không chỉ mang tính chiến lược mà còn khả thi trong thực tiễn.
Nhìn về tương lai, tài chính xanh có tiềm năng không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề xuất sẽ giúp xây dựng một hệ thống tài chính xanh mạnh mẽ, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sống, và đặt nền tảng cho một nền kinh tế xanh bền vững trong dài hạn.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam
Chỉ số VNSI giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư
Năm 2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cùng với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ra mắt Chỉ số VNSI (Chỉ số phát triển bền vững) với mục tiêu khuyến khích và vinh danh những doanh nghiệp niêm yết có cam kết và thực hành về phát triển bền vững.
Chỉ số VNSI còn làm công cụ tham khảo đầu tư dựa trên khía cạnh phát triển bền vững doanh nghiệp.
Các công ty cần đáp ứng các tiêu chí dựa trên những nguyên tắc của OECD về quản trị doanh nghiệp và tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát triển bền vững (GRI) để được đưa vào danh mục này. Hiện chỉ số VNSI có 20 cổ phiếu, và tăng trưởng khá tốt so với thị trường (VNINDEX).