Cùng chung tay hợp lực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

(PLO)- Sự trỗi dậy của ESG trên toàn cầu đã thúc đẩy các nhà quản lý chính sách, các doanh nghiệp, chính quyền có những bước tính toán khẩn trương hơn với kinh tế xanh để theo đuổi kịp chặng đường Net Zero trong năm 2050.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với người tiêu dùng tại hai thành phố lớn gồm Hà Nội và TP.HCM cho thấy, có tới 95% có ý thức về bảo vệ môi trường, từ sử dụng thực phẩm hữu cơ, thuần tự nhiên cho tới hạn chế sử dụng túi nhựa. Đáng chú ý, có gần 90% ủng hộ những doanh nghiệp đạo đức và có trách nhiệm xã hội.

Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng xanh đang định hình các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

kinh tế xanh
Nhu cầu tăng cao về tiêu dùng xanh đã thúc đẩy kinh tế xanh phát triển. ẢNH: THU HÀ

Sản xuất, tiêu dùng... theo mục tiêu xanh

Tháng 6-2024, ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh là Acecook Việt Nam công bố đã chuyển đổi toàn bộ bao bì ly nhựa của sản phẩm mì ly Modern sang ly giấy, nhưng vẫn giữ nguyên giá bán, bất chấp những chi phí độn lên trong quá trình thay thế này.

Theo đơn vị này, dòng mì ly Modern chiếm hơn 50% sản lượng mì ly của công ty. Với việc chuyển đổi này đã giúp đơn vị tiết kiệm hơn 80% lượng nhựa sử dụng. Ngoài ra, công ty cũng đang thử nghiệm việc ngừng cấp nĩa nhựa cho một số sản phẩm và dự kiến sẽ mở rộng chính sách này cho tất cả các sản phẩm trong tương lai.

Trước Modern, Acecook Việt Nam cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi bao bì cho các dòng sản phẩm khác như mì tô Nhớ, mì ly Caykay, mì ly Zeppin và sắp tới là sản phẩm mì ly Handy Hảo Hảo.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, với tổng sản lượng phục vụ người dùng mỗi năm lên đến hơn 3,4 tỉ sản phẩm, sự thay đổi của ông lớn ngành tiêu dùng nhanh không chỉ góp phần làm giảm đáng kể lượng nhựa sử dụng trong sản xuất mà còn giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Ngoài ra, ông lớn ngành sản xuất tiêu dùng còn tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Với hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại tòa nhà văn phòng và nhà máy tại TP.HCM, hiện nay Acecook Việt Nam có thể sản xuất khoảng 900.000 kWh/năm, tương đương với lượng điện cần thiết để sản xuất 3,6 triệu gói mì Hảo Hảo.

kinh-te-xanh-6.jpg
Hệ thống năng lượng mặt trời của Acecook Việt Nam.

Không chỉ ngành sản xuất, ngành bán lẻ cũng tích cực giảm rác thải nhựa. Đơn cử Saigon Co.op tiên phong sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học, khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi nhiều lần, thay thế các sản phẩm nhựa trên quầy kệ như ống hút, muỗng... bằng các sản phẩm có nguồn gốc thân thiện với môi trường từ bã mía, giấy hoặc gạo...

KINH TẾ XANH
Saigon Co.op thúc đẩy tiêu dùng xanh tại các điểm bán lẻ.

Hay như Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thực hiện các chiến dịch trồng cây xanh tại Bến Tre, Đà Lạt nhằm hướng tới mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu. Cùng đó là các dự án giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ xanh tiết kiệm năng lượng trên toàn hệ sinh thái dịch vụ.

Theo đơn vị này, việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp đơn vị 9 năm liên tiếp nằm trong top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, đánh dấu hành trình tiên phong và nỗ lực không ngừng thực thi các giá trị bền vững.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, hiện tại “xanh hóa” không còn là sự đánh đổi về chi phí mà là tấm khiên bảo vệ sức cạnh tranh và là tấm "hộ chiếu" để bước ra thị trường quốc tế.

Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Diễn đàn TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh

Vào lúc 13h30, ngày 6-12, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức Diễn đàn “TP.HCM – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” với sự tham gia của lãnh đạo bộ, ban ngành, lãnh đạo TP.HCM, chuyên gia, đại diện ngân hàng cùng hàng trăm doanh nghiệp.

Mục tiêu của Diễn đàn là trở thành cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cấp chính quyền trong thực hiện các chính sách, chủ trương về phát triển kinh tế xanh trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Diễn đàn cũng sẽ tạo ra không gian đối thoại, lắng nghe và thảo luận giữa chuyên gia và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi, nâng cao nhận thức cộng đồng, và tháo gỡ các rào cản liên quan đến kinh tế xanh.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường; đại diện Ngân hàng Nhà nước; Lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở, ngành; đại diện một số tỉnh, thành lân cận và quận, huyện tại TP.HCM; đại diện ngân hàng, tổ chức tín dụng, chuyên gia kinh tế, chuyên gia môi trường; Lãnh đạo Hội, Hiệp hội, Doanh nghiệp đầu ngành, tiên phong về kinh tế xanh; Các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh và môi trường...

Diễn đàn này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền TP.HCM trong việc lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, mà còn khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Thông qua sự đồng lòng và hợp tác của tất cả các bên, TP.HCM hướng tới một tương lai hiện đại, bền vững và thịnh vượng.

Diễn đàn “TP.HCM – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” sẽ được tổ chức tại số 202 Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Các ngân hàng cũng nỗ lực xanh hóa dòng vốn

Ngay cả các ngân hàng cũng nỗ lực “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, gắn mục tiêu tăng trưởng xanh vào Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2025, định hướng 2030. Trong 8 năm qua (2017 - 2024), dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực kinh tế xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, năm 2017 mới chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh.

Đơn cử với Agribank, từ năm 2016, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỉ đồng nhằm cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Lãi suất cho vay của gói này thấp hơn từ 0,5% - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sau 7 năm thực hiện, đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỉ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Ngoài ra, Agribank cũng đẩy mạnh dòng vốn ưu đãi cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với giá trị cho vay 15.330 tỉ đồng...

Hay như HD Bank, ngân hàng duy nhất tại Việt Nam nhận giải thưởng Best Green Financing in Vietnam (Tổ chức tài chính xanh tốt nhất Việt Nam) từ The Asian Banker vào tháng 8 vừa qua. Giải thưởng dựa trên bộ tiêu chí về phát triển bền vững.

Trên trang The Asian Banker, ban tổ chức đánh giá cao việc HDBank đã giải ngân hơn 473 triệu USD cho các sáng kiến sản xuất, kinh doanh xanh và 31,5 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cách tiếp cận tài chính xanh thể hiện vai trò của nhà băng trong thúc đẩy phát triển kinh tế có trách nhiệm với môi trường, xã hội.

Xu thế xanh là điều tất yếu

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cũng nhìn nhận, “xanh hóa” không thể chậm trễ nữa. Tuy nhiên, hiện nay xanh hóa tại Việt Nam đang được hiểu theo một cách “đao to búa lớn”, tức phải thay đổi, áp dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi môi trường...

“Điều này với tôi, quá đao to búa lớn, gây tốn nhiều chi phí đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ (SMEs) - bộ phận mà chiếm tới hơn 96% trong tổng cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam. Tôi cho rằng để xanh hóa và tiến tới NET ZERO thì trước mắt phải truyền thông cách làm xanh dễ hiểu nhất” - ông Thịnh nói.

kinh-te-xanh_2.jpg
Cần truyền thông lại cách làm về kinh tế xanh cho SMEs. Ảnh trong bài: Công ty TNHH Natural House phát triển vùng trồng nguyên liệu sạch cho sản phẩm của công ty. ẢNH: THU HÀ

Lý giải rõ hơn, ông Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp SMEs cần phải làm mọi cách để bớt hao tổn nguyên liệu, nhiên liệu trong quá trình sản xuất, khi đó theo lẽ tự nhiên sẽ giảm được lượng khí phát thải ra môi trường.

Cùng đó, các cơ quan nhà nước cần xem xét và đưa ra một hạn mức về xả thải CO2 cụ thể cho từng loại sản phẩm, từng ngành nghề, lĩnh vực. Từ đó, các doanh nghiệp có căn cứ xác định mức độ xanh của đơn vị. Hoạt động này cần thực hiện song song với việc thúc đẩy việc công nhận nhãn xanh sản phẩm.

Đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng nhìn nhận, xanh hóa doanh nghiệp là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa vốn, công nghệ, con người và các yếu tố khác.

"Dù khó nhưng không thể không làm, nếu muốn hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản lý toàn diện để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra trơn tru và hiệu quả. Trong đó, chú trọng yếu tố chất lượng nhân sự, bởi đây là nguồn lực quyết định thành công của quá trình chuyển đổi xanh" - ông Hòa nói.

Còn còn nhiều khó khăn, thách thức

Dù đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vì đây là yêu cầu bắt buộc nhưng theo các doanh nghiệp, con đường này chưa bao giờ là dễ dàng.

Nói với PLO, đại diện Acecook Việt Nam cho biết, mặc dù việc chuyển đổi mô hình kinh tế giúp doanh nghiệp hưởng lợi ở nhiều khía cạnh và mang lại lợi ích cho xã hội, tuy nhiên quá trình chuyển đổi xanh không thiếu thách thức.

"Chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi cơ sở vật chất, đặc biệt là bao bì từ nhựa sang giấy, và đầu tư vào năng lượng tái tạo khá cao. Bên cạnh đó, nguồn cung các dịch vụ và nguyên vật liệu bền vững còn hạn chế, dẫn đến chi phí cao và khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp.

Một khó khăn khác là việc thiếu kiến thức chuyên sâu về chuyển đổi xanh, khiến công ty phải tự mày mò học hỏi và cập nhật liên tục từ nhiều nguồn để nâng cao năng lực và triển khai hiệu quả" - đại diện Acecook Việt Nam nói.

Dù vậy, theo vị này, để vượt qua các khó khăn này, Acecook Việt Nam đang tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp triển khai chuyển đổi xanh như một chiến lược dài hạn, không làm tăng giá thành sản phẩm, đặc biệt trong việc chuyển đổi bao bì từ nhựa sang giấy mà vẫn giữ nguyên giá bán, cam kết mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Đồng thời, công ty cũng thúc đẩy hợp tác với các đối tác cung cấp nguyên liệu và dịch vụ bền vững, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng ổn định và chi phí hợp lý hơn trong tương lai.

Đối với tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi đẩy vốn vào lĩnh vực này. Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích các nhà băng tập trung nguồn lực cấp tín dụng xanh, hoàn thiện cơ chế chính sách để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, ngành vẫn đang chờ quy định về phân loại danh mục xanh từ Chính phủ, từ đó kỳ vọng có thể đẩy mạnh vốn hơn vào lĩnh vực này.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho hay ngày càng tập trung vào chiến lược tăng thị phần tín dụng xanh, nhưng hiện chưa có quy chuẩn đồng bộ về thế nào là tín dụng xanh. Bên cạnh đó, họ gặp vấn đề khó khăn khi đầu tư xanh như năng lượng tái tạo cần nguồn vốn lớn, kỳ hạn dài trong khi phần lớn huy động của ngành ngân hàng là kỳ hạn ngắn hạn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng nhìn nhận, các doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã nhận thức khá đầy đủ về chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất sốt ruột trong triển khai tài chính xanh.

Phan Thị Thanh Xuân,Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam:

Cần cơ chế đặc thù cho phát triển xanh

Nhà nước cần ban hành được những chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi và xây dựng được một hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất.

Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường... Qua đó để doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế...

Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (BSSC) trực thuộc Thành đoàn TP.HCM:

TP.HCM cần thúc đẩy khởi nghiệp xanh

Chúng tôi kiến nghị thành phố cần có cơ chế đặc thù để các startup dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Cùng đó, cần có khung pháp lý rõ ràng và linh hoạt hơn cho các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ xanh.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, tạo cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới (sandbox) sẽ giúp startup tập trung nhiều hơn vào phát triển sản phẩm và thị trường.

Song song là các chính sách ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ các startup xanh.

Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House:

Nâng cao nhận thức về xanh

Kinh tế xanh, giảm thải carbon là một hành trình dài, không phải chỉ dựa vào doanh nghiệp, nhà nước là đủ.

Xanh còn cần là bệ đỡ về giáo dục trong tưởng tưởng, nhận thức từ những học sinh - sinh viên ngay trên ghế nhà trường. Đồng thời thay đổi cả nhận thức cho những người nông dân- mắt xích rất quan trọng trong khởi nguồn nông nghiệp. Đây cũng là đối tượng cung cấp nguyên liệu xanh cho các doanh nghiệp sản xuất như công ty tôi.

TS Bùi Duy Tùng, Giảng viên kinh tế Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam:

Xây khung pháp lý cho tài chính xanh

Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ là yêu cầu cấp thiết.

Hiện nay, sự thiếu minh bạch trong phân loại các dự án xanh đã gây khó khăn lớn cho việc nhận diện và đánh giá hiệu quả. Việt Nam cần khẩn trương thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn phân loại xanh lấy kinh nghiệm từ các thông lệ quốc tế, như EU Taxonomy, nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả năng ứng dụng thực tế.

Song song với đó, Việt Nam cần thúc đẩy sự đa dạng hóa các sản phẩm tài chính xanh ngoài tín dụng và trái phiếu xanh để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của nền kinh tế. Các sản phẩm tài chính mới như quỹ đầu tư xanh, bảo hiểm rủi ro môi trường và trái phiếu liên kết với khí hậu cần được phát triển nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính và khuyến khích đầu tư dài hạn.

PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Nguyệt, Trưởng Khoa Kinh tế của Trường ĐH TN-MT TP.HCM:

Mở đường phát triển năng lượng tái tạo

Vẫn còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo. Chính vì thế cần thêm nhiều chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình này.

Theo đó, cần có một khung pháp lý, thể chế về năng lượng tái tạo như luật hóa về năng lượng tái tạo, lập quy hoạch và kế hoạch để phát triển năng lượng tái tạo; xác định ưu tiên cho các loại hình năng lượng theo thời kỳ hoạch và cần có cơ chế liên thông phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra cần thúc đẩy mở cơ chế thị trường về năng lượng tái tạo, và hoàn thiện cơ chế đầu thầu, mua bán điện phù hợp…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như hoạch định mở rộng hệ thống năng lượng tái tạo, đầu tư về dung lượng dự trữ năng lượng, tiếp tục đầu tư cho lưới điện và hệ thống truyền tải điện. Áp dụng công nghệ mới, hiện đại, xây dựng và công bố các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan năng lượng tái tạo.

Cùng đó, cần có các chính sách về phát triển nguồn lực về công nghệ - đổi mới, đào tạo nhân lực công nghệ cao, thu hút tài chính và đầu tư đối với năng lượng tái tạo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED):

Cần rất nhiều cánh tay hợp lực

Muốn thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn rõ ràng cần rất nhiều cánh tay hợp lực.

Đầu tiên là cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để học hỏi, xây dựng các cơ chế, hành lang thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Thứ hai là cần tích hợp mô hình này vào phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh việc lồng ghép vào chiến lược phát triển vùng trên phạm vi cả nước.

Thứ ba là cần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs trong chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Cuối cùng là cần cơ chế Sandbox (khung thể chế thí điểm) cho phát triển mô hình kinh tế này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm