TAND Cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý và đang trong giai đoạn chuẩn bị để lên lịch xét xử phúc thẩm đại án đăng kiểm. Sở dĩ phải gọi là đại án vì vụ án xảy ra không chỉ ở Cục Đăng kiểm Việt Nam mà còn ở rất nhiều trung tâm đăng kiểm lớn tại các tỉnh, TP phía Nam với tính chất, mức độ khá phức tạp. Chính vì vậy, ngày 12-1-2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất bổ sung vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và khẳng định đây là vụ án tham nhũng có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn.
Kết quả phá án của Bộ Công an, Công an TP.HCM và công an các tỉnh, TP cùng các đơn vị nghiệp vụ đã làm rõ thông tin phản ánh từ người dân về việc bị nhũng nhiễu khi đi đăng kiểm. Qua đó, cơ quan công an cũng đã chỉ ra nguyên nhân phát sinh, tồn tại của tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải dẫn đến hạ tầng giao thông xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, góp phần gây mất an toàn giao thông…
Việc xử lý các hành vi vi phạm trong đại án này được xem là cơ hội củng cố niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa; là cơ hội làm trong sạch ngành đăng kiểm, phục hồi hình ảnh, uy tín cho lực lượng đăng kiểm cũng như các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phân hóa tội phạm; VKS đề nghị, HĐXX TAND TP.HCM ra phán quyết cho nhiều bị cáo mức án phù hợp; trong đó hai cựu cục trưởng nhận mức án 19-25 năm tù. Đồng thời, sau khi cân nhắc các yếu tố nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ; HĐXX cấp sơ thẩm cũng đã cho 73/254 bị cáo có vai trò thứ yếu được hưởng án treo.
Phán quyết của cấp sơ thẩm thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta theo nguyên tắc “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, bồi thường thiệt hại”... Việc áp dụng các biện pháp xử lý nhẹ hơn mức hình phạt mà pháp luật quy định cho người phạm tội sẽ khuyến khích và giúp họ có cơ hội hối cải, tự sửa chữa lỗi lầm và trở thành người có ích cho xã hội.
Sau phán quyết của tòa sơ thẩm, VKSND TP.HCM đã kháng nghị theo hướng tăng nặng mức hình phạt đối với 18 bị cáo. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tất cả 73 bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, không có bị cáo nào bị VKS kháng nghị (theo hướng tăng nặng).
Điều này cho thấy việc tòa sơ thẩm cho 73 bị cáo hưởng án treo đã thuyết phục được cơ quan công tố. Cơ quan này (với chức năng kiểm sát xét xử nhằm giúp việc xét xử của tòa án được chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đồng thời kịp thời sửa chữa nếu có sai lầm xảy ra trong bản án, quyết định...) đã cùng quan điểm với tòa là “không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà vẫn có thể cải tạo được dưới sự giám sát, quản lý và giáo dục tại địa phương”.
Hy vọng qua vụ án này, ngành đăng kiểm dù đang quá tải vẫn có cơ hội nhìn lại mình để chấn chỉnh những mặt chưa được, tích cực khắc phục chuyện thiếu hụt nhân sự nhằm phục vụ người dân được tốt hơn, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy và đường bộ.