Gần đây, hàng loạt sàn thương mại điện tử (TMĐT) đình đám của Trung Quốc như Temu, Shein, 1688 đại náo thị trường Việt Nam (VN). Họ hoạt động rầm rộ, chiêu mộ người nổi tiếng bán hàng, thưởng tiền cho người bán, khuyến mãi giảm giá đến hơn 90%... Sức hút chính đến từ các sàn này là cơn lốc hàng giá rẻ.
Sự sôi động mua bán trên thị trường VN của các sàn TMĐT này diễn ra một thời gian thì cơ quan quản lý mới “giật mình”, phát đi cảnh báo.
Bộ Công Thương cho hay các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Điều này có nghĩa là các sàn này vi phạm pháp luật khi không tuân thủ pháp luật VN. Đó là chưa kể các sàn này bán hàng giá rẻ đến mức khó tin, ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước nhờ không phải đóng thuế và các chi phí khác.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần mạnh tay ngăn chặn, xử lý các sàn vi phạm pháp luật; phạt thật nặng, đánh thuế đầy đủ... để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng.
Các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra hàng hóa trên Temu, Shein, 1688 xuyên biên giới tràn vào VN thường có giá thành rất thấp do có nhiều lợi thế từ quy mô sản xuất, công nghệ, logistics... nên khó có DN trong nước nào có thể cạnh tranh được về giá.
Hệ lụy tiếp theo, các DN trong nước buộc phải giảm giá để thu hút khách hàng nhưng đồng nghĩa lợi nhuận giảm sút, thậm chí bán hàng dưới giá thành. Khi lợi nhuận bị thu hẹp, bào mòn, DN khó có thể trụ vững trên thị trường, thậm chí phá sản, người lao động mất việc, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.
Chưa kể không phải tất cả sản phẩm bán trên các sàn TMĐT đều đảm bảo chất lượng. Việc mua quá nhiều hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Các sàn TMĐT được xem là hệ thống phân phối quan trọng cho DN. Hệ thống thương mại lớn mạnh sẽ hỗ trợ DN phát triển nhanh hơn.
Nhưng với việc các sàn TMĐT nước ngoài đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường VN, cũng như DN Việt dần mất lợi thế bán hàng vì chiến lược hàng giá rẻ của DN ngoại bán hàng xuyên biên giới, về lâu về dài sẽ tác động không hề nhỏ đến hàng hóa sản xuất trong nước.
Vào cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản 8598/BCT-TMĐT ngày 26-10-2024 chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Trong đó nhấn mạnh sẽ nghiên cứu các phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ quy định pháp luật VN. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người VN dùng hàng VN” để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ở góc độ khác, các công ty VN cần có sự chủ động để bảo vệ mình trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các sàn TMĐT bán hàng hóa giá rẻ xuyên biên giới. Chẳng hạn, DN phải không ngừng cải tiến sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có tính năng, mẫu mã độc đáo, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như tạo dựng một thương hiệu mạnh, gắn liền với những giá trị cốt lõi, chất lượng và uy tín.
Đồng thời áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối, giảm chi phí, xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp, tích hợp các tính năng thanh toán trực tuyến, giao hàng nhanh chóng.
Việc bảo vệ nền kinh tế trước cơn lốc hàng giá rẻ là một vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, DN và người tiêu dùng. Chỉ khi có những giải pháp toàn diện và hiệu quả mới có thể bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng và DN Việt phát triển bền vững.