Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng: Rất hợp lòng dân!

(PLO)- Việc giảm 2% thuế VAT cho tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ có lẽ là một gợi ý cần được các cơ quan hữu quan nghĩ đến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, địa phương về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2025 xuống 8% cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% khiến người dân và doanh nghiệp cảm thấy ấm lòng.

Việc giảm thuế VAT trong mấy năm sau dịch COVID-19 gần như đã trở thành một thông lệ. Cứ đến kỳ, Bộ Tài chính lại lấy ý kiến để trình Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết việc này.

giảm thuế giá trị gia tăng
Bộ Tài chính lấy ý kiến về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2025 xuống 8% cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Ảnh: QH

Kỳ đề xuất nào Bộ Tài chính cũng đề nghị các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được ưu đãi thuế VAT như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tất nhiên, tác động dễ thấy là việc giảm thuế VAT sẽ dẫn đến ngân sách sẽ giảm thu nhưng ở chiều ngược lại, điều đó sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Hàng hóa giảm giá thì người dân sẽ có nhiều cơ hội mua hàng hóa với giá rẻ hơn, tăng hiệu quả tiết kiệm chi phí và hỗ trợ phục hồi các mô hình sản xuất, kinh doanh, cũng như cải thiện sức khỏe tài chính tiêu dùng…

Thật ra việc giảm 2% thuế VAT được đưa ra ở bối cảnh sau dịch COVID-19, khi sức khỏe của nền kinh tế đang cần được phục hồi. Thế nhưng chuyện phải cân đối thu chi vào thời điểm đấy cũng là một bài toán khó khi nguồn thu bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa nói trong điều hành kinh tế vĩ mô, khi ngân sách giảm thu hàng chục ngàn tỉ đồng là một câu chuyện không hề nhỏ, vì nó có thể khiến cho việc hoàn thành nghị quyết về ngân sách Quốc hội giao gặp khó khăn. Nhưng đến nay thì việc giảm 2% thuế VAT đã thành… thông lệ.

Thật ra với người bình thường, việc giảm 2% thuế VAT này có thể không có tác động lớn nhưng với người có thu nhập thấp, chi tiêu của họ có thể được cải thiện chút ít khi mà mớ rau, con cá, cân gạo, hộp sữa… giá vẫn không nhỉnh hơn “cùng kỳ năm ngoái”.

Ngoài ra, trước đây, đối với một số doanh nghiệp, dù vui với việc giảm thuế VAT nhưng bước đầu họ cũng ít nhiều bỡ ngỡ, có nơi còn gặp vài khó khăn, vướng mắc, chẳng hạn như điều chỉnh yếu tố kỹ thuật trong hóa đơn VAT (phải điều chỉnh từ 10% xuống 8%). Tuy vậy, những phiền toái ban đầu ấy rồi cũng qua, nhất là khi “thông lệ giảm thuế VAT” đã được hình thành.

Có điều giảm thuế VAT lần này vẫn phân biệt các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được miễn thuế. Thật ra, cơ quan có trách nhiệm mong muốn rằng đã miễn 2% thuế VAT thì miễn đồng loạt cho tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ. Vì nếu so sánh với dự toán thu trên 1,8 triệu tỉ đồng/năm thì số giảm thu cũng không ảnh hưởng nhiều. Chưa kể, định hướng tiết kiệm chi, tăng thu của Chính phủ những năm qua đã có tác động hiện hữu, kể cả thời dịch COVID-19 thì ngân sách nhà nước vẫn vượt thu và có đủ nguồn lực để cải cách tiền lương, chi đầu tư phát triển.

Nếu áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ thì cả cơ quan thuế, doanh nghiệp, người dân đều… khỏe. Bởi chỉ riêng việc xác định nhóm hàng hóa, dịch vụ nào được giảm thuế VAT không phải lúc nào cũng đơn giản. Vì vậy, việc giảm 2% thuế VAT cho tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ có lẽ là một gợi ý cần được các cơ quan hữu quan nghĩ đến.

Mặt khác, như đã nói ở trên, việc giảm 2% thuế VAT đã thành thông lệ. Chính phủ trình Quốc hội chủ trương này cũng là tuân thủ hiến pháp, luật, pháp luật liên quan đến thuế. Nhưng cũng phải thấy rằng một thông lệ như vậy chắc hẳn cần một quy trình đơn giản hơn theo tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ở ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: “Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu khai mạc kỳ họp, đặc biệt là trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội, cũng nhấn mạnh một yêu cầu về lập pháp: “Những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn”.

Một khi tinh thần này của Tổng Bí thư Tô Lâm được quán triệt và triển khai trong thực tiễn, cùng với chủ trương phân cấp, phân quyền thì chắc chắn sẽ làm cho các chính sách vì dân đi vào cuộc sống nhanh hơn, phát huy hiệu quả kịp thời hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm