Xóm Guốc, làng Phú Văn (nay thuộc phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) từng được mệnh danh là “kinh đô” của nghề guốc mộc, có lịch sử hơn 100 năm, gắn liền với sự phát triển và đặc trưng văn hóa của vùng đất này.
Guốc mộc ra đời nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm đẹp của người dân. Thời hưng thịnh, từng có hơn 80 hộ làm nghề. Hiện tại Xóm Guốc còn khoảng 4 cơ sở đang hoạt động, trong đó có cơ sở sản xuất guốc Sáu Dẻo của gia đình ông Nguyễn Minh Trung.
Những ngày cuối năm, các hộ gia đình làm nghề guốc thuộc xóm guốc mộc Bình Dương đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ Tết.
Ông Trung là đời thứ tư trong gia đình tiếp nối nghề, theo ông, có 8 công đoạn để hoàn thành một đôi guốc gỗ. Đầu tiên là nhập gỗ về rồi tiến hành cắt gỗ theo khuôn. Sau khi thành hình dáng, đế guốc sẽ được mang đi sấy khô, chà nhám, mài, sơn bóng, chà keo, dán đế và cuối cùng là đóng quai hoặc để mộc trơn tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Thanh Cần (vợ ông Trung) cho biết, trong từng công đoạn đều có cái khó riêng. Những kiểu dáng có lọng lỗ hình chim bồ câu, hoa văn, giọt nước... rất khó làm, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm.
Trong giai đoạn đại dịch COVID -19 khó khăn, xóm guốc mộc Bình Dương gặp nhiều khó khăn, gia đình bà Cần từng phải bỏ nghề, đóng xưởng sản xuất để chuyển sang kinh doanh quán ăn vì thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên sau một tháng, nhận ra công việc mới không phù hợp và không thể từ bỏ cái nghề đã làm mấy chục năm, bà quyết định quay trở lại. “Vượt qua được giai đoạn đó, tôi càng thấy trân trọng cái nghề làm guốc mộc này hơn” - bà Cần chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Trung cho biết sẽ dẫn dắt và truyền dạy kinh nghiệm cho những người thợ có tâm huyết, đã gắn bó lâu năm với nghề để tiếp tục gìn giữ nghề guốc mộc Bình Dương.
Anh Lê Hoàn Hảo - thợ mài guốc đã gắn bó 16 năm với xưởng - chia sẻ, nghề này tuy vất vả nhưng thu nhập khá ổn định, đủ để anh trang trải cuộc sống.
Dù hiện tại nghề làm guốc mộc đang đối mặt với nhiều khó khăn, anh Hảo vẫn nhiệt huyết và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Anh hy vọng rằng, với sự nỗ lực của những người trẻ như anh, nghề làm guốc mộc Bình Dương sẽ không bị lãng quên mà tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ sau.
Hằng ngày, xưởng bà Cần sẽ tập trung vào sản xuất guốc thô. Về thị trường đầu ra, bà Cần cho biết, khi có đơn đặt hàng xưởng mới tiến hành đóng quai theo yêu cầu. Giá thành phẩm dao động khoảng 100.000 - 150.000 đồng/đôi.
Trung bình một ngày xưởng sản xuất khoảng 200 - 300 đôi guốc. Vào dịp cận Tết, số lượng guốc gỗ bán ra nhiều hơn so với ngày thường, tùy thuộc vào lượng đơn đặt hàng có thể tăng gấp 3 lần. Xưởng sẽ cho thợ làm đêm một ngày trong tuần để kịp tiến độ các đơn hàng.