Làng cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vốn có tiếng trong cả nước về sản xuất "siêu xe" phục vụ Táo quân chầu trời những ngày Tết ông Công ông Táo.
Tuy nhiên, trong sự thay đổi của thị trường, vào những ngày này, khu chợ giao dịch thua mua cá chép đỏ không sôi động lắm. Ngoài đồng, một số ao nuôi cá trước đây nay được chuyển sang trồng rau và canh tác khác.
Ghi nhận của PLO ngày 30-1, tức 20 tháng Chạp âm lịch, tại ao cá nhà anh Hà Công Thật có ba người đang dọn lưới mẻ cuối cùng để kịp xuất bán cho khách. Anh Thật ở trên bờ vừa giữ lưới vừa giúp vợ chuyển cá từ bên ao vừa hút cạn nước sang ao bên cạnh để làm sạch.
Người đàn ông này cho biết, ao nhà rộng hơn 1 sào, thả 6.000 cá giống từ tháng 5-2023, đến nay thu hoạch được khoảng 70kg chép đỏ thành phẩm, loại khoảng 3 ngón tay, đủ điều kiện phục vụ người dân dịp Tết ông Công ông Táo.
Tuy nhiên, năm nay thị trường cá chép đỏ kém sôi động, giá bán chỉ khoảng 80.000/kg, giảm sâu so với mức 100.000-150.000 đồng năm ngoái. "Tính cả tiền cá giống, tiền thức ăn, tiền công chăm sóc rồi tiền phí vận chuyển bán cho các tiểu thương chắc nhà tôi lãi vài triệu bạc" - anh Thật cho biết.
Ở một ao cá gần đó, chiếc máy bơm nước nhà chị Nguyễn Thị Sinh cứ chạy được một lúc lại dừng do nước đã cạn, vòi bơm mắc bùn. Bên dưới ao, ba người dùng vợt vừa gạn rác, nhặt cá bỏ vào thùng rất khẩn trương.
Cũng như nhà anh Thật, ao nhà chị Sinh cũng thuộc diện nhỏ, thu hoạch được trên dưới 70kg cá chép đỏ thành phẩm. Số cá sau khi bắt được sẽ chuyển cho các đầu mối đã đặt mua.
Than thở về giá cá chép đỏ năm nay thấp hơn mọi năm, chị Sinh cho biết, như năm ngoái nuôi cá chép còn có lời, như năm nay thì cố gắng để hoà vốn.
Tại khu vực chợ cá Thủy Trầm, chị Hiền một tiểu thương cho hay, thường thì ngày 21 và 22 tháng Chạp các thương lái đổ về làng nhiều hơn. Nhưng năm nay tập quán thương mại có nhiều thay đổi. Người mua đặt hàng qua điện thoại, hộ nuôi cá thì thu hoạch vận chuyển đến tận nơi, không phải giao dịch trực tiếp ở chợ nữa.
"Theo mức giá năm nay, mỗi cân cá chép đỏ được khoảng 60 con, tính trung bình khoảng hơn 1.000 đồng/con mua tại gốc. So với năm ngoái, thời tiết năm nay thuận lợi hơn, chỉ có một lần ngập lụt. Và như quy luật thị trường, cứ khi nào thời tiết thuận lợi thì giá lại thấp đi" - chị Hiền nói.
Ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thuỷ Trầm cho hay, nghề nuôi cá chép đỏ ở đây có từ những năm 1960. Ban đầu người dân địa phương chỉ nuôi cho đẹp, rồi thấy cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc” nên nhiều người mua về cúng Tết ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Dần dần nhu cầu thị trường ngày càng lớn, ổn định thì thành nghề truyền thống.
Làng Thuỷ Trầm năm nay cung ứng ra thị trường khoảng hơn 40 tấn cá chép đỏ, tương đương khoảng hơn 2 triệu con. Từ những ngày 19-20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá đã chuẩn bị máy bơm, cùng lưới và thùng để bơm nước, thu hoạch cá. Đến nay, phần lớn các hộ nuôi đã thu hoạch cá xong, đưa ra thị trường.
Như một sinh hoạt tín ngưỡng, đến dịp Tết ông Công, ông Táo, các gia đình thường mua cá chép tươi để phóng sinh, như là phương tiện để đưa các Táo quân về chầu Thiên đình, báo cáo tình hình hạ giới một năm qua. Cá được chọn mua thường vẫn là giống cá chép thông thường, vốn làm thực phẩm, nhưng cỡ nhỏ.
Cá chép đỏ Thủy Trầm vốn là cá cảnh, kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên. Nhiều năm trước, giống cá này được đưa ra thị trường dịp Tết ông Công ông Táo, thấy hút khách. Cứ vậy, nghề nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm phát triển. Ngày càng nhiều hộ dân đào ao nuôi cá, nhờ đó có cuộc sống đủ đầy hơn. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ công nhận Thủy Trầm là làng nghề nuôi cá chép đỏ. Đến nay, cả làng có 142 hộ với 20ha diện tích nuôi giống cá tâm linh này.