Qua hơn nửa năm thực hiện, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù TP.HCM đã bắt đầu khơi thông nhiều điểm nghẽn, truyền dẫn xung lực mới để đưa đầu tàu kinh tế của cả nước trở lại quỹ đạo tăng tốc phát triển.
Điều này cũng đòi hỏi hệ thống chính trị TP.HCM phải nhanh chóng chuyển biến chất lượng hoạt động công vụ, bởi đây chính là yếu tố quyết định không chỉ đảm bảo tính hiệu quả thực thi của Nghị quyết 98 mà còn là yếu tố trung tâm, đảm bảo cho tiến trình phát triển bền vững của TP.
Bãi bỏ thao tác hành chính “thừa”
Trước sự quá tải của bộ máy chính quyền TP.HCM, trong bối cảnh phải thực thi Nghị quyết 98 hiệu quả, nếu không đổi mới mạnh mẽ các hoạt động công vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính một cách thực chất thì khi vận hành có thể phát sinh nhiều vấn đề.
Do đó, TP.HCM cần tổng rà soát các thủ tục, các thao tác hành chính của hệ thống công vụ TP để đề xuất các cơ quan Trung ương bãi bỏ, đổi mới hoặc mạnh dạn bãi bỏ, đổi mới các thủ tục, thao tác hành chính “thừa” trong phạm vi thẩm quyền của TP. Từ đó hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị thực của từng hoạt động công vụ.
Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và tích hợp các nhiệm vụ - giải pháp trong xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số, cải cách hành chính để tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện…
TP.HCM cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu có năng lực, khát vọng, cống hiến cho sự phát triển TP. Cụ thể, cần công tâm, khách quan, vì lợi ích chung trong “cân tài, trao chức” để lượng đúng tài và bố trí đúng chức vụ đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thực tế hiện nay, TP.HCM đang rất cần một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ đáp ứng về năng lực, am tường chuyên môn mà còn là những hạt nhân lan tỏa tinh thần đổi mới, truyền dẫn khát vọng xây dựng, phát triển TP bền vững.
Với tinh thần này, TP nên mạnh dạn đề xuất Trung ương cho phép thí điểm cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo (tuyển dụng, bổ nhiệm người ngoài bộ máy; hợp đồng công vụ…) để đảm bảo tính “động”, kịp thời và hiệu quả hơn đối với các vị trí đặc thù (đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số…).
Trong đào tạo, bồi dưỡng cần mạnh mẽ đổi mới và gắn với nhu cầu thực tế của từng cán bộ, công chức. Nghiên cứu quy định hàng năm hay định kỳ, cán bộ, công chức bắt buộc phải trải qua kỳ sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ và việc này phải được thực hiện trên các nền tảng công nghệ số.
Để đổi mới mạnh mẽ các hoạt động công vụ, các cơ quan, đơn vị của TP nên quan tâm, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức “gen Z” trong đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số các hoạt động công vụ, cải cách hành chính… để góp phần lan tỏa, truyền dẫn tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả trong toàn hệ thống công vụ của TP.
Hoàn thiện chính sách lương
TP.HCM nên kiến nghị Trung ương hoàn thiện chính sách lương, thu nhập của cán bộ, công chức theo khối lượng, hiệu quả công việc và chi phí cho mức sống ở từng khu vực. Đồng thời có các giải pháp khả thi, hiệu quả để đảm bảo sự ổn định trong chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ theo Nghị quyết 98, giúp họ an tâm công tác.
Mặt khác, xây dựng cơ chế khoa học, hiệu quả để thường xuyên rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, công chức khi không đảm bảo yêu cầu làm việc. Thiết lập các kênh tư vấn chính sách để không ngừng đổi mới mô hình, phương thức quản lý, hoạt động tác nghiệp của hệ thống công vụ…
Bên cạnh đó, cần quan tâm và thiết lập các kênh để huy động tham vấn của người dân, doanh nghiệp TP cũng như các bên liên quan trong quản lý, phát triển đô thị. Ứng dụng công nghệ trong lắng nghe, nắm bắt nhu cầu cũng như những trăn trở, bức xúc của người dân TP để hoạch định cơ chế, chính sách, đổi mới các phương thức quản lý phù hợp…
Làm chuyển biến nền công vụ TP.HCM không phải là việc dễ dàng nhưng rất cần phải làm ngay. Khi nền công vụ hoạt động hiệu quả, tựa như tạo ra những loạt vỗ tay đồng nhịp với một bàn tay là chính quyền và một bàn tay là các bên liên quan trong các hoạt động quản lý, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện phân cấp từ TP đến phường, xã
Để nâng cao chất lượng nền công vụ TP.HCM, trước hết phải đảm bảo tính thông suốt, nhất quán từ cấp TP đến cấp cơ sở. TP.HCM cần rà soát toàn bộ việc phân cấp, phân quyền từ TP tới cơ sở để hiệu chỉnh theo nguyên tắc thống nhất, mỗi chức năng, nhiệm vụ được giao cho một cấp, một cơ quan, đơn vị thực hiện.
Việc này sẽ giúp loại bỏ tình trạng chồng chéo, giao thoa chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và kịp thời, hiệu quả trong giải quyết, xử lý các vấn đề, công việc trong quản lý đô thị.
Đồng thời đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật để phân định cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP và chủ tịch UBND TP, đảm bảo tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển của siêu đô thị TP.HCM.
Đặc biệt, TP.HCM cần ứng dụng công nghệ số cùng với hiệu chỉnh cơ chế kiểm soát nội bộ để kiểm soát hệ thống công vụ một cách thường xuyên và xử lý, khắc phục khi phát hiện lỗi hay vấn đề phát sinh.
TS BÙI NGỌC HIỀN
*****
Cán bộ phải vào cuộc tiên phong, không do dự
TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 98 với những nội dung đa số là mới, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa thử nghiệm, phải nghiên cứu, tính toán và đưa ra các giải pháp tối ưu để thực hiện mang tính khả thi, hiệu quả.
Để làm được, đòi hỏi TP phải xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức phải không ngừng tư duy sáng tạo, chủ động tham mưu làm việc trên tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.
Thời gian qua, quận 10 đặc biệt quan tâm, tập trung nâng cao chất lượng công vụ và đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi, nhấn mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức là phải vào cuộc một cách tiên phong, xung kích, đầy tâm huyết, không do dự, không né tránh... Vấn đề gì đã có quy định thì cứ mạnh dạn tham mưu, triển khai nhanh.
Cạnh đó, tính chuyên nghiệp là một trong những thước đo đánh giá công việc của từng cán bộ, công chức, được thể hiện qua năng lực, sự liêm chính, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc nhằm đảm bảo thực hiện tốt phần việc được phân công.
Do vậy xét đến cùng, để nâng cao tính chuyên nghiệp thì điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức và hành động của từng cán bộ, công chức. Khi cán bộ, công chức thực sự mong muốn, trở thành chuyên nghiệp thì họ sẽ có động lực nghiên cứu và thực hiện.
Trong nội dung Đề án Xây dựng nền công vụ TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 có một nội dung về chính sách nhà ở và hỗ trợ tiếp cận nhà ở. Tôi cho rằng đây là nội dung mới, đảm bảo cho công chức “an cư lạc nghiệp”, yên tâm làm việc và cống hiến.
Tôi cũng rất kỳ vọng vào các chính sách đảm bảo thu nhập “đủ sống” cho cán bộ, công chức để khuyến khích họ lao động sáng tạo, tạo ra giá trị nhiều hơn, giữ chân nhân tài, nhân sự chất lượng cao cống hiến, phục vụ khu vực công.
Một lãnh đạo UBND quận 10
(*) Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu, Học viện Cán bộ TP. HCM.