Chiều 27-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai Nghị quyết 98.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, việc họp BCĐ là để kiểm tra từng phần việc được giao trên từng lĩnh vực; đồng thời đề ra phương hướng để BCĐ tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TP chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.
Tiến độ còn chậm
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng việc triển khai Nghị quyết 98 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc và xung lực quan trọng để phát triển TP nhanh, mạnh, bền vững. Một số cơ chế, chính sách đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Qua một năm thực hiện Nghị quyết 98, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận những kết quả đạt được đã giúp TP đạt chỉ tiêu tăng trưởng ngân sách, bình ổn và nhiều chỉ tiêu khác…
Dù vậy, ông Hoan cũng nhìn nhận hạn chế hiện nay là tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách đặc thù còn chậm. Trong đó có các chính sách về huy động, sử dụng nguồn lực giúp TP phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và mạnh mẽ, như chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư (NĐT) chiến lược…
Trao đổi thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng Nghị quyết 98 không phải là “cây đũa thần” để giải quyết tất cả vấn đề địa phương gặp phải. TP đặt ra những yêu cầu đủ cao để cố gắng nhưng không quá cao để không thực hiện được.
“Nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế để khơi nguồn lực và tháo gỡ cơ chế để TP được phân cấp, phân quyền, chủ động hơn nhưng cả hai việc trên đều chưa đạt như mong muốn” - ông Mãi cho hay.
Phải biến cơ chế thành những dự án cụ thể
Để khơi thông nguồn lực phát triển, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thời gian tới cần tập trung xin cơ chế làm các dự án BT, BOT; các hình thức PPP trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đã được thông qua các tiêu chí, danh sách.
Với các dự án BT và BOT, TP đã xác định được danh mục, chuẩn bị cơ bản xong nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9, TP sẽ mở hội nghị tiếp xúc NĐT, sau đó đấu thầu và triển khai, có thể khởi công được trong năm sau.
Một vấn đề khác là việc thu hút NĐT chiến lược cũng bị vướng ở việc xác định danh mục, lĩnh vực ưu đãi đầu tư chiến lược và cơ chế, chính sách. Theo đó, trước khi UBND TP trình HĐND TP thông qua danh mục phải tham khảo và thông qua sự đồng thuận của Bộ KH&ĐT.
“Trong quý III-2024, chúng ta hy vọng sẽ gỡ được cái này, gỡ được mới tính tới được chuyện thu hút NĐT cho cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu công nghệ cao…” - ông Mãi cho hay.
Với đề án TOD, Ban cán sự Đảng UBND TP đã thông qua và đang hoàn thiện với bảy vị trí, tính toán giá trị đất khoảng 100.000 tỉ đồng. Nếu thông qua sẽ làm quy hoạch chi tiết cho sáu điểm, sau đó đấu thầu thì thu được tiền sử dụng đất và tiền đầu tư vào sáu điểm này. Ông Mãi cho rằng các sở, ngành và địa phương cần tập trung, trên tinh thần chọn TP Thủ Đức là địa bàn trọng điểm triển khai.
Ở góc độ là địa phương được trao một số cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để đáp ứng việc vận hành mô hình “TP trong TP”, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp khẳng định TP Thủ Đức đang vận hành đúng hướng và đạt nhiều kết quả tích cực như thành lập bốn trung tâm và đã có sơ kết, đánh giá mang lại hiệu quả tích cực; kiện toàn nhân sự, bổ sung phó chủ tịch UBND TP và nhân sự cấp phường để tăng hiệu quả quản lý; việc ủy quyền cho cấp phường thực hiện nhiều nội dung và đang vận hành rất tốt.
“Sau khi thông qua, TP sẽ thực hiện công tác quy hoạch, sau đó đấu thầu thu tiền sử dụng đất, thu hút NĐT. Trong năm 2024-2025, công việc chủ yếu vẫn là chuẩn bị cho mô hình TOD, xác định vị trí, quy hoạch, chuẩn bị cơ sở pháp lý và đấu thầu” - Chủ tịch UBND TP nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhìn nhận Nghị quyết 98 đã trao cho TP nhiều cơ chế mở hơn so với trước nhưng việc phân cấp, phân quyền cũng chưa đầy đủ. Ban cán sự Đảng UBND TP cần bóc tách vấn đề để đề đạt Chính phủ có phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rộng hơn để TP hoàn thiện một số đề án quan trọng.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đặt vấn đề phải làm sao để từ 44 nhóm cơ chế, chính sách đó biến thành những dự án, công trình dân sinh cụ thể phục vụ doanh nghiệp, người dân và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện tốc độ điều chỉnh thể chế còn chậm nên khi bắt đầu thực hiện thì việc phối hợp trong nội bộ TP và với các bộ, ngành đều chậm.
“Với các NĐT chiến lược, mình muốn thu hút mà làm với tiến độ như hiện nay thì khó có thể thu hút. Vì vậy, phải làm sao tăng tốc độ thực hiện, điều chỉnh thể chế liên tục, phù hợp” - TS Vũ nêu.
Nghị quyết mang lại kết quả rất tích cực
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền TP và các cơ quan đã nhanh chóng triển khai các đầu việc với khối lượng rất lớn; mang lại kết quả rất cơ bản, rất tích cực, tạo ra các sản phẩm có giá trị thực. Nghị quyết đã bước đầu khơi thông các vấn đề để chuẩn bị cho giai đoạn trung hạn, dài hạn.
Đến nay, TP.HCM có một năm thực hiện Nghị quyết 98. Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận những kết quả đạt được đã giúp TP đạt chỉ tiêu tăng trưởng ngân sách, bình ổn và nhiều chỉ tiêu khác…
“Không thể nào triển khai hơn một năm mà mọi thứ tốt lên liền. Nghị quyết đặc thù cũng cần có thời gian, TP lớn, công việc đồ sộ và đối mặt nhiều vấn đề, không dễ dàng để có kết quả trong thời gian ngắn” - Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ.
Từ đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra, có báo cáo cụ thể với Ban Thường vụ Thành ủy.•
TP.HCM triển khai hiệu quả nhiều cơ chế của Nghị quyết 98
Thông tin về kết quả xây dựng nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 98, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết Nghị quyết 98 quy định 44 cơ chế đặc thù và TP đã triển khai nhiều đầu việc quan trọng.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, TP đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; đã thông qua danh mục bảy vị trí phát triển TOD dọc các tuyến metro; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; đã thông qua năm dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu.
Với nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách nhà nước gồm 12 cơ chế, TP đã và đang triển khai năm cơ chế; nổi bật là đã bố trí vốn đầu tư công 1.500 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.
Với nhóm cơ chế về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường gồm 13 cơ chế, TP đã và đang triển khai bảy cơ chế.
Về ngành, nghề ưu tiên thu hút NĐT chiến lược, TP đã xây dựng mẫu công bố thông tin dự án thu hút NĐT chiến lược và đang lấy ý kiến của các bộ và cơ quan liên quan, cập nhật lại biểu mẫu theo các quy định mới của Luật Đấu thầu 2023.
TP.HCM cũng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên. Hiện đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn được 21/48 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ 15/21 hồ sơ.