Ngày 1-8-2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội chính thức có hiệu lực, trong đó TP.HCM được cho một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực tài chính và thu hút nhân lực. Tuy nhiên sau một năm thực hiện, nhiều điểm nghẽn đã được chỉ ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính (với vai trò là trưởng ban chỉ đạo) với TP.HCM.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay việc phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM với tinh thần "phân cấp tối đa" nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc. Thay vì khi Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành và TP phải nhanh chóng thực hiện thủ tục pháp lý đảm bảo thực thi thì lại cứ luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn nên việc bị kéo dài, gây chậm trễ.
Theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP.HCM, việc phân cấp, phân quyền khi được kết nối, liền mạch từ quy định của Quốc hội đến quy định của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ giúp TP.HCM cất cánh.
Lộ trình phân cấp, phân quyền còn rời rạc
. Phóng viên: Từ thực tế sau một năm thi hành, bà có đánh giá gì về các nội dung phân cấp, phân quyền trong Nghị quyết 98?
+ TS Nguyễn Thị Thiện Trí: So với các đô thị khác, TP.HCM được Trung ương phân quyền, phân cấp khá mạnh. Tuy nhiên, các quy định phân quyền, phân cấp vẫn còn rời rạc, chưa có sự liên thông, mang tính hệ thống, kết nối, liền mạch từ quy định phân quyền của Quốc hội đến quy định phân cấp của Chính phủ và các bộ, ngành.
Cụ thể, Nghị quyết 98 có phân quyền mạnh hơn và quy mô hơn so với Nghị quyết 54 trước đó; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 84 về thí điểm phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM. Tổng thể các quy định này là một hệ thống quy định vượt trội so với pháp luật chung về tổ chức chính quyền địa phương, vượt trội hẳn so với Nghị quyết 54 và Nghị định 93 về phân cấp cho TP.HCM trước đây.
Dù vậy, những vướng mắc thời gian qua không chỉ là mới phát sinh từ Nghị quyết 98 mà còn tồn tại cả những vướng mắc cũ vẫn chưa được giải quyết từ các quy định mới này.
Những vướng mắc hiện nay của TP.HCM là khó tránh nhưng việc xác định lộ trình cũng như bản chất của mô hình tổ chức chính quyền TP.HCM là yêu cầu tiên quyết, vì mô hình chính quyền TP.HCM mong muốn trong tương lai sẽ quyết định lộ trình, cách thức thực hiện.
Và khi Trung ương có cơ chế phân quyền, phân cấp triệt để; TP.HCM có những hành động quyết liệt hơn; các bộ, ngành mạnh dạn hơn trong hướng dẫn chuyên môn cho TP... thì những điểm nghẽn còn vướng mắc lâu nay trong cơ chế đặc thù của TP sẽ được tháo gỡ.
TP.HCM gặp nhiều áp lực khi cơ chế chuyển giao chưa rõ
. Vậy cái khó hiện nay của TP.HCM là gì? Và vì sao rất cần sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và Trung ương?
+ Trong các đô thị được lựa chọn áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù thì TP.HCM là đô thị nổi bật, có thể xem là điển hình, tiên phong trong việc áp dụng cơ chế đặc thù đô thị. Do đó, sự thành công hay vướng mắc của cơ chế đặc thù tại TP.HCM là tâm điểm chú ý trong xây dựng chính sách về chính quyền đô thị hiện nay.
So với nhiều đô thị khác, TP.HCM cũng là đô thị có nhiều chính sách đặc thù, cả về số lượng và tính quy mô. Vì thế, từng bước đi của TP.HCM không chỉ có ý nghĩa với TP mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của chính quyền đô thị nước ta.
Nhìn về tổng thể, so với cơ chế phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương trước đây thì cơ chế đặc thù hiện nay có sự thay đổi về mức độ chuyển giao. Riêng với TP.HCM, mặc dù nhiều quyền hạn hơn trước nhưng cũng áp lực và thách thức nhiều hơn. Trong đó, thách thức lớn nhất là phải áp dụng các quy định mới sao cho phù hợp với tình hình địa phương, dàn xếp ổn thỏa mặt bằng chung của TP trên tổng thể các mặt nhằm phối hợp một cách liên thông rành mạch, hiệu quả.
Tổng thể vấn đề này không chỉ là các chính sách triển khai mà còn ở khâu tổ chức hành động. Do đó, cần nhiều tâm huyết, sức lực, nguồn lực và động lực nội tại của TP – là điều cần có của một quá trình sản sinh, nuôi dưỡng không ngừng nghỉ.
Về cơ bản, cơ chế đặc thù vẫn là sự phân định thẩm quyền theo mô hình từ trên xuống, do đó TP.HCM vẫn còn ở trạng thái là cơ quan triển khai hành động chứ không phải là cơ quan tạo lập chính sách địa phương.
Với đặc trưng này, việc tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc. Và việc TP.HCM còn lúng túng, đối chiếu với các quy định cụ thể hoặc phải gửi văn bản hỏi lên các bộ ngành phần lớn là biểu hiện tất yếu của cơ chế chuyển giao chưa dứt khoát này sinh ra.
Cần quyết tâm hành động từ hai phía
. Làm sao để có một sự kết nối liền mạch trong mối quan hệ giữa Trung ương và TP.HCM trong việc thực hiện cơ chế đặc thù, mà cụ thể ở đây là Nghị quyết 98?
+ Điều này cần có quyết tâm hành động từ hai phía.
Thứ nhất là từ Trung ương - phía giữ vai trò nòng cốt, quyết định chủ trương chuyển giao cần có quan điểm rõ ràng minh bạch trong việc xác lập cơ chế chuyển giao, lộ trình chuyển giao, mục tiêu, mục đích chuyển giao.
Đặc biệt, Trung ương cần nhất quán trong quan điểm, quy định, chỉ đạo thực hiện thông qua việc theo dõi, lắng nghe, gỡ vướng cho địa phương và xem đó là một chính sách dài hơi, nhiều thách thức của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, các quy định chuyển giao từ Trung ương cần được phát triển lên về tính tổng quan, vĩ mô, tính theo chiều sâu của ngành, lĩnh vực chứ không phân cấp nhỏ, lẻ, dàn trải.
Phía còn lại là từ TP.HCM - không chỉ bằng các hành động cụ thể được thể hiện trong tổ chức thực hiện chính sách mà TP.HCM còn phải cho thấy sự quyết tâm cao độ, sự quy củ trong hành động, sự trân quý đối với chính sách mới.
Tôi cho rằng khi lấy mong muốn và thực tiễn địa phương làm tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng chính sách, địa phương là chủ thể phối hợp trong việc tạo lập chính sách chuyển giao thì việc triển khai các cơ chế, chính sách mới từ Trung ương sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.
Một biểu hiện rõ nhất của tâm thế chủ động cần có chính là việc thay đổi quan điểm trong việc “hỏi” các bộ, ngành trong quá trình triển khai. Thay vì chờ Trung ương trả lời, TP.HCM cần hình thành một tư thế tự chủ, tự quyết khi gặp những nội dung chưa rõ, thậm chí là trong trường hợp pháp luật trung ương chưa quy định nhưng thực tiễn đã đặt ra tại địa phương.
Chuyển dần sang mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tự chủ cao
. Vậy theo bà, TP.HCM cần có bước đi chủ động ra sao, để có thể giải quyết trước mắt những hạn chế đã được chỉ rõ sau một năm thực hiện Nghị quyết 98?
+ Như tôi vừa nhắc ở trên, TP.HCM cần tự chủ hơn. Sự tự chủ, tự quyết, dám làm này đòi hỏi phải nhìn vấn đề ở phương diện hợp lý, đặt lợi ích người dân, lợi ích chung của địa phương lên hàng đầu.
Điều này là cực kỳ quan trọng không chỉ trong giai đoạn triển khai cơ chế đặc thù mà còn là chìa khóa then chốt quyết định nội dung của các chính sách đặc thù tiếp theo. Đây cũng là nguồn lực tự thân giúp TP xoay chuyển dần sang một mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tự chủ cao.
Trong ngắn hạn, TP.HCM cần xác định điểm nghẽn tại chỗ, phân loại thuộc về nội dung hay thủ tục, do pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện và đưa ra giải pháp. Kế đó là quyết liệt thực hiện những cơ chế, chính sách mà địa phương đã được trao. Đồng thời, xác định nội dung trọng điểm hành động ngắn hạn trong sáu tháng, một năm tiếp theo.
Mặt khác, với những nội dung có hiệu quả cao thì TP.HCM tiếp tục triển khai mạnh hơn để làm điểm sáng và tạo hiệu ứng thu hút về kết quả của cơ chế đặc thù.
Cuối cùng, TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu, đeo bám và đề nghị các giải pháp từ Trung ương, bao gồm cả giải pháp trước mắt và chủ trương lâu dài phù hợp với tình hình của TP.
Xin cảm ơn bà!
TP.HCM triển khai hiệu quả nhiều cơ chế của Nghị quyết 98
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 diễn ra chiều 27-8, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết sau hơn một năm TP đã triển khai nhiều đầu việc quan trọng.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, TP đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; đã thông qua danh mục bảy vị trí phát triển TOD dọc các tuyến metro; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; đã thông qua năm dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu.
Với nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách nhà nước, TP đã và đang triển khai 5/12 cơ chế; nổi bật là đã bố trí vốn đầu tư công 1.500 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.
TP.HCM cũng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên. Hiện đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ. Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn được 21/48 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ 15/21 hồ sơ...