Để xây dựng nền công vụ TP.HCM hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, TP.HCM đã mạnh dạn đề xuất thí điểm các cơ chế “lạ” như cho cán bộ, công chức làm việc tại nhà; tập sự chức danh lãnh đạo các cấp; đẩy mạnh dịch vụ thuê ngoài, thuê nhân sự lãnh đạo, quản lý…
Theo ThS Đậu Ngọc Linh, Học viện Cán bộ TP.HCM, việc đề xuất thí điểm các cơ chế trên thể hiện tinh thần quyết liệt và sáng tạo trong cải cách chế độ công vụ của TP.HCM.
Thí điểm tập sự lãnh đạo đã có từ trước
Theo phân tích của ThS Đậu Ngọc Linh, mô hình tập sự chức danh lãnh đạo, quản lý là quá trình cán bộ trong quy hoạch được chọn làm quen với vị trí lãnh đạo, quản lý, làm quen công việc trong một thời gian nhất định trước khi bổ nhiệm chính thức.
Tập sự cũng được xem là khâu sát hạch năng lực và mức độ phù hợp với vị trí đảm nhận của các cá nhân được quy hoạch.
ThS Đậu Ngọc Linh cho biết tập sự lãnh đạo là nội dung từng được triển khai ở Việt Nam từ rất sớm, có quy định trong hoạt động ngoại giao Việt Nam tại Quyết định 228-CP năm 1992 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chế độ trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tiếp đó, Hội nghị lần thứ tư Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó đề ra bốn nhóm giải pháp đồng bộ. Đáng chú ý, nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng đã chỉ ra rất cụ thể về thí điểm chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Cụ thể: “... thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý…”
“Để đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý kế cận cho hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định chủ trương về thực hiện cơ chế tập sự chức danh lãnh đạo, quản lý và đã có những mô hình hiệu quả nhằm thực hiện cơ chế này” - ThS Đậu Ngọc Linh nhấn mạnh và cho biết đây là một mô hình hay, có ý nghĩa sâu sắc trong thực tiễn khi TP đang triển khai tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Ông Linh cũng khẳng định với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng về số lượng và chất lượng, có tính hệ thống, chiến lược phục vụ cho sự phát triển bền vững, lâu dài của TP thì thí điểm tập sự chức danh lãnh đạo, quản lý là một giải pháp đột phá trong quá trình cải cách chế độ công vụ của TP trong thời gian tới.
Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện đề án của Thành ủy TP về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP giai đoạn 2020-2035. “Học viện Cán bộ TP.HCM cũng đang thực hiện thí điểm mô hình này” - ông Linh nói thêm.
Thuê dịch vụ ngoài giảm tải cho cán bộ
ThS Đậu Ngọc Linh cũng nhìn nhận mô hình dịch vụ thuê ngoài và thuê nhân sự lãnh đạo, quản lý là một yêu cầu thiết thực đặt ra trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP.
Mô hình này được hiểu là hình thức thuê một đơn vị, một cá nhân có chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện một công việc cần chuyên môn sâu, giúp cơ quan nhà nước đảm bảo tốt các yêu cầu công việc.
“Vấn đề đặt ra ở đây là xác định những công việc cần thuê dịch vụ ngoài, hay những vị trí lãnh đạo quản lý nào cần thiết phải thuê nhân sự?” - ThS Đậu Ngọc Linh nêu.
Ông Linh cho rằng thuê dịch vụ và nhân sự bên ngoài không chỉ giúp giảm tải những công việc sự vụ đối với cán bộ, công chức mà còn là giải pháp tận dụng các thế mạnh, chuyên nghiệp từ đơn vị có chuyên môn cao trong lĩnh vực đó. Từ đó, giúp công chức tiếp cận với các phương pháp làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và giúp hoạt động công vụ trong một số lĩnh vực có thêm cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vấn đề thống nhất, liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận với nhân sự lãnh đạo, quản lý được thuê; cơ chế phối hợp, kiểm soát và điều chỉnh như thế nào cho hợp lý cũng phải tính toán kỹ.
“Nên chăng cần thí điểm trước đối với các vị trí lãnh đạo cấp phó cần chuyên môn sâu tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời với đó là chuẩn bị kỹ về quy trình, quy chế để thực hiện cơ chế này” - ThS Đậu Ngọc Linh đề nghị.
Cạnh đó, với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả bền vững thì các ý tưởng về chính sách cân bằng công việc - cuộc sống cho cán bộ, công chức cũng là điều mà TP.HCM hướng tới.
Cụ thể, cần có những chính sách linh hoạt hơn với cán bộ, công chức như xác lập cơ chế làm việc linh hoạt, đa dạng về hình thức; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi về thời gian nghỉ ngơi hay xây dựng những kế hoạch hỗ trợ nhà ở, dịch vụ giáo dục, chăm sóc trẻ em… Những sự quan tâm đó sẽ là động lực to lớn giúp cán bộ, công chức an tâm ở lại cống hiến cho TP.
Thí điểm nhiều mô hình mới
TP.HCM đã nghiên cứu, áp dụng thí điểm mô hình sử dụng dịch vụ thuê ngoài và thuê nhân sự quản lý tại một số đơn vị sự nghiệp công lập đối với một số ngành, lĩnh vực. Từ đó giúp phát huy tự chủ, tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hoạt động và giảm áp lực cho đội ngũ nhân sự.
TP.HCM cũng nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền của Trung ương cho phép TP thí điểm tập sự lãnh đạo các cấp, trước mắt là lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cấp xã.
Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM HUỲNH THANH NHÂN
*****
Chuẩn bị đầy đủ quy trình nếu tập sự lãnh đạo
Cơ chế tập sự lãnh đạo hoặc thuê ngoài, thuê nhân sự quản lý đã được TP nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến ở nhiệm kỳ trước. Để triển khai hiệu quả, tôi cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể phù hợp với thực tiễn khi triển khai đề án.
Vấn đề cần giải quyết thấu đáo là cơ chế tập sự lãnh đạo nên như thế nào để việc đào tạo, bồi dưỡng phát huy hiệu quả cao nhất. Bởi đã tập sự thì về mặt pháp lý phải đầy đủ quy trình, đưa công chức vào đúng vị trí với đủ quyền hạn và trách nhiệm chính thức để họ được “quyết”, giao nhiệm vụ cho cấp dưới.
Quy trình triển khai cũng không nên rườm rà, kéo dài để không giảm giá trị của việc tập sự. Chẳng hạn tập sự lãnh đạo hai năm (24 tháng), vậy sau khi hoàn thành tập sự lãnh đạo và được đánh giá tốt thì có được bổ nhiệm không? Hay còn phải thi tuyển?
Lãnh đạo UBND quận 10
*****
Nghị quyết 98 là thời cơ để nâng chất cán bộ
Thời gian qua, quận Bình Tân đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Qua đó, nền công vụ có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đều đạt trên 95%.
Đặc biệt, từ sau khi vận hành Nghị quyết 98, trong đó có việc bổ sung nhân sự cho phường, xã, thị trấn đông dân đã tạo cơ hội để quận sắp xếp, bố trí nhân sự. Điều này giúp nâng cao hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương cũng như nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ.
Chúng tôi cho rằng Nghị quyết 98 sẽ tạo động lực để TP phát triển, là thời cơ để thúc đẩy đội ngũ cán bộ nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng yêu cầu đề ra, nền công vụ cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ dữ liệu dùng chung, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, góp phần đổi mới hoạt động công vụ của cán bộ, phát huy tối đa các nguồn lực.
Với những yêu cầu nêu trên, chúng tôi mong muốn đề án cải cách nền công vụ của TP sẽ sớm được triển khai, tổ chức thực hiện trong thời gian tới.