TP.HCM cải thiện mạnh mẽ môi trường công vụ để thu hút nhân tài

TP.HCM xây dựng nền công vụ kiến tạo phát triển - Bài 1

TP.HCM cải thiện mạnh mẽ môi trường công vụ để thu hút nhân tài

(PLO)- TP.HCM quyết tâm nâng cao chất lượng nền công vụ, trong đó có việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của một số quốc gia để xây dựng mô hình phù hợp với TP.

Năm 2024, TP.HCM xác định chủ đề trọng tâm của năm là thực hiện Nghị quyết 98 và chuyển đổi số. Việc xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, không chỉ giúp TP.HCM thực thi hiệu quả Nghị quyết 98 mà còn giúp TP có những bước đi mạnh mẽ trong quá trình phát triển bứt phá của một siêu đô thị như TP.HCM. Pháp Luật TP.HCM mời bạn đọc theo dõi loạt bài "TP.HCM xây dựng nền công vụ kiến tạo phát triển”.

*****

Theo dự kiến, trong tháng 3 này, TP.HCM sẽ hoàn thiện Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giai đoạn 2024-2030 theo hướng chuẩn hóa quy trình công vụ và đề xuất nhiều chính sách vượt trội về tuyển dụng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân (vừa được bầu làm phó chủ tịch HĐND TP.HCM) kỳ vọng những chính sách mới trong đề án này sẽ làm chuyển biến bộ máy hành chính của TP; Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… từ đó giúp TP.HCM thực hiện tốt Nghị quyết 98/2023 cũng như các trọng trách mà Trung ương giao phó.

p2+3-huynh-thanh-nhan.jpg

Củng cố nền công vụ để phục vụ nhân dân

. Phóng viên: Thưa ông, lý do nào mà TP.HCM đề ra quyết tâm xây dựng đề án cải cách nền công vụ TP.HCM?

+ Ông Huỳnh Thanh Nhân: Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo tập trung tham mưu trong giai đoạn hiện nay.

Điều này xuất phát từ chính những đòi hỏi từ thực tiễn của TP.HCM - một đô thị đặc biệt, giữ vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, một TP trẻ đang khao khát vươn lên mạnh mẽ để xứng tầm với vị thế hòn ngọc Viễn Đông.

Việc xây dựng đề án trước hết là nhằm mục tiêu củng cố vững chắc hơn nữa nền công vụ phục vụ nhân dân. Muốn xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả thì phải có “con người hiệu quả”, phải có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ, công chức) thực sự tinh nhuệ.

Trong bối cảnh hiện nay, TP cần phải thực hiện mục tiêu ổn định đội ngũ, kéo giảm tỉ lệ cán bộ, công chức nghỉ việc trong thời gian qua tại khu vực công, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư.

Song song đó, để thực hiện được các mục tiêu xây dựng và phát triển TP nhanh, bền vững theo các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 98, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP thì TP.HCM cần thu hút đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Để làm được điều này, TP cần cải thiện mạnh mẽ môi trường công vụ để đủ sức hấp dẫn và “giữ chân” các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao.

Ngoài ra, một số bất cập của các quy định pháp luật hiện hành khiến cán bộ, công chức khi áp dụng pháp luật để xử lý hồ sơ, công việc cụ thể hoặc giải quyết tình huống thực tế còn gặp khó khăn, lúng túng.

Một số cán bộ, công chức còn e dè, chưa tự tin dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Do đó, TP rất cần hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý để bảo vệ cán bộ, công chức, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, tạo bước đột phá mới cho sự phát triển của TP.

Từ thực trạng trên, TP.HCM quyết tâm nâng cao chất lượng nền công vụ. Trong đó, chúng tôi cũng tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có nền công vụ năng động, hiện đại trên thế giới như Singapore, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để nghiên cứu, xây dựng mô hình phù hợp cũng như làm cơ sở đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ tại TP.HCM.

Chúng tôi kỳ vọng việc xây dựng nền công vụ hiện đại, hiệu lực, hiệu quả cao sẽ đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển TP trong thời đại mới. Mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng cao, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và xã hội…

TP.HCM cải thiện mạnh mẽ môi trường nền công vụ để thu hút nhân tài
Việc xây dựng và thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Nghị quyết 98. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từng công chức phải là người ngay thẳng

. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng nhiều lần nhắc đến việc xây dựng nền công vụ TP.HCM phải “minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển”. Nó được chuyển tải thế nào trong đề án?

+ Đây là mục tiêu chung được đề ra tại đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM.

Các mục tiêu này được xác định trên cơ sở định hướng phát triển TP của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy, UBND TP. Đồng thời, có sự học hỏi, tiếp thu những nguyên tắc chung của các nền công vụ tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Tôi cho rằng nền công vụ “minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển” là nền công vụ mà ở đó bộ máy hành chính của TP phải nghiêm chỉnh trong thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ nguyên tắc pháp quyền XHCN.

Từ đội ngũ lãnh đạo, quản lý cho đến từng công chức phải là những người trong sạch và ngay thẳng, thực hiện tốt đạo đức công vụ, văn hóa tổ chức, trong thực thi công vụ không được lạm dụng quyền lực, chức vụ để trục lợi và tham nhũng. Từ đó, nền công vụ sẽ nhận được sự hài lòng, tin tưởng của người dân và toàn xã hội, đạt uy tín cao.

Ngoài ra, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiến tạo phát triển trong hoạt động công vụ là một trong những yêu cầu quan trọng của nền hành chính phục vụ.

Những nguyên tắc này được xem như kim chỉ nam cho hoạt động công vụ mà tập thể cán bộ, công chức TP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phải tuân thủ.

Bốn nhóm giải pháp tạo đột phá nền công vụ

. Đề án đang được nghiên cứu theo hướng chuẩn hóa quy trình công vụ trên tinh thần tinh gọn, rõ việc, rõ người… và hiện đại hóa nền hành chính. Vậy những giải pháp, cơ chế nào để giúp chuẩn hoá quy trình công vụ này?

+ Trên cơ sở phân tích, đánh giá sơ bộ nền công vụ TP, hiện nay đề cương của đề án đã đề xuất bốn nhóm, mục tiêu, giải pháp lớn mà TP cần tập trung, đổi mới để tạo ra sự đột phá, thay đổi chất lượng phục vụ nền công vụ. Mỗi nhóm giải pháp lại đề xuất từng nhóm mục tiêu chi tiết, cụ thể.

Cụ thể, nhóm giải pháp về định hướng phát triển nền công vụ và công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công chức, sẽ xác định mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của nền công vụ; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công chức.

Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức, bộ máy sẽ tập trung việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân bổ biên chế, số lượng người làm việc phù hợp với đặc thù đô thị đặc biệt; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ thuê ngoài và thuê nhân sự quản lý.

Nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của TP ngang tầm nhiệm vụ tập trung vào các hoàn thiện, đổi mới công tác tuyển dụng; đánh giá, xếp loại; đào tạo, bồi dưỡng; phát triển sự nghiệp; chế độ, chính sách đãi ngộ; nhà ở; động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo…

Với nhóm giải pháp hiện đại hóa nền công vụ thì sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; thí điểm cơ chế cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà.

Để đảm bảo nội dung dự thảo đề án thực sự có chất lượng, hiệu quả, khả thi cao, TP đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cần có sự khảo sát và đánh giá toàn diện về nền công vụ cũng như thực trạng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP hiện nay.

Từ đó, có cơ sở đề ra các định hướng chiến lược và giải pháp tổng thể, có tính căn cơ và được triển khai thực hiện trong thời gian dài đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đô thị phục vụ cho quá trình hoạch định chiến lược cũng như những yêu cầu của Thành uỷ, UBND TP.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển đẩy nhanh tiến độ tham mưu xây dựng đề án theo chỉ đạo của UBND TP.

p2+3-mau-chan-trang.jpg
TP.HCM cần có chính sách về nguồn nhân lực, nhất là nhân sự có chuyên môn về mặt công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Ảnh: THUẬN VĂN

Đào tạo cán bộ gắn với từng vị trí, chức danh

. Được biết đề án xây dựng nền công vụ sẽ hướng đến việc đào tạo cán bộ gắn với chức danh, để từ cán bộ xã, phường đến lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành TP biết vai trò, nhiệm vụ của mình. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc này?

+ Nội dung này liên quan đến nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức TP ngang tầm nhiệm vụ. Đây được xem là nhóm giải pháp trọng tâm do liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của TP trong tình hình mới.

Có thể nói điểm nhấn của nhóm giải pháp này là đề ra các giải pháp đột phá để đổi mới các phương thức tuyển dụng; đánh giá, xếp loại chất lượng; đào tạo, bồi dưỡng; phát triển sự nghiệp; đãi ngộ; tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tôn vinh, khen thưởng và nâng cao chất lượng văn hóa công sở, cải thiện môi trường công vụ.

TP sẽ nghiên cứu thực hiện các chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” nhằm thu hút chất xám và nhân tài là các nhà khoa học, chuyên gia, người có tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào hệ thống công lập để phát huy tối đa nguồn lực con người cho sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.

Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM đặt ra mục tiêu tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, thực thi công vụ. Song song đó là tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về hoạch định chiến lược cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt, các vị trí tham mưu chiến lược, các vị trí xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với từng vị trí, chức danh trong bộ máy nhà nước, đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức công vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Thông qua công tác này nhằm đảm bảo cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm vào các vị trí phải có đủ năng lực, am hiểu sâu về lĩnh vực mình phụ trách, nắm chắc chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm.

. Xin cảm ơn ông.

Khâu then chốt, đột phá để thực hiện Nghị quyết 98

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Tôi có thể khẳng định việc đổi mới nền công vụ và đội ngũ cán bộ, công chức TP là một trong những khâu then chốt và đột phá để triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đạt kết quả tốt nhất.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng từng nhiều lần nhấn mạnh việc “Nghị quyết đã có, vấn đề còn lại là người làm” mà cụ thể “người làm” chính là hệ thống chính trị, chính quyền. Và để hệ thống này được vận hành tốt thì nền công vụ phải được chuẩn hóa, hiện đại.

Lãnh đạo TP rất kỳ vọng việc xây dựng và thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 sẽ trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 98 và các nghị quyết của Trung ương giao cho TP.

Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM HUỲNH THANH NHÂN

******

Ông NGUYỄN NGHIÊM QUỐC CƯỜNG, Chủ tịch UBND phường 2, quận 5:

Tăng cường đầu tư công nghệ, hạ tầng

Tôi cho rằng làm sao để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp vừa là mục tiêu vừa là áp lực đối với mỗi lãnh đạo, công chức, cán bộ ở địa phương.

Để giải quyết áp lực này, mỗi cán bộ phường 2 đã đặt ra mục tiêu là phải áp dụng chuyển đổi số để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn.

Về mặt này, TP.HCM cũng đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng nền công vụ ở địa phương và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nền công vụ của TP.HCM hiện tại đang ở bước phát triển mới, ngày càng hiện đại hơn nên TP cần đầu tư thêm về cơ sở công nghệ, hạ tầng để đáp ứng được nhu cầu thực tế.

TP.HCM cần có chính sách về nguồn nhân lực, trong đó phải đặc biệt đầu tư nhân sự có chuyên môn về mặt công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

******

Ông DIỆP BẢO HIẾU, cán bộ không chuyên trách phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân:

Năng động, linh hoạt để phục vụ người dân tốt nhất

Với đặc thù đông dân, phường Bình Trị Đông sau khi thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 34/2019, chúng tôi làm việc rất áp lực. Là một cán bộ không chuyên trách, tôi vừa phụ trách mảng xây dựng, hạ tầng vừa phụ trách thêm nội dung trẻ em, gia đình, bình đẳng giới…

Thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ở cấp phường, chúng tôi cũng có những cách riêng để thực hiện chủ trương của TP. Việc gì chủ động được, chúng tôi đều tìm mọi cách xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất cho người dân, không để kéo dài.

Mong rằng sắp tới khi TP.HCM thực hiện cơ chế tăng thêm biên chế, chúng tôi sẽ có thêm đồng nghiệp, anh em choàng việc, gánh vác cùng nhau và mọi thứ sẽ ổn hơn. Vừa qua nhờ cơ chế tăng thêm thu nhập, chúng tôi cũng có động lực làm việc hơn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để được nhận thêm hỗ trợ, giúp cải thiện thu nhập.

Tôi được biết TP.HCM đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách về vấn đề nhà ở cho cán bộ. Điều này thực sự cần thiết, nhất là khi TP xác định thu hút nhân tài ở nhiều nơi về đóng góp cho TP. Ngoài ra, nếu TP có nhiều chính sách, ưu đãi giúp cán bộ tiếp cận nguồn vốn vay, nhà ở xã hội cũng sẽ là cơ hội mở để đón được nhiều nhân sự mới vào khu vực công.

BẢO PHƯƠNG - LÊ THOA ghi

*****

Nền công vụ và chính sách cho nhân viên ở một số quốc gia

Thực tế, bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn có một nền công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, dân chủ, khách quan, đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân được tốt nhất. Tùy thuộc đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi quốc gia có những cách vận hành nền công vụ, các chế độ, ưu đãi… khác nhau dành cho cán bộ, công chức.

Như ở Singapore, hiện nay đang chú trọng xây dựng xã hội cởi mở và công bằng, tạo dựng lòng tin của công chúng đối với uy tín đạo đức và năng lực của cơ quan công quyền; khuyến khích sự tự đổi mới, tạo điều kiện cho công chức trẻ, có tài năng học tập, rèn luyện qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác để phấn đấu vươn lên đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn.

Singapore đã tận dụng công nghệ để hợp lý hóa các quy trình dịch vụ công, ưu tiên tập trung vào nhu cầu của người dân và giúp các dịch vụ công dễ tiếp cận hơn. Đặc biệt, phát triển các trung tâm dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng nền tảng số giúp thay đổi cách các doanh nghiệp ở Singapore tương tác với chính phủ và giúp người dân tìm kiếm các chương trình hỗ trợ của chính phủ một cách dễ dàng hơn (cổng dịch vụ Go Business Portal).

p3-phu-1.jpg
Chính phủ Singapore đã tận dụng công nghệ để hợp lý hóa các quy trình dịch vụ công, ưu tiên tập trung vào nhu cầu của người dân. Trong ảnh: Nhà hát Esplanade, một trong những biểu tượng của Singapore. Ảnh: LÊ TƯƠI

Đặc biệt trong quản lý nguồn nhân lực, Singapore triệt để áp dụng các nguyên tắc liêm chính (phòng, chống tham nhũng), thực tài (lựa chọn và tuyển dụng những người có tài năng, không chịu ảnh hưởng từ thành kiến, quan hệ cá nhân…), định hướng kết quả (đãi ngộ và thăng tiến của công chức gắn chặt với kết quả thực thi và đóng góp của họ vào thành quả chung), đãi ngộ công bằng đối với đóng góp của người có tài năng trong nền công vụ...

Singapore thực hiện bố trí 70% nội dung là rèn luyện qua công việc được giao (luân chuyển qua các lĩnh vực chuyên môn, bộ phận tác nghiệp, biệt phái sang khu vực tư, tham gia các dự án liên bộ, các chương trình trao đổi chuyên gia, các chương trình làm việc, thực tập tại cộng đồng), 20% qua huấn luyện, kèm cặp, tư vấn và 10% qua các chương trình đào tạo theo mốc tiến độ, đào tạo sau ĐH.

Sau đại dịch COVID-19, Singapore còn xây dựng cách thức làm việc linh hoạt để thích ứng với tình hình mới. Theo đó, 50% công chức có thể làm việc tại nhà hoặc các cơ sở làm việc chung do nhà nước thành lập.

Tại Pháp cũng có nhiều ưu tiên nhằm tăng cường tính hiệu quả trong thực hiện các chính sách công, thực hiện những dịch vụ công dành cho người dân và doanh nghiệp.

Có thể kể đến như triển khai chương trình “Kilomet cuối cùng”, thành lập hệ thống “Ngôi nhà dịch vụ công” để đảm bảo các dịch vụ công gần nhất đối với người dân, chỉ mất thời gian di chuyển dưới 20 phút từ nhà của người dân hoặc doanh nghiệp khi đến làm dịch vụ công…

Pháp cũng đề ra mục tiêu ưu tiên là đưa dịch vụ công gần với người dùng; đơn giản hóa trong quản trị nhân lực, hoạt động và vận hành của các cơ quan nhà nước; đơn giản hóa về thủ tục hành chính; thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo thông qua phương pháp tiếp cận bằng thử nghiệm, thí điểm.

Trong khi đó, khu vực công Úc được vận hành theo hướng thị trường hóa, với bộ máy tinh gọn, đội ngũ công chức ngày càng tinh giản. Phương châm quản lý nguồn nhân lực mà nước này xác định là “Đúng người - Đúng khả năng - Đúng thời điểm - Đúng địa điểm - Đúng chi phí”.

Úc cũng đẩy mạnh áp dụng phương pháp, kỹ thuật quản trị doanh nghiệp vào khu vực công để hoạt động năng động, hiệu quả hơn; tiến hành hợp tác công tư, thuê nhân sự bên ngoài tham gia vào bộ máy hành chính công; đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các tổ chức và giữa các chính quyền địa phương…

Đáng chú ý, kể từ sau dịch COVID-19, số công chức làm việc tại nhà, bao gồm những công chức ở - bao gồm Ngân hàng Quốc gia Úc, kho bạc và các công chức các cơ quan chủ chốt khác, đã tăng hơn gấp đôi.

Cuộc khảo sát mới nhất của Ủy ban Dịch vụ công Úc (APSC) được công bố vào cuối năm 2023 cho thấy 57% công chức được hưởng chế độ làm việc từ xa. Con số này đã tăng so với mức 22% năm 2019.

Một cuộc khảo sát gần đây của Ủy ban Dịch vụ công Úc cho thấy trong 10 nhân viên mới thì sáu người cho rằng cơ chế linh hoạt trong làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút họ vào làm trong lĩnh vực công…

Đ.HIỀN - N.THẢO tổng hợp

Đọc thêm