Mới đây, UBND TP.HCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng dự thảo đề án nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Một trong những đề xuất tại đề án là thí điểm cơ chế cho phép cán bộ làm việc tại nhà với những vị trí việc làm không tiếp xúc với dân nếu đáp ứng được các yêu cầu cụ thể.
PLO, ghi nhận một số góp ý xoay quanh cơ chế cho phép cán bộ làm việc tại nhà.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, Quận Gò Vấp:
Cán bộ cấp phường, xã làm việc tại nhà khó áp dụng
Theo tôi đây là chủ trương hay và khi thực hiện thí điểm sẽ có nhiều thuận lợi cũng như sẽ giảm tải áp lực cho cán bộ khi làm việc tại trụ sở cơ quan. Tuy nhiên, việc cho phép cán bộ được làm việc tại nhà chỉ nên áp dụng đối với những cán bộ làm công tác chuyên môn, kiểm tra và tham mưu hồ sơ ở cấp quận, sở, ban ngành.
Đối với các cán bộ, công chức ở cấp xã, phường mặc dù hiện nay có một số thủ tục hành chính đã được người dân nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến tuy nhiên các cán bộ ở đây phải kiêm nhiệm nhiều công việc và những đầu việc này phải thường xuyên tiếp xúc với người dân. Vì thế, nếu được bố trí làm việc tại nhà thì sẽ khó có thể hoàn thành công việc.
Ông Nguyễn Văn Tài (TP.HCM), cán bộ hưu:
Nên có đánh giá mặt tích cực và hạn chế
Theo tôi, ưu điểm lớn nhất của đề xuất này là sẽ tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động của nền công vụ và điều này phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ số hiện nay. Đồng thời, nếu cán bộ làm việc tại nhà sẽ có không gian, thời gian sáng tạo giúp hiệu suất làm việc được nâng cao.
Về tác động xã hội thì hiện nay tại TP.HCM, lượng xe lưu thông trên đường đang sắp quá tải đặc biệt vào những giờ cao điểm. Nếu cán bộ làm việc tại nhà sẽ giảm bớt sức ép về cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông thông thoát hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cần tính toán đến việc nếu cán bộ làm việc tại nhà thì chỉ đánh giá được mức độ hoàn thành công việc còn việc đánh giá về kỷ luật lao động, thái độ làm việc sẽ khó.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lan, quận 12, TP.HCM:
Tiết kiệm được thời gian cho cán bộ
Tôi là kế toán cũng đã được hơn 10 năm nay, trước đây công nghệ thông tin chưa phát triển nên vị trí kế toán buộc phải đến trụ sở công ty làm để dễ trao đổi thông tin với các phòng ban khác. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu công việc của tôi cần có chiếc máy tính và mạng internet là có thể làm việc chứ không cần phải tiếp xúc với ai.
Thông thường những nơi sử dụng lao động yêu cầu nhân viên phải đến trực tiếp chỗ làm để tránh tình trạng nhân viên của mình làm thêm nhiều việc khác. Tuy nhiên, theo tôi thì nếu cán bộ làm tại nhà mà vẫn đảm bảo được công việc thì nên khuyến khích vì vừa tiết kiệm được thời gian đi lại cho cán bộ, chi phí điện nước cho cơ quan,…
Vì thế, theo tôi nếu đối với cán bộ đang làm tại một số vị trí không tiếp xúc trực tiếp với người dân thì nên cho thí điểm làm việc tại nhà. Đồng thời, để đánh giá được tính hiệu quả thì thời gian đầu thí điểm có thể cho phép cán bộ làm việc tại nhà một tuần hai lần. Sau đó, nếu công việc của cán bộ vẫn đạt hiệu quả thì tăng thời gian làm việc tại nhà.