Ngày 30-11, trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh chưa quyết định giữ lại hay đập bỏ chợ Đầm tròn tại TP Nha Trang.
Cùng ngày, nguồn tin của PV cho biết Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa (Hội KHKT Khánh Hòa) vừa tổ chức hội thảo về giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, thương hiệu chợ Đầm tròn.
Hội thảo được tổ chức sau khi UBND tỉnh giao Hội KHKT Khánh Hòa chủ trì, tư vấn, phản biện về công trình chợ Đầm tròn.
Công trình mang tính biểu tượng
Tại hội thảo trên, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng chợ Đầm tròn là công trình gắn bó với lịch sử phát triển đô thị Nha Trang - Khánh Hòa. Đây là biểu tượng kiến trúc mang tính lịch sử, nhân văn gắn liền với tình cảm đời sống của người dân phố biển với nhiều kỷ niệm, ký ức.
“Người dân Nha Trang rất tự hào về chợ Đầm tròn. Dù đã hơn 50 năm xây dựng nhưng công trình vẫn không lạc hậu với trào lưu của kiến trúc hiện đại trên thế giới. Đó là kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng. Có thể khẳng định chợ Đầm tròn là một công trình độc đáo xuyên thời đại và là chợ hình tròn có một không hai”- KTS Hoàng chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử tỉnh Khánh Hòa, cho rằng chợ Đầm tròn là chứng nhân xuyên suốt các thời kỳ lịch sử hình thành vùng đất Thái Khang xưa, tức Khánh Hòa ngày nay.
Theo TS Hoa, trên bước đường hình thành, phát triển suốt nhiều thế kỷ qua, đặc biệt từ năm 1975 đến nay, chợ Đầm tròn góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo ra mặt hàng sản vật của tỉnh và cả các tỉnh lân cận. Chợ Đầm hình thành, phát triển gắn liền sự hình thành, phát triển Nha Trang trong hơn một thế kỷ.
“Có thể coi chợ Đầm là ngôi chợ tiêu biểu cho văn hóa thương nghiệp Nha Trang - Khánh Hòa. Chợ có nhiều tiểu thương trải qua hai, ba thế hệ buôn bán nên duy trì được nhiều nét văn hóa tốt đẹp, trong đó có văn hóa ẩm thực, góp phần phát triển du lịch của tỉnh”- TS Hoa nói.
Tham luận của Sở Văn hóa- Thể thao Khánh Hòa cũng khẳng định yếu tố lịch sử của chợ Đầm được thể hiện rất rõ qua hình thức kiến trúc, các loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng, họa tiết trang trí, hệ thống các khu vực ngành hàng, sạp hàng bên trong, bên ngoài nhà lồng…
Sở Văn hóa- Thể thao Khánh Hòa cho rằng chợ Đầm tròn cũng là một trong những dấu mốc trong sự phát triển của đô thị Nha Trang cùng với các công trình nhà ga, Viện Hải Dương học, Viện Pasteur, Sở Bưu điện, biệt thự Cầu Đá (lầu Bảo Đại), nhà thờ Núi… Đến nay, chợ Đầm Tròn mang đậm di sản “chợ truyền thống” của người Việt giữa lòng phố biển Nha Trang.
Một khảo sát của Sở VHTT Khánh Hòa chỉ ra rằng, khi được hỏi địa điểm nào ở Nha Trang mà bạn muốn đến tham quan và cảm thấy quen thuộc? Rất nhiều người dân và du khách trả lời là chợ Đầm. Còn tra Google về địa danh “chợ Đầm” hoặc “chợ Đầm Nha Trang”, chỉ trong 0,33 giây cho ra khoảng 7.560.000 kết quả.
“Chợ Đầm tròn đã trở thành một phần di sản ký ức của Nha Trang - Khánh Hòa, là gạch nối những thế hệ dân cư và du khách”- Sở VHTT đánh giá.
Đồng loạt kiến nghị giữ lại, tôn tạo chợ Đầm tròn
Về việc nên phá bỏ hay giữ lại chợ Đầm tròn, đại diện Sở VHTT Khánh Hòa cho rằng đối với người dân Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung, chợ Đầm tròn đã “trĩu nặng biết bao tình đất, tình người, tình xứ sở nơi đây”. Vì thế công tác bảo tồn, phát huy giá trị của chợ Đầm tròn là việc làm thực sự cần thiết trong thời kỳ hiện nay.
Còn KTS Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa nói không nên phá bỏ mà cần thiết theo hướng tôn tạo, phát huy giá trị công trình chợ Đầm tròn đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đương đại.
“Mọi can thiệp về xây dựng cần lưu ý hai yếu tố chính là chợ Đầm tròn và không gian xung quanh. Hơn nữa không gian trống - không gian công cộng hiện rất cần và ngày càng có giá trị ở khu vực trung tâm TP Nha Trang - nơi có mật độ xây dựng và dân cư ngày càng tăng. Các đô thị Việt Nam và TP Nha Trang nói riêng có quá trình phát triển nhanh, đổi mới hiện đại tuy nhiên vẫn cần lưu giữ các giá trị văn hóa xã hội mang tính kế thừa”- KTS Nguyễn Hoàng nói.
Tương tự, TS Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng chợ Đầm tròn đã có lịch sử 50 năm xây dựng, có dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, không thể vì đã cũ mà đánh giá “không tương xứng với quy hoạch chung của thành phố”, không thay thế vì cũ, khác với lạc hậu hoặc không phải cũ là không tốt.
Theo TS Hoa, các chợ như Đông Ba ở Huế, Đà Lạt ở Lâm Đồng đều được bảo tồn dù đã rất cũ. Chợ Đầm tròn như một di tích lịch sử, niềm tự hào đi vào lòng dân qua nhiều nhiều thế hệ, có giá trị quý đối với địa phương phát triển du lịch.
"Cần có giải pháp bảo tồn, tránh lãng phí và nghiên cứu nối kết với chợ mới sao cho hài hòa và phù hợp để phát huy giá trị phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa bền vững”- TS Hoa kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thích, cựu Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cũng đề nghị cần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc chợ Đầm tròn, không nên huỷ bỏ. Vì như thế, sẽ đánh mất giá trị lịch sử và văn hóa quý giá.
“Ngoài bảo tồn cũng cần phát huy giá trị đồng bộ của cả hai công trình chợ cũ và mới. Có như vậy mới xứng tầm với quy mô tổng thể quy hoạch gắn liền với sự phát triển, để cả tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030”- ông Thích bày tỏ mong muốn.
Chợ Đầm tròn được xây dựng dựa theo đồ án của KTS Lê Quý Phong thiết kế trước đó; các KTS Hồ Thăng, Võ Đình Diệp, kỹ sư Nguyễn Xuân Phương cải tiến và bổ sung thêm một số chi tiết gồm tầng trệt và tầng lầu.
Khu chợ được xây dựng trên diện tích gần 5.300 m2, với tổng thể kiến trúc hình hoa sen. Trong đó, tầng lầu có dạng hình vành khăn, lệch tâm, các mái xếp được xây theo hình chữ V. Hai tòa cao ốc bốn tầng được xây theo hình cánh cung bao bọc vòng ngoài ngôi chợ tròn, tầng trệt làm thương xá, các tầng trên làm chung cư. Cuối năm 1972, chợ Tròn hoàn thành.