Bình Thuận là tỉnh có chiều dài bờ biển trên 192 km với vùng biển rộng 52.000 km2, tiếp giáp và liên thông với các ngư trường lớn, có nguồn lợi thuỷ sản đa dạng về chủng loại và trữ lượng.
Cảng cá La Gi của tỉnh Bình Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa |
Bình Thuận nổi tiếng với nhiều loài hải đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao do chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định.
Đặc biệt là 1 trong 18 vùng nước trồi của thế giới (châu Á chỉ có 2 vùng nước trồi là vùng biển Tây Ấn Độ và vùng biển Bình Thuận) có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản.
Mẻ cá trúng đậm đầu năm 2023 của ngư dân Bình Thuận. |
Tính đến đầu năm 2023, số lượng tàu cá thực tế toàn tỉnh là 7.545 chiếc trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.954 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2022 là 220.342 tấn, đạt 104,9 % so với kế hoạch (210.000 tấn) và tăng 4,92 % so với cùng kỳ năm 2021 (210.004 tấn). Trong quý 1 năm 2023, sản lượng khai thác đạt được 38.338 tấn.
Một góc cảng cá La Gi. |
Thực hiện công tác về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng; địa phương vùng biển tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức,
Thường xuyên kiểm tra trang bị an toàn, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá và người khi hoạt động trên biển; đánh dấu tàu cá theo đúng quy định.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho ngư dân trên ghe. |
Đảm bảo 100% tàu cá thuộc diện lắp VMS được lắp đặt thiết bị VMS. Yêu cầu mỗi chủ tàu cá, thuyền trưởng và người lao động ra khơi cần ghi nhớ những quy định tối thiểu sau: phải được đăng ký, đăng kiểm và có giấy phép khai thác thủy sản; treo cờ Việt Nam khi hoạt động; không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; không vi phạm về khai thác IUU.
Các tàu cá được thường xuyên kiểm tra. |
Tàu từ 12m trở lên phải ghi nhật ký khai thác theo quy định. Tàu từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng; phải thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi cập cảng.
Tàu khai thác đêm trên biển Bình Thuận. |
Hoạt động khai thác thủy sản năm 2022 tương đối ổn định. Trong năm giá dầu tăng mạnh thường xuyên biến động tăng, các mặt hàng phục vụ khai thác thủy sản không ổn định và ở mức cao, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể.
Giá cả nguyên liệu biến động trong khi giá hải sản không tăng. |
Một số thời điểm trong năm, nhiều tàu thuyền tạm nghỉ nằm bờ để cân đối, tính toán lại chuyến biển, nên hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân bị ảnh hưởng, hiệu quả kinh tế đem lại không cao.
Tuy nhiên, trong vụ cá Nam, nguồn lợi thủy sản xuất hiện nhiều nên ngư dân vẫn tiếp tục bám biển và đánh bắt đạt sản lượng cao.
Cá đưa về cảng Phan Thiết. |
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Nghề cá, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, ngư dân hoạt động trên biển luôn chịu nhiều điều kiện làm việc khắc nghiệt và rủi ro cao hơn rất nhiều đối với các ngành hoạt động kinh tế khác.
Tuy nhiên ngoài vai trò đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, tàu cá của ngư dân đang và sẽ là những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển. Lực lượng này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ.
Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn nhất nước, sản lượng dồi dào. |
“Việc Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” là một việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực, nhằm thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ, động viên cho ngư dân Việt Nam an tâm lao động sản xuất, bám biển để khai thác thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Xin thay mặt cho ngư dân, Hội Nghề cá Bình Thuận; Chi cục Thủy sản Bình Thuận xin cám ơn tấm lòng của quý Báo và mong được tiếp tục đồng hành chương trình ý nghĩa, nhân văn này” - ông Huy chia sẻ.